(Tổ Quốc) - Để đối phó với bão số 9, chính quyền Thừa Thiên Huế yêu cầu các ban, ngành nhanh chóng tổ chức sơ tán dân khu vực nguy hiểm. Việc sơ tán phải hoàn thành trước 15h ngày 27/10.
Ngày 26/10, sau cuộc họp giao ban với các địa phương, Sở, ban ngành về công tác phòng chống lụt bão, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công điện khẩn để chủ động ứng phó với cơn bão số 9.
Theo đó, công điện khẩn yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 9 và tình hình mưa lũ để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Đình hoãn các cuộc họp không liên quan đến công tác chỉ đạo phòng, chống bão, lũ cho đến khi bão tan.
Bên cạnh đó, tiếp tục hướng dẫn neo đậu và có phương án đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền tại các khu neo đậu, các cảng Thuận An, Chân Mây. Tạm dừng việc xử lý tràn dầu tàu JAKARTA mắc cạn, bị gãy tại bãi Chuối dưới chân đèo Hải Vân. Tàu Công Thành 27 đang chìm tại vùng biển xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc. Có phương án tổ chức tìm kiếm các nạn nhân thủy điện Rào Trăng 3 đảm bảo an toàn cho toàn bộ lực lượng, phương tiện cứu nạn.
Ngoài ra, công điện yêu cầu UBND các huyện thị xã và TP Huế khẩn trương khắc phục hậu quả các đợt mưa lũ vừa qua. Tổ chức tiếp nhận phân bổ hàng hóa, vật tư hỗ trợ mưa lũ cho nhân dân. Tiếp tục thực hiện phương châm "4 tại chỗ" trong ứng phó mưa bão.
Nhanh chóng tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng đô thị để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản nhân dân. Việc sơ tán dân phải hoàn thành trước 15h ngày 27/10.
Các phòng ban chức năng của các địa phương rà soát các đối tượng dễ bị tổn thương để chủ động sơ tán đến nơi an toàn. Triển khai cắt tỉa cây xanh, đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, cơ sở hạ tầng trong điều kiện gió bão mạnh.
Khẩn trương gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, cơ sở giáo dục, trường học, y tế, công sở, các khu công nghiệp. Đảm bảo an toàn hệ thống cần cẩu đang thi công; hệ thống thông tin liên lạc, các cột anten trên địa bàn tỉnh. Sở GD&ĐT theo dõi sát diễn biến mưa bão thực tế tại địa phương để chủ động cho học sinh nghỉ học…
Trong công điện cũng lưu ý, đối với các công trình thủy điện đang thi công dở dang, công trình chưa được phép tích nước, các công trình không đảm bảo điều kiện vận hành an toàn không được vận hành phát điện, duy trì cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn (Rào Trăng 4, Thượng Nhật, cụm dự án A Lin B1, Sông Bồ).
Chủ đầu tư các công trình đang thi công phải có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công. Rút toàn bộ người, phương tiện ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở đất, vùng ngập úng. Đảm bảo an toàn công trình kiểm tra phương án chống va, trôi đảm bảo công trình vùng hạ du, bố trí biển báo tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá để hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang.../.
Theo dự báo, từ ngày 27/10 đến ngày 29/10, bão số 9 có thể gây mưa to đến rất to tại tỉnh Thừa Thiên Huế (200-350mm/đợt). Hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh có thể gây mưa lớn kéo dài, cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất. Vùng ven biển có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, sóng cao từ 2-4m. Biển động mạnh. Tình hình thời tiết trong những ngày cuối tháng 10 còn diễn biến phức tạp./.