• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dọa vùi dập Triều Tiên nhưng phòng thủ tên lửa Mỹ lại chỉ là “vô dụng”?

Thế giới 21/09/2017 11:13

(Tổ Quốc) - Chuyên gia quân sự đánh giá hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ bị đánh giá là không có khả năng ngăn cản bất kỳ tên lửa nào từ Triều Tiên.  

Hôm thứ Ba (19/9), trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ “hoàn toàn phá hủy” Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng không dừng các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của mình. Tuy nhiên, theo chuyên gia người Mỹ về vũ khí hạt nhân Joe Cirincione, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không có khả năng bắn hạ tên lửa từ Triều Tiên.

Lá chắn phòng thủ tên lửa đất đối không Patriot của Mỹ

Cirincione nhận định, cả Mỹ và Nhật Bản đều không thể chặn được quả tên lửa được Triều Tiên phóng đi tuần trước, bởi vì “không một vũ khí phòng thủ tên lửa đạn đạo nào hiện nay” có thể bắn trúng được một mục tiêu ở độ cao như vậy.

Hôm 15/9, Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết Triều Tiên đã tiến hành phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-12. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, tên lửa này đã di chuyển được quãng đường 3.700 km và đạt độ cao 770 km sau khi rơi xuống biển Thái Bình Dương.

“Tên lửa có độ cao hàng trăm km quá cao so với hệ thống đánh chặn Aegis trên các tàu hải quân bên ngoài Nhật Bản. Thậm chí quá cao so với hệ thống THAAD tại Hàn Quốc và Guam. Quá cao cho cả hệ thống Patriot tại Nhật Bản,” Cirincione chỉ ra.

Tất cả ba lá chắn phòng thủ tên lửa trên đều được thiết kế để đánh chặn một tên lửa ở giai đoạn cuối và sau giai đoạn giữa của hành trình. Theo lý thuyết, hệ thống có thể ngăn một tên lửa ngay khi vừa được phóng đi. Tuy nhiên, Cirincione tin rằng, điều này chỉ là lý thuyết.

“Gần như không có cơ hội bắn trúng một tên lửa Triều Tiên đang trong hành trình trừ khi một tàu Aegis được triển khai rất gần với điểm phóng, có lẽ là phải nằm trong lãnh hải của Triều Tiên. Ngay cả khi đó, nó sẽ phải đuổi theo tên lửa trong một cuộc đua gần như không có cơ hội chiến thắng. Sau một hoặc hai phút cảnh báo mà bất kỳ hệ thống nào cũng có, khả năng đánh chặn thành công sẽ rơi xuống số 0,” Cirincione viết trong một bài báo cho Defense One.

Tại Mỹ, các tên lửa phòng thủ giai đoạn giữa trên thực địa (GMD) được triển khai tại Alaska và California. Hệ thống này được thiết kế để nhắm trúng các mục tiêu đang trong quá trình bay. Tuy nhiên, GMD hiện vẫn chưa được hoàn thiện và mới chỉ chặn được 50% các mục tiêu trong quá trình thử nghiệm. Vì vậy, rất khó để biết được trong thực tế, hệ thống này có thể vận hành như thế nào.

“Chúng ta không có sự lựa chọn nào khác là hoàn toàn phá hủy Triều Tiên,” ông Trump tuyên bố trong bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Ông cũng kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc cùng tham gia cô lập Triều Tiên cho đến khi chính quyền Bình Nhưỡng chấm dứt các hành vi “thù địch” của mình.

(Theo Sputnik)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ