• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đối phó nguy cơ chủng Omicron đổ bộ: Châu Á chia đôi hướng đi

Thế giới 24/12/2021 20:08

(Tổ Quốc) - Khi chủng Omicron siêu lây nhiễm đang nhanh chóng lan rộng ở phương Tây, châu Á đang phải chuẩn bị để đối phó cho kịch bản chủng virus này xuất hiện trên lãnh thổ của họ.

Dù chủng Omicron được các nhà khoa học đánh giá rằng ít nguy hiểm hơn các biến thể trước đó, nhưng sự xuất hiện của nó vẫn tạo nên nhiều sức ép cho các nhà hoạch định chính sách khi họ phải cân bằng giữa quyền tự do cá nhân, lợi ích kinh tế của người dân và kiểm soát rủi ro của đại dịch.

Mặc dù số trường hợp nhiễm Omicron vẫn còn ở mức thấp ở các nước Đông Á, nhưng khả năng lây truyền cực cao của nó cho thấy tình trạng này không thể kéo dài.

Nguy cơ này đang đặt ra những thách thức về chính sách đối với chính quyền ở Bắc Kinh, Hồng Kông, Seoul và Tokyo, đồng thời cho thấy sự khác biệt trong cách tiếp cận đại dịch mà Trung Quốc và các nước láng giềng áp dụng.

Ngăn chặn Omicron nhưng hướng tới sự bình thường hóa

Trong khi đó, châu Á đang chờ đợi sự xuất hiện của Omicron với sự lo lắng.

Nhật Bản xác nhận trường hợp nhiễm Omicron đầu tiên vào ngày 30/11, từ một người đàn ông nhập cảnh từ Namibia. Tính đến thứ Tư tuần này, số ca nhiễm Omicron trên toàn nước Nhật đã lên tới 160 ca.

Đối phó nguy cơ chủng Omicron đổ bộ: Châu Á chia đôi hướng đi - Ảnh 1.

Dù bắt đầu chậm nhưng tiến trình tiêm vaccine Covid-19 của Nhật Bản diễn ra khá hiệu quả. Ảnh: AFP.

Hàn Quốc đã xác định được 246 trường hợp nhiễm Omicron trên toàn quốc, với 12 trường hợp được xác định vào thứ Năm, chủ yếu là từ cụm lây nhiễm ở tỉnh đông bắc Gangwon, theo các cơ quan y tế nước này.

Cả Nhật Bản và Hàn Quốc, sau quá trình khởi đầu chậm chạp, đã tiến hành chương trình tiêm chủng đạt hiệu quả cao, vượt trội so với nhiều quốc gia phương Tây. Dữ liệu hiện tại cho thấy 81,5% người Hàn Quốc được tiêm phòng đầy đủ và con số này ở Nhật Bản là 78,8% dân số.

Nhưng sự gia tăng số ca và bệnh nhân nặng ở Hàn Quốc, có thể là do sự nới lỏng giãn cách xã hội vào tháng 11, cùng với việc gia tăng các hoạt động trong nhà khi mùa lạnh bắt đầu và nỗi sợ hãi về biến thể Omicron ở Nhật Bản, đã khiến cả Tokyo và Seoul một lần nữa siết chặt các hạn chế liên quan đến Covid-19.

Nhật Bản đã cấm du khách nước ngoài vào nước này từ ngày 30/11. Thủ tướng Fumio Kishida đã yêu cầu các cơ quan y tế đảm bảo có thêm giường bệnh cho những người bị nhiễm Covid-19.

Vào ngày 16/12, Hàn Quốc đã tạm dừng chương trình "Sống chung với Covid-19", một chương trình theo từng giai đoạn sẽ đưa đất nước trở về tình trạng hoàn toàn bình thường vào cuối tháng Giêng. Giấy xác nhận y tế hiện được yêu cầu để vào nhiều địa điểm, các cuộc tụ tập được giới hạn chỉ bốn người. Bên cạnh đó, quán bar và nhà hàng phải đóng cửa trước 9 giờ tối.

Lo ngại trước số lượng bệnh nhân nặng cao và các phòng chăm sóc đặc biệt ICU được báo cáo đã hoạt động ở mức khoảng 80% công suất, các cơ quan y tế đang nỗ lực để bố trí thêm 10.000 giường cho những người bệnh nặng.

Đối với cả Nhật Bản và Hàn Quốc, dù biến thể siêu lây nhiễm này đã đi qua biên giới của họ, cả hai quốc gia này vẫn chưa đưa ra phản ứng ngăn chặn quyết liệt. Nhưng mọi thứ lại hoàn toàn khác ở Trung Quốc.

Sự quyết liệt tại Trung Quốc

Trong khi các chính phủ ở Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang thúc đẩy các chính sách dần hướng tới sự bình thường, theo đuổi mở cửa vì sự thuận lợi của các doanh nghiệp và người dân. Nhưng đối với Trung Quốc, nơi Thế vận hội mùa đông 2022 sẽ khai mạc vào ngày 4/2, một phương pháp ngăn chặn quyết liệt hơn, được nhiều người gọi là "zero Covid", đang được áp dụng.

Tính đến cuối ngày thứ Tư, sau khi ghi nhận 127 ca nhiễm Covid-19, khoảng 13 triệu người ở thành phố Tây An đã bị cấm rời khỏi nhà ngoại trừ mua nhu yếu phẩm. Việc ra vào thành phố đã bị đình chỉ và các cơ sở kinh doanh không thiết yếu phải đóng cửa.

Một đợt bùng phát khác ở tỉnh Chiết Giang, khu vực ven biển phía đông có mức độ công nghiệp hóa cao, đã khiến hàng trăm nhà máy phải đóng cửa. Tháng trước, Disneyland ở Thượng Hải đã phải đóng cửa và hơn 100.000 người phải tiến hành xét nghiệm sau khi một trường hợp mắc Covid-19 được ghi nhận.

Liệu một cách tiếp cận cứng rắn như vậy có thể được duy trì trong dài hạn hay không là một câu hỏi đang được đặt ra.

Lawrence Gostin, giáo sư về luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown của Washington, nói với kênh Voice of America: "Tôi không nghĩ rằng việc Trung Quốc không khoan nhượng đối với các ca bệnh là một biện pháp mang tính bền vững vì chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Trung Quốc xuất hiện nhiều ca bệnh. Cuối cùng, đất nước này sẽ phải mở cửa với thế giới".

Chủng Omicron đã xuất hiện tại Hồng Kông, nơi đã đặt ra một số yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt nhất trên thế giới đối với khách du lịch nhập cảnh. Các câu hỏi hiện đang được đặt ra là khi nào việc đi lại giữa thành phố này và Trung Quốc đại lục có thể bắt đầu lại. Các trường hợp nhiễm Omicron đã được báo cáo ở Quảng Châu, thành phố gần biên giới.

Ở những nơi khác trong khu vực, kể từ thứ Năm, Thái Lan đã khôi phục chế độ cách ly Covid bắt buộc đối với du khách nước ngoài và bãi bỏ lệnh miễn kiểm dịch do lo ngại về sự lây lan của biến thể Omicron.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ