(Tổ Quốc) - Căng thẳng về thỏa thuận hạt nhân JCPOA gần đây giữa Mỹ và Iran khiến toàn cầu lo ngại.
Theo Reuters, sau nhiều tháng đe dọa hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân của Iran – hay còn gọi là là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), ông Donald Trump một lần nữa lại chọn gia hạn cam kết đối với thỏa thuận này bằng cách từ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran. "Đây là "cơ hội cuối cùng" "để điều chỉnh những sai sót lớn của thỏa thuận này, hoặc Hoa Kỳ sẽ rút lui", ông cho biết trong một tuyên bố ngày 12/1.
Tổng thống Mỹ đã đưa ra bốn điều kiện cho một "thỏa thuận bổ sung" đối với JCPOA và kêu gọi Quốc hội chuẩn bị đưa chúng vào luật. Thỏa thuận này bao gồm: Iran cho phép thanh sát " ngay lập tức " "tất cả các địa điểm thanh sát viên quốc tế yêu cầu", Iran không bao giờ "tiến gần đến việc sở hữu một vũ khí hạt nhân", "không có ngày hết hiệu lực" đối với các quy định trên, và cuối cùng, luật lệ cần quy định rõ ràng rằng "các chương trình tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân của Iran là gắn liền với nhau."
Mỹ gây sốc cho đồng minh
Trong trường hợp Quốc hội Mỹ hoặc các đồng minh châu Âu không ủng hộ cái gọi là hiệp định bổ sung trên, Trump tuyên bố, ông sẽ đơn phương "chấm dứt" JCPOA. Đây là một thái độ gây sốc đối với các nước thành viên EU.
Thực tế là văn bản của JCPOA đã quy định các tiêu chuẩn cao nhất về sự minh bạch và việc thanh tra hạt nhân đã được thương lượng đầy đủ để đảm bảo rằng có thể xác minh được chương trình hạt nhân của Iran sẽ không thể chuyển hướng sang phát triển vũ khí hạt nhân.
Những biện pháp này đã đáp ứng được hai điều kiện đầu tiên của Trump và hơn hẳn bất cứ nội dung nào các thành viên của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) đã nhất trí trước đó.
Hơn nữa, trong khi hạn chế lớn của JCPOA là tính chất tạm thời, với thời gian hết hạn từ 8 - 25 năm, sau khi thỏa thuận chấm dứt hiệu lực, hì lúc này Iran sẽ quay trở lại việc bị giám sát theo các biện pháp được nêu trong “Nghị định thư bổ sung” của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế IAEA.
Như đã được lưu ý bởi hơn 90 nhà khoa học hạt nhân trong một bức thư tháng 10/2017 bày tỏ sự ủng hộ JCPOA, những quy định trên đã "là biện pháp an ninh thông thường mạnh nhất của IAEA".
Các điều kiện của Trump dường như muốn hướng tới việc kết nối chương trình hạt nhân với chương trình tên lửa của Iran – điều cho thấy một sự vi phạm nghiêm trọng thoả thuận của NPT.
Việc cấm Iran sở hữu tên lửa có thể là một hành động vi phạm thoả thuận NPT. |
Thực tế, Iran có quyền làm giàu uranium cho các mục đích hòa bình theo quy định của NPT, trong đó tuyên bố rằng không có sự phân biệt đối xử trong quyền ký kết hưởng lợi từ công nghệ hạt nhân vì hòa bình và không giới hạn khả năng phát triển vũ khí thông thường của các quốc gia.
Iran cũng có quyền sở hữu tên lửa để tự bảo vệ mình. Không có các hiệp ước quốc tế nào cấm tên lửa thông thường. Ông Peter Jenkins, cựu đại sứ Anh tại IAEA, nói: "Tổng thống Trump không có quyền đưa ra các giới hạn hoặc hạn chế về, hoặc thậm chí vượt hơn hẳn những nội dung đã được mô tả".
Duyên cớ “ngáng chân” Mỹ ra đòn hạt nhân Iran
Nếu ông Trump thực hiện theo tối hậu thư của mình và chọn rời khỏi JCPOA, quyết định của ông sẽ gây nên những hệ lụy lâu dài không chỉ đối với Hoa Kỳ mà còn đối với những nỗ lực toàn cầu nhằm kiểm soát sự phổ biến vũ khí hạt nhân.
Thứ nhất, tại nội bộ nước Mỹ, tất cả các thể chế chính trị quan trọng, từ Quốc hội đến các cơ quan an ninh quốc gia của Trump, bao gồm Hội đồng An ninh Quốc gia, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng, đã phản đối việc Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA vì họ tin rằng thỏa thuận trên đã ngăn được Iran phát triển vũ khí hạt nhân và việc thu hồi nó sẽ cô lập Hoa Kỳ trên quy mô quốc tế.
Thứ hai, việc rời khỏi JCPOA sẽ gia tăng sự không tin tưởng đối với Hoa Kỳ và xóa sổ mọi động lực để Triều Tiên tiến tới đàm phán một thỏa thuận cắt giảm chương trình hạt nhân của họ. Washington cũng có thể sẽ cảm thấy khó khăn hơn khi tìm kiếm sự hỗ trợ trong trường hợp Mỹ thực hiện chiến dịch quân sự chống lại Bình Nhưỡng khi các đồng minh của Mỹ buộc Washington phải chịu trách nhiệm trong việc tái khởi động cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran.
Thứ ba, JCPOA đã được Hội đồng Bảo an HĐBA Liên hợp quốc LHQ, bao gồm Hoa Kỳ xác nhận và thông qua- và các thành viên khác của HĐBA vẫn tiếp tục ủng hộ thỏa thuận này. Dựa trên quy định của LHQ, tất cả các thành viên phải tuân theo các nghị quyết của HĐBA. Việc Mỹ vi phạm Nghị quyết 2231 của HĐBA LHQ sẽ làm tổn hại đến mức độ tin cậy của các nghị quyết của HĐBA và sẽ bị các quốc gia khác coi là làm tổn thương tới mô hình xét theo đồng thuận của cơ quan này.
Thứ tư, IAEA đã nhiều lần khẳng định sự tuân thủ của Iran đối với thỏa thuận này và nhấn mạnh rằng việc Mỹ rút lui sẽ thúc đẩy nguy cơ khủng hoảng tiềm tàng trong cơ quan này trong thời gian tới khi muốn thực hiện các nhiệm vụ thanh sát.
JCPOA đại diện cho một thành tựu lớn của IAEA vì đây là hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn diện nhất trong lịch sử. Đây là một tiêu chuẩn mới để giải quyết khủng hoảng hạt nhân và các nguyên lý của nó thậm chí còn có thể ngăn cản các nước như Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân.
Thứ năm, đa số các đồng minh của Washington, bao gồm cả EU, Nhật Bản, Úc, Canada và Hàn Quốc, đều mạnh mẽ phản đối Hoa Kỳ từ bỏ JCPOA. Điều này thể hiện một sự rạn nứt đáng kể trong hệ thống liên minh của Mỹ và, có thể sẽ ảnh hưởng đến sự cộng tác trong tương lai về các vấn đề như việc Nga sáp nhập Crimea.
Những nhân tố này có lẽ là lý do mà ông Trump tạm thời từ bỏ việc tái áp đặt trừng phạt đối với Iran. Tuy nhiên vấn đề này vẫn sẽ tiếp tục được chú ý cho tới giữa tháng 5 - thời hạn tiếp theo để ông Trump lại ra quyết định về trừng phạt - và sau thời hạn 120 ngày tiếp theo.