• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đối phó leo thang hạt nhân, Nga – Mỹ cần hồi sinh hợp sức thời Chiến tranh Lạnh

Thế giới 31/07/2018 18:01

(Tổ Quốc) -Mỹ và Nga khẩn thiết phải hồi sinh sự hợp tác trong thời Chiến tranh lạnh để ngăn chặn sự gia tăng số lượng vũ khí hạt nhân, theo một báo cáo mới.

Hoa Kỳ và Nga khẩn thiết phải hồi sinh sự hợp tác trong thời Chiến tranh lạnh để ngăn chặn sự gia tăng số lượng vũ khí hạt nhân, theo một báo cáo mới.

Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS gần đây đã đưa ra một báo cáo mang tên "Đối tác một thời và tương lai: Hoa Kỳ, Nga và quá trình không phổ biến vũ khí hạt nhân". Báo cáo này sử dụng thông tin tình báo mới được giải mật để làm sáng tỏ những trao đổi cá nhân quan trọng giữa hai kì phùng địch thủ Moscow và Washington trong thời Chiến tranh lạnh để giúp duy trì Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Báo cáo này cũng nhấn mạnh một thời điểm quan trọng trong hợp tác Chiến tranh Lạnh đã giúp ngăn chặn sự mở rộng vũ khí hạt nhân sang lục địa châu Phi.

Con đường dẫn tới NPT

Vào tháng 8/ 1977, giới tình báo của Liên Xô đã phát hiện quá trình chuẩn bị cho một vụ thử vũ khí hạt nhân tại căn cứ quân sự Vastrap ở sa mạc Kalahari của Nam Phi. Moscow vào thời điểm đó đã quyết định tham vấn với Washington trước khi công khai thông tin này. Đây là một bằng chứng cho thấy hai kẻ thù trong Chiến tranh Lạnh vẫn có thể  làm việc cùng nhau về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân, ông Nicholas Redman – một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết.

"Liên Xô không có quan hệ ngoại giao với chính quyền phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, họ có thực hiện hoạt động tình báo và phát hiện rằng quá trình chuẩn bị thử nghiệm [hạt nhân] đang được tiến hành. Liên Xô đã liều lĩnh khi chia sẻ thông tin tình báo này với Hoa Kỳ - vào thời điểm đó có mối quan hệ với Nam Phi và có hỗ trợ chương trình hạt nhân dân sự của nước này. Nhưng rõ ràng rằng, Mỹ không có lợi trong việc cho phép Nam Phi tiến hành một vụ thử nghiệm hạt nhân", Redman nói.

Theo báo cáo trên, Nam Phi phủ nhận việc lên kế hoạch tiến hành thử nghiệm hạt nhân. Tuy nhiên, tình báo Mỹ sớm xác nhận sự hiện diện của địa điểm thử nghiệm và gia tăng sức ép để Nam Phi từ bỏ kế hoạch của mình. Việc phá hủy cơ sở Kalahari cuối cùng đã được giám sát bởi cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc – Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA vào năm 1993.

Tổng thống Mỹ Jimmy Carter gặp nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev tại Vienna năm 1979. (Nguồn: AP)

Sự hợp tác giữa những kẻ thù trong Chiến Tranh Lạnh, sau đó tiếp tục gia tăng dưới thời Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev, là một trong nhiều ví dụ về cách Washington và Moscow làm việc cùng nhau để ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân.

"Quan hệ cá nhân là chìa khóa mấu chốt để xây dựng không chỉ hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, mà toàn bộ chính quyền không phổ biến hạt nhân sau đó đã phát triển xung quanh mối quan hệ này. Trên thực tế, các chuyên gia và các nhà khoa học về kiểm soát vũ khí của cả hai bên đã gặp nhau thường xuyên…, điều này thực sự quan trong trong việc xây dựng một chính quyền không phổ biến hạt nhân", Redman nói thêm.

Quá trình này kéo dài một thập niên với các cuộc đàm phán cùng Liên hợp quốc tại Geneva vào thập niên 1960. Và lên tới đỉnh điểm bằng Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT có hiệu lực năm 1970. Đây là nền tảng của nỗ lực ngăn chặn sự lan rộng của vũ khí nguyên tử và là một bằng chứng cho sự hợp tác thời Chiến tranh Lạnh.

Sức ép gia tăng

Nhưng nửa thế kỷ sau, báo cáo của IISS cảnh báo rằng, NPT đang chịu áp lực từ nhiều phía, cũng như việc quan hệ giữa Moscow và Washington đang xuống mức thấp hơn bao giờ hết, kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào tháng 10/1962.

"Vì vậy, cần thiết phải tập trung xây dựng lại những thói quen hợp tác trên, bởi vì các mối đe dọa không thực sự biến mất. Vẫn còn rất nhiều vũ khí hạt nhân và chúng không an toàn như chúng ta mong muốn. Hiện tại, nguyên liệu hạt nhân thậm chí còn có số lượng nhiều hơn, "Redman nói.

Đang có những lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới, trong khi Nga phát triển vũ khí nguyên tử chiến thuật và Mỹ hiện đại hóa sức mạnh hạt nhân của mình.

Hiệp ước 2017 về cấm vũ khí hạt nhân đã không có chữ kí của bất kỳ cường quốc hạt nhân nào. Điều này cũng cho thấy sự chia rẽ ngày càng tăng giữa các quốc gia có và những nước không có vũ khí nguyên tử.

"Trừ khi Hoa Kỳ và Nga hợp tác, nếu không, họ có thể nhanh chóng đánh mất đi sáng kiến mà họ đã gầy dựng cho đến bây giờ về vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân", Redman nói.

Trong báo cáo trên, IISS cũng nêu ra một số phương thức có thể giúp hồi sinh hợp tác kiềm chế phổ biến vũ khí hạt nhân, bao gồm "sự công nhận của các nhà hoạch định chính sách ở cả hai phía rằng hình ảnh quốc tế của họ được tăng cường khi họ hợp tác với nhau."

Trong khi thế giới vẫn phải đối mặt với các mối đe dọa hạt nhân nghiêm trọng, tài liệu trên kêu gọi cả Mỹ và Nga nhìn lại những bài học từ lịch sử Chiến tranh Lạnh.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ