(Tổ Quốc) - Sau khi Anh nói lời từ chối với Huawei, các nước châu Âu đột nhiên rơi vào thế khó dưới những áp lực ngày càng gia tăng từ cả Bắc Kinh và Washington.
Tờ Financial Times đăng tải, trong nhiều tháng, hầu hết các quốc gia thuộc EU đều chia sẻ chung một ý tưởng với chính phủ Anh rằng họ có thể kiểm soát được các nguy cơ nếu cho phép gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng mạng lưới 5G của châu Âu. Các thành viên EU hy vọng, họ sẽ nhận được những công nghệ điện thoại tối tân với chi phí vừa phải từ Trung Quốc trong khi tránh được những rắc rối đến từ đồng minh Mỹ. Tuy nhiên, giờ đây khi London quyết định nói lời từ chối với Huawei, các nước châu Âu đột nhiên rơi vào thế khó dưới những áp lực ngày càng gia tăng từ cả Bắc Kinh và Washington.
Trung Quốc đã nhanh chóng đe dọa sẽ trả đũa Anh. Trong khi đó, cuối tuần trước, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien đã có cuộc gặp gỡ với các đồng cấp tại Paris nhằm hối thúc họ loại bỏ Huawei ra khỏi các dự án 5G của mình. Thủ tướng Ba Lan Matuesz Morawiecki cũng đã kêu gọi "các láng giềng châu Âu" nghe theo Mỹ.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã chứng minh tầm quan trọng của những mạng lưới dữ liệu toàn cầu không chỉ đối với các các chính phủ, doanh nghiệp mà còn cả người dân bình thường mọi nơi. Thật khó để tưởng tượng một thế giới giữa đại dịch mà không có điện thoại trực tuyến, email, internet và điện thoại thông minh.
Mỹ và châu Âu từng tranh cãi về liệu các thiết bị của Huawei có được sử dụng vào mục đích "gián điệp" hay không. Cho tới giờ việc này vẫn chưa được chứng minh nhưng không phải hoàn toàn không thể xảy ra.
Hiện tại, những lo ngại an ninh quốc gia chống lại Huawei phần lớn xuất phát từ những thay đổi trong hành vi của Trung Quốc như tìm cách gia tăng ảnh hưởng trong khu vực; theo đuổi các tài nguyên vật chất, kinh tế và điện tử tại châu Âu; áp dụng luật an ninh quốc gia mới tại Hong Kong…
Gần đây nhất, theo chuyên gia về châu Á Andrew Small, Bắc Kinh đang cấp cao nỗ lực để "tận dụng các tổn thương kinh tế và chính trị tại châu Âu", thông qua nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm các chiến dịch lan truyền thông tin và cả những lời đe dọa từ các nhà ngoại giao Trung Quốc. Những điều này đã phần nào thay đổi bối cảnh Trung Quốc được phép cung cấp các thiết bị quan trọng trong hệ sinh thái số của châu Âu.
Trên thực tế, các nước châu Âu đã bắt đầu chuyển từ một lập trường hướng về Trung Quốc trước đó sang một thái độ hướng tới sự cân bằng hơn và giới hạn ảnh hưởng của Trung Quốc. Một văn kiện chính thức của EU năm 2019 đã gọi Trung Quốc là một "đối thủ mang tính hệ thống". Các chiến lược công nghiệp, kết nối và công nghệ số mới nhất của EU phản chiếu những quan ngại trên. Mặc dù chưa đưa ra các lệnh cấm trực tiếp nhưng nhiều nước EU đã xem xét lại toàn bộ những tiêu chuẩn an ninh cho mạng lưới viễn thông của mình. Trong tháng 7, cơ quan an ninh mạng của Pháp yêu cầu các nhà điều hành tránh chuyển đổi sang Huawei. Chính phủ Italy cũng công bố các hướng dẫn có thể dẫn tới việc loại bỏ tập đoàn công nghệ Trung Quốc.
Tuy nhiên, Thủ tướng Ba Lan có lẽ đề cập tới một láng giềng đặc biệt – giờ đây đang phải đối mặt với tình trạng "tiến thoái lưỡng nan": nước Đức. Không chỉ là quốc gia phương tây có quan hệ "qua lại" với Trung Quốc nhiều thứ hai (chỉ sau Mỹ), Đức còn là thị trường công nghệ lớn nhất và mang tính tiên phong nhất của châu Âu. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Đức. Những chỉ trích của Berlin dành cho Bắc Kinh xuất hiện nhiều hơn sau quyết định của Anh. "Đã tới lượt Berlin hành động", một thành viên của Nghị viên châu Âu Reinhard Butikofer viết trên Twitter.
Tại quốc hội Đức, những ý kiến không hài lòng với lập trường thận trọng của Thủ tướng Angela Merkel về Trung Quốc và Huawei - đến từ Đảng Xanh, Đảng Dân chủ Tự do, đảng cực hữu Sự thay thế cho nước Đức cho tới các đối tác trong Đảng Dân chủ Xã hội, thậm chí cả các thành viên trong Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo của nhà lãnh đạo Đức.
Đối với bà Merkel, tất cả những điều trên diễn ra trong một thời điểm khó có thể tồi tệ hơn. Đức vừa đảm nhiệm vị trí chủ tịch luân phiên của EU được 6 tháng. Bà kỳ vọng có thể ký được một hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc tại Leipzig vào tháng 9. Tuy nhiên, thỏa thuận vẫn chưa sẵn sàng còn hội nghị bị trì hoãn. Thay vào đó, trong nhiệm kỳ thứ tư đồng thời cũng là cuối cùng của mình, bà Merkel đã cam kết sẽ dẫn dắt EU ra khỏi khủng hoảng kinh tế bằng cách đặt sự thịnh vượng của nước Đức phía sau một gói cứu trợ chưa từng có trong tiền lệ trị giá tới 1,8 nghìn tỷ euro.
Thái độ bất mãn của Tổng thống Donald Trump với các đồng minh tỏ ra không hiệu quả trong thời điểm mà Washington và Brussels nên bắt tay với nhau. Các chính sách "Trung Quốc là trên hết" của Bắc Kinh đòi hỏi phải có một phản ứng thống nhất và vững chắc từ châu Âu. Như cựu thủ tướng Australia Kevin Rudd đã quan sát, sức mạnh của cả Mỹ và cả Trung Quốc đều bị thu hẹp dưới tác động của đại dịch.
Trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, Mỹ cần đồng minh và Trung Quốc cần thị trường. Đức, cũng như Anh chỉ là một thế lực tầm trung. Tuy vậy, nếu đoàn kết với nhau, lợi thế đòn bẩy thực sự sẽ lại thuộc về chính châu Âu.