(Tổ Quốc) - Quyết tâm của Saudi Arabia đối phó với các thách thức của Iran đã khiến quốc gia Trung Đông tìm kiếm hướng đi mới.
Căng thẳng của Pháp với Ai Cập
Theo bà Maya Carlin – nhà phân tích Trung tâm chính sách an ninh ở Washintgon DC, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đối mặt với áp lực chấm dứt đối thoại với Cairo và Riyadh thì các ưu tiên duy trì ổn định khu vực vẫn được đặt lên trên hết.
Vào ngày 7/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và lãnh đạo đồng cấp Ai Cập đã có cuộc gặp gỡ ở Paris thảo luận về hợp tác kinh tế và quốc phòng sau khi lên tiếng kêu gọi ngừng quan hệ với Ai Cập vì tuyên bố vi phạm nhân quyền.
Tại cuộc gặp, Tổng thống Emmanuel Macron vẫn bảo vệ quan điểm không tạo điều kiện cho quá trình hợp tác và thương mại liên quan đến vấn đề nhân quyền nhưng lại bày tỏ tin tưởng "một chính sách đối thoại sẽ hiệu quả hơn một chính sách tẩy chay làm giảm hiệu quả trong cuộc chiến chống khủng bố và sự ổn định của khu vực".
Tổng thống Macron cũng đề cập đến vai trò quan trọng của Ai Cập trong cuộc chiến chống khủng bố ở miền bắc Sinai.
Lý do đằng sau quan điểm khác với trước đó của Tổng thống Macron bắt nguồn từ vai trò của Ai Cập trong cuộc chiến chống khủng bố khu vực. Tổng thống Pháp từng bày tỏ lo ngại Cairo sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đối thủ phương Tây, bao gồm cả Nga và Trung Quốc.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden cũng phải đối mặt với sự bế tắc tương tự với Saudi Arabia. Riyadh xem Iran là mối đe dọa hiện hữu vì các vấn đề liên quan đến hạt nhân. Cùng với các nước láng giềng vùng Vịnh, Riyadh quyết liệt vận động chống lại Kế hoạch hành động toàn diện chung năm 2015 (JCPOA) của chính quyền Obama đồng thời cho rằng thỏa thuận sẽ chỉ cải thiện vị thế kinh tế của Iran và hạn chế khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của nước này.
Saudi Arabia liên tục tuyên bố quan tâm đến năng lượng hạt nhân dân sự, tuy nhiên, các nhà phân tích Mỹ trong thời gian dài luôn bày tỏ hoài nghi về các hành động của quốc gia giàu năng lượng dầu mỏ này. Quyết tâm của Riyadh nhằm ngăn chặn năng lực hạt nhân của Iran khiến nước này đi tới nỗ lực phát triển chương trình hạt nhân của chính mình. Tuy nhiên, chính bởi sự không đáng tin cậy từ cam kết của Mỹ đã khiến nước này tìm cách hợp tác chương trình với các quốc gia khác ngoài Mỹ. Vào tháng 8, Riyadh đã quay sang Trung Quốc tìm kiếm sự trợ giúp phát triển công nghệ hạt nhân. Sự thu xếp "bí mật" này đã dẫn đến việc thành lập một cơ sở làm giàu uranium ở tây bắc Saudi Arabia. Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 15 quốc gia Trung Đông, trong đó đáng chú ý nhất là Saudi Arabia.
Theo National Interest, diễn biến này khẳng định nếu không có sự hỗ trợ rõ ràng và bền vững của Mỹ thì các quốc gia vùng Vịnh sẽ tìm kiếm đối thoại với các đối thủ của Mỹ, trong đó có Trung Quốc.
Giải pháp đối phó căng thẳng?
Tổng thống đắc cử Joe Biden đã thông báo chính sách của ông với Saudi Arabia vào năm ngoái trong cuộc tranh luận sơ bộ của Đảng Dân chủ. Ông Biden tuyên bố rõ ràng Mỹ sẽ không bán thêm vũ khí cho Saudi Arabia nếu trở thành Tổng thống Mỹ.
"Chúng tôi sẽ bắt Saudi Arabia phải trả giá và đưa họ trở lại từ vạch xuất phát nếu nước này vẫn tiếp tục các hành động trên", ông Biden khẳng định.
Tương tự với áp lực mà Tổng thống Macron đối mặt nhằm "tẩy chay" Ai Cập liên quan đến vấn đề nhân quyền, ông Bidan cũng kêu gọi cắt đứt đối thoại và hỗ trợ Saudi Arabia. Lời kêu gọi của lưỡng đảng lên án Riyadh chắc chắn có cơ sở. Trong vài năm qua, thế giới đã chứng kiến chiến dịch đánh bom của Saudi Arabia tại Yemen đã khiến hàng nghìn dân thường tử vong và gần đây nhất là thỏa thuận bí mật với Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng, chiến lược của Mỹ là hợp lý nhằm đảm bảo an ninh khu vực bằng việc hạn chế các hành động có hại đối với lợi ích quốc gia.
Tín hiệu Saudi Arabia thúc đẩy quan hệ hợp tác với Trung Quốc về vấn đề hạt nhân không thể che giấu được sự bất an của Mỹ về các lợi ích trong kế hoạch an ninh của Riyadh có thể mang lại cho Trung Quốc.
Các trừng phạt đối với Saudi Arabia thông qua việc chấm dứt đối thoại và tẩy chay sẽ vô cùng bất lợi cho sự ổn định khu vực. Nếu chính quyền ông Biden thiết lập lại thỏa thuận hạt nhân khác với Iran và không thiết lập kênh đối thoại với các quốc gia vùng Vịnh thì Riyadh và các nước láng giềng có thể phải tìm kiếm viện trợ từ các đối thủ của Mỹ và nỗ lực đảm bảo các biện pháp răn đe.
Ngược lại nếu Mỹ nghĩ rằng Saudi Arabia và các nước láng giềng tin tưởng Washington trong bối cảnh Iran tiếp tục mở rộng ảnh hưởng trong khu vực thì Washington sẽ thúc đẩy mới quan hệ với Saudi trong thỏa thuận mới.