• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đời sống dần trở về bình thường: Gia tăng cạnh tranh giữa các ứng dụng giao hàng

Thế giới 16/09/2022 20:55

(Tổ Quốc) - Ngành kinh doanh giao đồ ăn ở Đông Nam Á đã phát triển mạnh trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và Grab đã trở thành một trong những doanh nghiệp thành công nhất trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, khi đời sống dần trở về bình thường, người dân bắt đầu quay trở lại các quán ăn thì cũng đồng nghĩa với việc các công ty giao đồ ăn phải xem xét điều chỉnh mô hình kinh doanh của mình để đáp ứng những thách thức mới, theo đánh giá của Nikkei Asia.

Theo công ty phân tích Momentum Works có trụ sở tại Singapore, 6 thị trường giao hàng thực phẩm lớn nhất ở Đông Nam Á đã đạt tổng giá trị hàng hóa là 15,5 tỷ USD vào năm ngoái. Trong số đó, Grab chiếm 49% giá trị này.

Á quân với 22% là Foodpanda, một chi nhánh của nền tảng Delivery Hero của Đức. GoTo Group, công ty mẹ của nền tảng di động Gojek tại Indonesia, đứng thứ ba với 14%.

Tại hầu hết các thị trường Đông Nam Á, Grab đã chiếm được vị trí hàng đầu. Trừ một thị trường là Malaysia, nơi 49% thị phần của Foodpanda vượt qua 48% của Grab.

Chiến lược bản địa hóa

Bản địa hóa các dịch vụ nhằm phù hợp với từng quốc gia trong khu vực là một chìa khóa thành công. Grab đã phát triển chủ yếu nhờ hoạt động kinh doanh đặt xe và sau đó đã mở rộng thị phần thông qua chiến lược bản địa hóa, tung ra các phiên bản ứng dụng với ngôn ngữ, giao diện và chức năng thanh toán được tùy chỉnh cho từng thị trường.

Năm 2018, Grab tiếp quản mảng kinh doanh Đông Nam Á của Uber Technologies. Thông qua thương vụ này, Grab đã mua lại mạng lưới của UberEats trong khu vực cũng như học hỏi trải nghiệm giao đồ ăn của ứng dụng này. Quá trình trên đã tạo bàn đạp để Grab triển khai hoạt động kinh doanh giao đồ ăn của riêng mình.

Cạnh tranh gay gắt giữa các ứng dụng giao hàng khi dịch vụ ăn uống trực tiếp được mở lại - Ảnh 1.

Nhu cầu giao đồ về tận nhà của khách hàng đã giảm xuống sau khi đời sống dần quay lại bình thường. Ảnh: Reuters.

Mặc dù đến từ châu Âu, Foodpanda là một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực giao đồ ăn ở Đông Nam Á khi gia nhập khu vực này vào năm 2012. Vào tháng 3 năm ngoái, công ty mẹ Delivery Hero đã hoàn tất việc mua Woowa Brothers, công ty điều hành ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất Hàn Quốc Baemin. Nền tảng Baemin cũng đang hoạt động tại Việt Nam.

Nhưng ở Indonesia, nơi mô tô chiếm đa số trong các phương tiện lưu thông, Foodpanda đã bị đội xe hai bánh của Gojek qua mặt và đã phải đóng cửa hoạt động kinh doanh tại đây vào năm 2016. Foodpanda thậm chí đã rút khỏi Việt Nam vào năm 2015.

Theo nhóm phân tích Frost & Sullivan, thị trường giao hàng thực phẩm của Đông Nam Á đang trên đà mở rộng lên 49,7 tỷ USD vào năm 2030, gấp 3,3 lần so với năm 2021. Nhu cầu dự kiến sẽ tăng đối với vận chuyển thực phẩm, quảng cáo và các ngành công nghiệp ngoại vi khác.

Do đó, thị trường giao đồ ăn khu vực vẫn đang tiếp tục thu hút những công ty mới. Năm ngoái, tập đoàn công nghệ khổng lồ của Singapore Sea Group đã mở rộng sang thị trường Indonesia, sau đó vào Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.

Nhu cầu giảm sút khiến cạnh tranh ngày càng gắt gao

Tuy nhiên, nhu cầu ở nhà và gọi đồ, một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành này, đã bắt đầu giảm xuống. Tổng số tiền hàng hóa bán được thông qua dịch vụ giao hàng của Grab (GMV) trong quý 2 năm nay chỉ đạt 2.47 tỷ USD, thấp hơn mức dự tính của công ty này là 2.55 tỷ USD.

Giá trị GMV của cả năm nay cũng được dự báo chỉ vào khoảng 21%-25%, giảm so với mức dự báo trước đó là từ 30% - 35%.

Giám đốc điều hành Grab cho biết: "Chúng tôi dự đoán nhu cầu giao đồ ăn sẽ giảm đi một phần".

Trước tình hình này, các công ty giao đồ ăn đang gấp rút mở rộng mạng lưới hậu cần và tăng cường sự kết nối với khách hàng để thu hút nhiều người dùng hơn. Vào tháng 1, Grab đã hoàn tất việc mua lại chuỗi siêu thị cao cấp Jaya Grocer của Malaysia. Tháng trước, công ty này đã bắt tay với Coca-Cola để tiếp cận với nhiều dòng sản phẩm và cửa hàng đối tác hơn.

Grab cũng có kế hoạch phát triển dịch vụ đăng ký sử dụng hàng tháng với một mức phí trọn gói cố định, nhắm đến những người dùng thường xuyên của ứng dụng này.

Trong khi đó, đối thủ gần nhất của Grab là Foodpanda đã xác định dịch vụ hỗ trợ, giao đồ cho các nhà hàng sẽ là một nguồn doanh thu chính. Foodpanda đang xem xét phát triển phần mềm phục vụ riêng cho các nhà hàng và nhà cung cấp thực phẩm để hỗ trợ việc nhận và thực hiện đơn đặt hàng.

Giám đốc điều hành của Foodpanda, ông Jakob Angele, nói với Nikkei: "Vẫn còn điều có thể làm trong mảng thực phẩm".

Còn GoTo đang tập trung nguồn lực tại Indonesia, thị trường lớn nhất Đông Nam Á. Tháng trước, GoTo đã thêm chức năng giao đồ ăn của Gojek vào Tokopedia, một ứng dụng mua sắm trực tuyến nhánh của họ. Vào tháng 7 năm 2021, công ty con Gojek cũng đã bán các hoạt động tại Thái Lan cho Capital A, công ty mẹ của hãng hàng không giá rẻ Malaysia AirAsia.

Như vậy, sự cạnh tranh gay gắt đang khiến các doanh nghiệp giao hàng thực phẩm luôn chìm trong tình trạng cạnh tranh "đỏ mắt" và việc cắt giảm chi phí hoạt động cũng như xây dựng chiến lược mới phù hợp đã nổi lên như một nhu cầu cấp bách.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ