(Tổ Quốc) - Một đoạn mô phỏng hậu quả thảm khốc khi đập Tam Hiệp vỡ đã lan truyền mạnh trên mạng xã hội Trung Quốc.
Theo số liệu của Trung Quốc, khoảng 45,2 triệu người dân nước này đã bị ảnh hưởng bởi đợt lũ lụt trên khắp 27 tỉnh dọc sông Dương Tử, sông Hoài, sông Hoàng Hà và nhiều vùng khác ở miền nam Trung Quốc từ tháng 6 tới nay.
Nhiều người đã tỏ ra lo ngại về độ vững chắc của đập Tam Hiệp khi con đập này đối diện với bài thử thách khắc nghiệt nhất lịch sử, trong khi nhiều người cũng đặt ra câu hỏi về chức năng kiểm soát lũ lụt của đập giữa bối cảnh nước vẫn tiếp tục gây ngập lụt ở vùng hạ lưu.
Mới đây, tờ Taiwannews đã đăng tải một đoạn video gây tranh cãi có nguồn gốc từ trang tin tài chính Trung Quốc Caijing Lengyan. Đoạn video đã mô phỏng tình huống sẽ xảy ra khi đập Tam Hiệp vỡ và gây ra trận lũ lụt kinh hoàng. Các thông số như tốc độ chảy của nước, chiều cao nước lũ và các địa điểm chịu thiệt hại cũng được ghi lại trong đoạn mô phỏng.
Các tác giả của video nhấn mạnh rằng "đây chỉ là mô phỏng dựa trên các ước tính và không phản ánh tình hình ngoài đời thật". Đập Tam Hiệp trong video cao 181m so với mực nước biển, dài 2,3km, mức nước trong hồ chứa cao 175m với khả năng chứa 39,3km3 nước. Ở đoạn đầu mô phỏng, đập Tam Hiệp được giả định là sẽ vỡ dưới áp lực nước khổng lồ.
Ngay sau đó, một bức tường nước cao 100m được giải phóng với sức mạnh kinh hoàng. Vì hai bên sông Dương Tử đều bị chắn bởi núi cao, nước lũ không thể chảy lan ra các vùng khác.
Vào thời điểm này, lũ sẽ có tốc độ hơn 100km/h. Đập Tam Hiệp chỉ cách thành phố Nghi Xương ở hạ lưu chỉ tầm 50km, do đó chỉ khoảng 30 phút sau khi vỡ đập, đập Cát Châu Bá cũng sẽ bị nước lũ "húc" vỡ và thành phố Nghi Xương sẽ "không còn tồn tại". Mô phỏng cho thấy nước lũ cao 20m sẽ đổ bộ Nghi Xương với tốc độ 70km/h và nhấn chìm thành phố này dưới 10m nước.
Vì hai bên sông Dương Tử đều bị chắn bởi núi cao, nước lũ không thể chảy lan ra các vùng khác.
Sau khi tràn qua Nghi Xương, lũ sẽ tiếp tục đi xuôi dòng Dương Tử, nhấn chìm các thị trấn xung quanh với tốc độ ít nhất là 60km/h. Độ cao của lũ giảm dần xuống còn 15-20m.
Sau khi tấn công thành phố Nghi Đô, lũ thoát khỏi vùng thung lũng và tiến tới đồng bằng, nước bắt đầu tràn ra xung quanh theo hình cánh quạt, ảnh hưởng tới hàng loạt khu vực xung quanh. Khi nước lũ tràn tới đồng bằng, độ cao giảm xuống khoảng 8m và tốc độ là 25km/h. Tuy nhiên, dòng nước ở dòng chính sông Dương Tử vẫn duy trì vận tốc 35km/h.
Mô phỏng cho thấy nước lũ cao 20m sẽ đổ bộ Nghi Xương với tốc độ 70km/h và nhấn chìm thành phố này dưới 10m nước.
Sau khi lũ đổ bộ tới thành phố Kinh Châu, một phần nước sẽ tách ra khỏi dòng chính và tiến thẳng tới Vũ Hán. Chỉ trong vòng 5 giờ sau khi đập Tam Hiệp vỡ, nước lũ tới thành phố Nhạc Dương, cách đập 350km về phía hạ lưu.
Mô phỏng dự đoán Nhạc Dương sẽ chìm trong 5m nước. Tuy nhiên, hồ Động Đình ở ngay gần đó có thể đóng vai trò làm một vùng đệm và làm giảm ảnh hưởng của lũ, nếu đập không vỡ vào mùa mưa.
Tiếp theo, nước lũ tiến về phía đông và tiếp cận thành phố Hồng Hồ, cách đập 700km. Theo dự đoán, thành phố Vũ Hán sẽ thiệt hại cực kì nặng nề. Mô phỏng cho rằng một số vùng ở nơi cao sẽ thoát khỏi nước lũ, nhưng đa phần các vùng khác sẽ chìm trong 5m nước.
Mô phỏng Vũ Hán bị chìm trong biển nước.
Thời gian gần đây, mưa lớn liên tục ở miền nam Trung Quốc gây ra lũ lụt nghiêm trọng trên lưu vực sông Trường Giang, mực nước của đập Tam Hiệp dâng cao khiến nghi vấn về khả năng vỡ đập tiếp tục lan rộng.
Đáp trả lại những đồn đoán này, chuyên gia thủy văn học và tài nguyên nước kiêm Viện sĩ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc Vương Hạo nói rằng, đập Tam Hiệp không phát sinh bất cứ vấn đề nào, thậm chí, đập này "càng ngâm nước sẽ càng chắc chắn hơn trong 100 năm".
Chia sẻ với Tuần báo kinh tế Trung Quốc, ông này nói: "Thứ nhất, bản thân con đập được thiết kế dựa trên khả năng ngăn chặn siêu lũ "nghìn năm có một". Có bằng chứng thủy văn để rút ra kinh nghiệm từ trận lụt lớn nhất trong lịch sử sông Trường Giang xảy ra vào năm 1870, với lưu lượng đỉnh lũ đạt 105.000 m3/giây.
Do tiêu chuẩn an toàn của đập Tam Hiệp được thiết kế để chống lại trận lũ "nghìn năm có một cộng thêm 10%" nên ngay cả khi dưới sức công phá của lưu lượng đỉnh lũ lên tới 124.300 m3/giây (một trận lũ lớn như vậy chưa từng xảy ra ở khu vực Tam Hiệp trong lịch sử), con đập vẫn an toàn.
Thứ hai, đập Tam Hiệp là đập trọng lực bê tông, là loại đập có kết cấu chắc chắn nhất, không chỉ không sợ ngâm nước trong thời gian dài, mà sức nén của nó sẽ ngày càng vững chắc hơn trong vòng 100 năm. Kết quả đo lường thực tế cũng cho thấy, đập Tam Hiệp đã tích nước 17 năm, sức nén hiện tại của đập Tam Hiệp đã tăng từ 25 MPa được thiết kế ban đầu lên 43 MPa, vượt xa tiêu chuẩn thiết kế. Đập trọng lực bê tông không sợ lũ lụt, lại có 23 cửa xả đáy và 22 cửa xả bề mặt, khả năng xả lũ siêu lớn nên con đập càng không sợ siêu đại hồng thủy tập kích".
Trong khi đó, Kỹ sư trưởng của Tập đoàn Tam Hiệp Triệu Thự Quang cho biết, từ kết quả thí nghiệm hiện nay có thể thấy, kết cấu bê tông của đập Tam Hiệp sẽ không phát sinh bất cứ vấn đề nào trong ít nhất 500 năm nữa.