(Tổ Quốc) - Chấp nhận từ bỏ chính sách lâu năm với Syria, chính quyền Erdogan khẳng định quan hệ đồng minh trước Nga.
Đánh giá cuộc gặp gỡ ba bên giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran về khủng hoảng Syria, cũng như kết quả đạt được là tuyên bố chung khôi phục lại tiến trình chính trị nhằm kết thúc cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông, chính trị gia người Thổ Öztürk Yılmaz cho rằng, đây là lần đầu tiên Ankara bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Syria, ông Bashar al-Assad.
Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng ngồi lại với Tổng thống Assad
Tuần trước, các Ngoại trưởng Nga, Iran, và Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng nhóm họp tại Moscow để thảo luận về tình hình Syria, bao gồm cả thành phố Aleppo. Sau buổi gặp mặt, một tuyên bố chung đã được đưa ra, trong đó, đề cập đến việc khôi phục tiến trình chính trị, hướng tới mục tiêu chấm dứt cuộc chiến tranh đang diễn ra tại Syria. Hôm Thứ Hai, trong chuyến thăm St. Petersburg, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev cho biết, ông sẽ sắp xếp các cuộc gặp gỡ khác về vấn đề Syria giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, ông Yılmaz , hiện là Phó Chủ tịch Đảng đối lập Đảng Cộng hòa Nhân dân tại Thổ Nhĩ Kỳ, chia sẻ: “Thất bại của lực lượng đối lập tại Aleppo và sự rút lui của họ, đã khiến sự cân bằng quyền lực tại Syria có thay đổi lớn.”
Thất bại trong chính sách trước đây của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria tác động không nhỏ tới ảnh hưởng của nước này trong khu vực |
“Đảng cầm quyền Công lý và Phát triển (APK) của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy việc chính sách về Syria bị thất bại đã tác động không nhỏ đến ảnh hưởng của Thổ trong khu vực. Cú tấn công trực diện tiếp theo đến hình ảnh và ảnh hưởng của đất nước này, chính là việc Đại sứ Nga bị ám sát tại Ankara,” ông Yilmaz nói.
Kết quả là, theo ông Yılmaz, Ankara buộc phải từ bỏ ý định thay đổi thế lực cầm quyền tại Syria – một chính sách mà Thổ Nhĩ Kỳ đã theo đuổi 5-6 năm nay. Ngài Phó Chủ tịch Đảng Cộng hòa Nhân dân cũng phân tích thêm, trong tuyên bố chung đạt được vào cuối tuần trước, Nga - Thổ - Iran đã nhấn mạnh trách nhiệm cần thiết phải đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Một thành tựu lớn khác đó chính là việc, lần đầu tiên, chính quyền Tổng thống Erdogan đã chính thức “mở lòng”, bày tỏ sự sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Tổng thống Syria, ông Assad. Ngài ra, cuộc gặp gỡ ba bên cũng cho thấy tiến trình thương lượng đã có sự thay đổi lớn. Trước đây, Nga và Mỹ sẽ đóng vai trò chủ tọa, nhưng trong sự kiện lần này, chính phủ của Tổng thống Obama đã đánh mất quyền lợi, khiến trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Moscow.
Chính trị gia cho rằng, mối ưu tiên hàng đầu của Mỹ là chính sách bảo hộ dành cho Đảng Liên đoàn Dân chủ (PYD) của người Kurds tại Syria. Cho đến lúc này, bên cạnh việc theo đuổi các lợi ích riêng của mình, Washington hầu như chỉ tập trung khuyến khích các lực lượng PYD tham gia vào cuộc xung đột Syria, với mục đích “hợp pháp hóa” chính quyền người Kurds trong con mắt của cộng đồng quốc tế.
Viễn cảnh về một giải pháp chính trị ngày càng rõ ràng hơn
Nhà lãnh đạo của Đảng Cộng hòa Nhân dân (CHP) cũng cho biết thêm, trái với Đảng cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại, ngay từ khi cuộc xung đột Syria bắt đầu, CHP đã luôn ủng hộ việc thương thảo với Tổng thống Assad, xây dựng mối quan hệ với Damascus và những lực lượng ủng hộ cho một Syria toàn vẹn lãnh thổ; thay vì theo đuổi chính sách chia rẽ quốc gia này ra thành nhiều phần. Những gì đạt được sau cuộc gặp gỡ ba bên chính là những bước tiến quan trọng trong tiến trình giải quyết dứt điểm cuộc chiến Syria. Do vậy, đề nghị của Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, theo Yılmaz, sẽ góp phần đưa tiến trình đàm phán lên một giai đoạn mới.
Đồ lưu niệm có hình Tổng thống Bashar al-Assad tại một khu chợ ở Damascus |
Ông Yılmaz phân tích, tình hình hiện tại cho thấy, xung đột Syria nên được giải quyết thông qua chính trị, chứ không phải là các biện pháp quân sự. Khả năng này đang trở nên rõ ràng hơn thông qua một loạt tín hiệu trong thời gian gần đây như việc các phần lãnh thổ do lực lượng IS chiếm đóng ngày càng bị thu nhỏ, các lực lượng nổi dậy đã bắt đầu rút quân, trong khi quân đội Chính phủ đang mở rộng vùng kiểm soát của mình…
Đồng minh Nga – Thổ không thể bị phá vỡ
Hôm Thứ Hai (27/12), người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Ibrahim Kalin tuyên bố, nỗ lực nhằm phá vỡ mối quan hệ giữa Nga và Thổ bằng vụ ám sát Đại sứ Nga Andrey Karlov tại thủ đô Ankara hôm 19/12, đã thất bại. Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Kalin cũng cho biết, tất các bằng chứng đều dẫn đến kết luận nhà truyền giáo Fethullah Gulen là người đứng sau sự việc này.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố vụ ám sát Đại sứ Nga không ảnh hưởng đến quan hệ hai bên |
Ngay sau khi vụ ám sát xảy ra, Nga đã cử một phái đoàn gồm các đại diện Bộ Ngoại giao, Ủy ban kiểm tra cùng một số đơn vị khác đến Thổ Nhĩ Kỳ để cùng tham gia quá trình điều tra kẻ sát nhân. Chính quyền Ankara từng cáo buộc, Gulen – hiện đang sống lưu vong ở Mỹ - và những người ủng hộ ông này, là lực lượng gây nên sự kiện đảo chính ngày 15/7 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
(Theo Sputnik)