• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đối đầu thương mại Mỹ-Trung: Người thiệt hại, kẻ hưởng lợi

Thế giới 29/09/2018 10:46

(Tổ Quốc) - Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tạo “nhiều cơ hội hơn là thách thức” cho Việt Nam.

 Áp thuế thương mại của Mỹ đang gây mầm bệnh lây lan ra nhiều ngành kinh tế Trung Quốc. Bắc Kinh và Washington chưa ai chịu thỏa hiệp. Bắc Kinh đang đợi phép màu xuất hiện từ cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ.

Ai bị thiệt hại?

 Theo các nhà phân tích của ngân hàng Morgan Stanley, cuộc đọ sức mang tính chất bảo hộ mậu dịch này, trên nguyên tắc là để bảo vệ kinh tế Mỹ, lại có nguy cơ làm tăng trưởng mất đi ít ra là 0,1% trong năm nay.

 Các công ty, xí nghiệp Mỹ ngày càng lo lắng hơn. Đầu tháng 9, Tập đoàn Wallmart cho biết sẽ phải tăng giá trên một loạt mặt hàng tiêu dùng do việc áp thuế. Trước đó, cuối tháng 8, sau khi nghe gần 400 công ty Mỹ lệ thuộc vào hàng nhập Trung Quốc, chính quyền Mỹ đã bãi bỏ thuế quan trên 300 mặt hàng nhập từ Trung Quốc.

 Một lĩnh vực khác cũng bị cuộc chiến thương mại tác động là nông nghiệp. Cuối tháng 7, chính quyền Trump đã tài trợ khẩn cấp 12 tỷ USD để giúp đỡ các nông dân Mỹ bị vạ lây.

Cuộc chiến hiển nhiên gây hậu quả đối với tăng trưởng kinh tế thế giới. Người tiêu dùng phải chịu giá cả tăng cao, doanh nghiệp với sản xuất dây chuyền vỡ lở khắp nơi. IMF đã cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung “có thể gây thiệt hại nặng nề về kinh tế (thế giới)”.

 Đài Loan thiệt hại lớn thứ hai sau Trung Quốc vì chuỗi giá trị sản xuất của họ gắn quá chặt vào đại lục với hơn 60% đầu tư.

Kinh tế Việt Nam có thể vượt qua thử thách do đối đầu thương mại Mỹ-Trung, tăng trưởng ổn định.



Ai hưởng lợi?
 

Theo Le Monde - 23/9, trong những tuần qua tại các nước thứ ba đã xuất hiện nhiều kịch bản về khả năng thu lợi từ cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ. Một số doanh nghiệp châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á hy vọng sẽ được lợi từ điều mà các nhà phân tích gọi là “hiệu ứng chuyển hướng dòng thương mại”: Các sản phẩm của họ với giá cả trở nên hấp dẫn hơn có thể thay thế những sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh Mỹ và Trung Quốc.

 Trong trò chơi “Người thua cuộc là người thắng cuộc”, hiển nhiên Mexico và Canada là bên được lợi. Nhưng họ không phải là duy nhất. EU cũng có những cơ hội, bởi vì EU là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ hai cho cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Theo các nhà kinh tế, khi Mỹ và Trung Quốc đánh thuế hải quan lẫn nhau, thì ngành công nghiệp xe hơi, máy móc, hàng không vũ trụ cũng như các nhà sản xuất các mặt hàng tự động hóa văn phòng của châu Âu sẽ được hưởng lợi một thời gian nhất định. Tất nhiên, một số doanh nghiệp châu Âu đang có mặt tại Mỹ và Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng vì giá thành tăng cao. Nhưng các doanh nghiệp có quy mô nhỏ với dây chuyền sản xuất chỉ ở tầm khu vực thì cuộc chiến thương mại sẽ tạo cho họ những cơ hội mới. Theo tính toán của ngân hàng Natixis (Pháp), các nhà xuất khẩu châu Âu có thể thu lợi gấp hơn hai lần tại thị trường Mỹ so với thị trường Trung Quốc, bởi vì Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn rất nhiều so với xuất khẩu sang Trung Quốc, nên khi hàng Trung Quốc bị đánh thuế bổ sung, giá sẽ cao hơn, như vậy nhu cầu tìm kiếm các mặt hàng thay thế hàng Trung Quốc cũng lớn hơn rất nhiều.

 Nhưng nếu Trung Quốc không thể thi đấu với Mỹ về số lượng thì họ có thể áp dụng các biện pháp “chất lượng”, nghĩa là có thể hành động gây khó khăn cho các doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Trung Quốc và như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi một cách không chính thức cho các doanh nghiệp châu Âu.

 Tại châu Á, các hiệu ứng từ cuộc đối đầu Mỹ - Trung cũng trái ngược nhau. Thoạt nhìn, tác động sẽ tiêu cực bởi vì châu lục này đang hội nhập sâu về kinh tế. Các mặt hàng “Made in China” có nhiều bộ phận được nhập khẩu từ các nước láng giềng. Do vậy, sự sụt giảm hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ có ảnh hưởng dây chuyền tới các nước cung cấp linh kiện ở Đông Nam Á. Trong số này phải kể đến Singapore, Malaysia và đặc biệt là Đài Loan. Tuy nhiên, về dài hạn, không loại trừ những nền kinh tế này có thể sẽ có những điều bất ngờ tốt lành. Đặc biệt, nếu các nhà công nghiệp của họ quyết định di dời các cơ sở sản xuất của họ khỏi Trung Quốc để tránh thuế hải quan của Mỹ.

 Khu vực châu Á không thiếu tiềm năng: có tỷ lệ tăng trưởng cao, giá thành sản xuất thấp và một nền tảng công nghiệp đã được hình thành vững chắc. Năm 2012, khi Mỹ áp thuế hải quan đối với các tấm pin mặt trời của Trung Quốc, một loạt nhà sản xuất đã di dời cơ sở sang Malaysia. Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng vừa qua cho biết: “Chúng tôi nhận được rất nhiều đơn đặt hàng, đến mức vấn đề chính của chúng tôi hiện nay là phải tăng khả năng sản xuất của mình ra sao để đáp ứng, nhất là trong lĩnh vực điện tử và sắt thép”.

 Tình hình cũng tương tự như vậy tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tạo ra “nhiều cơ hội hơn là thách thức”. Gần nửa năm nay, hàng loạt các doanh nghiệp Đài Loan di chuyển sang Việt Nam. Hiện nay quan hệ Việt - Đài nhộn nhịp nhất Đông Nam Á. Mỗi tuần có tới 304 chuyến bay giữa hai bên, nhiều nhất trên thế giới của Đài Loan. Mà Đài Loan không phải là hiện tượng cá biệt./.

 

Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ