• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đọ sức mạnh kịch bản quân sự Mỹ đối phó Triều Tiên

Thế giới 05/03/2017 16:09

(Tổ Quốc) - Việc xem xét lại chiến lược của Mỹ với Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh các sự kiện gần đây đã gia tăng căng thẳng đối với sự ổn định ở châu Á.

Bản đánh giá chiến lược nội bộ của Nhà Trắng về Triều Tiên đã bao gồm khả năng sử dụng lực lượng quân sự hoặc thay đổi chế độ để đẩy lùi mối đe dọa vũ khí hạt nhân của nước này, Wall Street Journal (WSJ)  trích dẫn những nguồn tin thân cận với tiến trình này cho biết, - một động thái có thể đưa một số đồng minh của Mỹ trong khu vực lên bờ nguy hiểm.

Bất ổn tại khu vực

Việc rà soát chính sách của Mỹ cũng diễn ra sau nhiều sự kiện căng thẳng tại khu vực như việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuống vùng biển Nhật Bản, và những thông tin về cái chết được cho là của anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Malaysia.

Tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã rút lại sự chấp thuận thị thực đối với các quan chức CHDCND Triều Tiên để đến New York hội đàm không chính thức với các cựu quan chức Mỹ, theo những người quen thuộc với vấn đề này – điều cho thấy một bước lùi trong nỗ lực tái xây dựng quan hệ.

Trước khi cuộc tập trận hàng năm được bắt đầu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã phát biểu ngày 28/2 với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo rằng "bất kỳ cuộc tấn công vào nước Mỹ hoặc các đồng minh sẽ bị đánh bại, và việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ bị đáp trả bằng một phản ứng có hiệu quả và áp đảo," Phát ngôn viên Lầu năm Góc Jeff Davis nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo. (Nguồn: AFP)

Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc  - một đồng minh lớn của Bình Nhưỡng, và quan chức cấp cao Triều Tiên cũng đã có cuộc hội đàm tại Bắc Kinh – các cuộc họp cấp cao đầu tiên được biết đến trong gần một năm qua khi Bắc Kinh gần đây đã tuyên bố dừng nhập khẩu than từ Triều Tiên.

Mỹ cũng đang trong quá trình lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến THAAD tại Hàn Quốc. Là một phần trong tiến trình này, Seoul trong tuần này cho biết đã hoàn thành việc chuyển giao đất cần thiết tại nơi lắp đặt hệ thống, ông Davis nói.

Chiến lược Mỹ

WSJ đã trích dẫn nhận định của những nguồn tin thân cận cho biết, các quan chức Mỹ đã nhấn mạnh đến việc có thể sử dụng khía cạnh quân sự trong chiến lược mới nổi của họ tại các cuộc thảo luận gần đây với các đồng minh.

Vài tuần trước đây, phó cố vấn an ninh quốc gia K.T. McFarland đã triệu tập một cuộc họp với các quan chức an ninh quốc gia và yêu cầu họ đưa ra các đề xuất về Triều Tiên, bao gồm những ý kiến, theo một quan chức mô tả là nằm ngoài đường lối chính hiện tại.

Yêu cầu trên đề cập đến tất cả mọi lựa chọn, từ việc Mỹ công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân cho tới các hành động quân sự chống lại Bình Nhưỡng. Chỉ thị của bà McFarland đã buộc các quan chức trong chính quyền phải suy nghĩ lại toàn diện về chính sách Triều Tiên của Mỹ.

Các quan chức an ninh quốc gia đã báo cáo lại cho bà McFarland những ý tưởng và đề xuất của họ vào hôm 28/2. Những lựa chọn này hiện sẽ được xem xét, bao gồm việc điều chỉnh và định hình lại trước khi được đệ trình lên Tổng thống.

“Chấn động khu vực”

Trong khi Tổng thống Donald Trump đã có những bước đi để trấn an các đồng minh rằng ông sẽ không từ bỏ thỏa thuận đã củng cố hàng thập kỷ về chính sách của Mỹ đối với châu Á, ông cũng đưa ra cam kết rằng Bình Nhưỡng sẽ dừng hoạt động thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa – cùng với việc xem xét lại chiến lược cũ với Triều Tiên đã khiến một số nhà lãnh đạo lo ngại về một sự thay đổi trong chính sách của Mỹ.

Trong hội nghị thượng đỉnh hai ngày giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với ông Trump vào tháng 2, các quan chức Mỹ đã nhiều lần tuyên bố rằng tất cả các lựa chọn đều được xem xét để đối phó với Triều Tiên, theo một người quen thuộc với các cuộc thảo luận.

 Ông Trump mới đây cũng tuyên bố cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ cả Nhật Bản và Hàn Quốc với các nhà lãnh đạo của cả hai quốc gia. Sau khi Triều Tiên  thử nghiệm một tên lửa đạn đạo vào tháng trước – cùng thời điểm ông Abe và Trump đã họp mặt tại Florida, các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ lệnh cấm của LHQ về các vụ thử trên và cho biết Tokyo và Washington sẽ tăng cường liên minh của họ.

Trong một bài phát biểu ngắn sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, ông Trump đã không đề cập đến Triều Tiên và chỉ nói rằng Mỹ "ủng hộ Nhật Bản, đồng minh lớn của nước này, 100%".

 Rõ ràng với phía Nhật Bản rằng những lựa chọn này bao gồm một cuộc tấn công quân sự của Mỹ đối với Triều Tiên – điều có thể xảy ra về Bắc Triều Tiên, có thể khi Bình Nhưỡng sẵn sàng thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), nguồn tin này cho biết. Phía Nhật Bản nhận thấy kịch bản này là "đáng lo ngại", ông nói.

Các đồng minh của Mỹ trong những năm gần đây đã liên kết chặt chẽ với Washington để gia tăng áp lực ngoại giao và kinh tế đối với Bình Nhưỡng nhằm buộc nước này phải từ bỏ chương trình hạt nhân.

"Chúng tôi đảm bảo rằng Triều Tiên sẽ thay đổi tính toán sai lầm của mình bằng cách gia tăng hơn nữa các biện pháp trừng phạt và áp lực" quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn cho biết trong một bài phát biểu ngày 1/3.

Hàn Quốc và Mỹ cũng đã khởi động cuộc tập trận quân sự lớn hàng năm trong cùng ngày - một phần của chiến lược lâu dài về ưu tiên chuẩn bị phòng thủ quân sự trước sự gây hấn của Triều Tiên.

Tuy nhiên, việc xem xét lại chính sách của Mỹ đã tạo ra sự lo lắng ở Nhật Bản và Hàn Quốc về một sự thay đổi triệt để. Sau khi Triều Tiên cho biết năm nay đã sẵn sàng để thử nghiệm một ICBM, ông Trump đã viết trên Twitter, "Điều đó sẽ không xảy ra!"

Nhật Bản cũng đang lo ngại có thể bị lôi kéo vào một cuộc xung đột khu vực từ một cuộc tấn công quân sự của Mỹ nhằm vào Triều Tiên, Tetsuo Kotani, một thành viên cao cấp tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản cho biết.

Một sự lo ngại khác của Nhật Bản là kịch bản trong đó Mỹ thay vì thực hiện tiến trình đàm phán với Triều Tiên thì sẽ tìm kiếm một thỏa thuận để Washington rời khỏi khu vực này, ông nói.

Theo hiến pháp hòa bình, Nhật Bản đang nhận được sự hỗ trợ quân sự mạnh mẽ của Mỹ nhằm chống lại Triều Tiên cũng như bảo vệ vị thế trước Trung Quốc khi hai quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ tại biển Hoa Đông.

Nguy cơ cao của các hành động quân sự của Mỹ đối với Triều Tiên cũng có thể thúc đẩy Trung Quốc, từ  lâu đã lo ngại ảnh hưởng của một cuộc đối đầu quân sự từ người hàng xóm, trong việc thực hiện các động thái  Washington mong đợi để kiềm chế huyết mạch kinh tế của Bình Nhưỡng.

Bất chấp những lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ và Triều Tiên, sự tăng tốc của hạt nhân và chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng đã gia tăng những tuyên bố phản ứng mạnh về quân sự của Nhật Bản và Hàn Quốc trước nguy cơ tấn công quân sự từ Triều Tiên.

(Theo WSJ)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ