• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đời sống hôn nhân của Nhật Bản cần thích ứng với dân số mới

Thế giới 16/11/2022 20:03

(Tổ Quốc) - Trang East Asia Forum đã đánh giá về đời sống hôn nhân của Nhật Bản trong bối cảnh sự suy giảm và già hóa của dân số nước này trong 20 năm qua đang diễn ra nghiêm trọng,

Theo Điều tra Dân số Quốc gia Nhật Bản, dân số từ 15 - 64 tuổi đã giảm 11 triệu người, trong khi số dân từ 65 tuổi trở lên tăng 14 triệu người. Sự suy giảm dân số trong độ tuổi lao động không tạo được sức hút với đầu tư tư nhân, đồng thời cũng kéo theo sự suy giảm của đà tăng trưởng trong thị trường nội địa.

Tỷ lệ sinh giảm xuất phát từ tỷ lệ kết hôn giảm

Dân số ngày càng giảm là hệ quả tự nhiên của việc tỷ lệ sinh giảm. Tổng tỷ suất sinh (TFR) của Nhật Bản đang trên đà giảm. Số con trung bình của mỗi phụ nữ Nhật giảm từ 2,1 con vào đầu những năm 1970 xuống 1,3 con vào năm 2021. Đây là mức thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để duy trì dân số bền vững.

2018-08-08T000000Z_350139390_MT1.jpg

Tỷ lệ kết hôn của người trẻ Nhật Bản đang suy giảm. Ảnh: East Asia Forum.

Chính phủ Nhật Bản đang khuyến khích tỷ lệ sinh cao hơn bằng cách tăng lợi ích cho các gia đình nuôi con nhỏ. Nhưng chỉ chính sách hỗ trợ này là không đủ. Báo cáo điều tra vấn đề sinh sản quốc gia Nhật Bản lần thứ 16, được Viện Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia Nhật Bản công bố vào tháng 9 năm 2022, đã tiết lộ thêm nhiều thông tin về vấn đề hôn nhân gia đình tại nước này.

Trên thực tế, tỷ lệ sinh của các cặp vợ chồng đã kết hôn giảm từ 2,2 con năm 1971 xuống 1,9 con năm 2021. Do trẻ em sinh ra từ các cặp vợ chồng chưa kết hôn chỉ chiếm 2% số lượng trẻ em ở Nhật Bản, yếu tố chính khiến TFR giảm là tỷ lệ kết hôn liên tục giảm. Tuy nhiên, không có nhiều chính sách được đưa ra để giải quyết vấn đề hôn nhân này.

Hiện tại, thu nhập thấp và không ổn định khiến nhiều người trẻ gặp khó khăn trong việc lập gia đình và sinh con. Tuy nhiên, vấn đề kinh tế cũng chỉ là một phần nhỏ. Theo cuộc khảo sát trên, lý do chính của cả hai giới tại Nhật Bản là các vấn đề phi kinh tế, chẳng hạn như không gặp được người phù hợp.

Loạt lý do phi kinh tế làm giảm tỷ lệ kết hôn

Phụ nữ Nhật Bản đang ngày càng cải thiện được vị thế kinh tế và theo đó, cũng nâng cao hơn các tiêu chuẩn đối với một người chồng trong gia đình và tạo ra sự không tương xứng trong đời sống hôn nhân. Tỷ lệ nhập học đại học của phụ nữ Nhật Bản đã tăng lên nhanh chóng, đạt 52% vào năm 2021, không chênh quá xa so với tỷ lệ 58% ở nam giới. Do đó, đang dần có sự thiếu hụt đáng kể nam sinh có trình độ đại học để kết hôn với phụ nữ có trình độ đại học.

Một yếu tố nữa có thể khiến phụ nữ Nhật Bản miễn cưỡng kết hôn đó là 'chi phí cơ hội' của hôn nhân ngày càng tăng. Với trình độ học vấn cao hơn, ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ có mức lương tương đương với nam giới, do đó, cả hai giới đều trì hoãn việc kết hôn để tìm kiếm thêm cơ hội trong công việc. Hiện tại, độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình của phụ nữ là 29 tuổi theo Cục Thống kê Nội các Nhật Bản. Con số này vượt xa mốc 25 tuổi của những năm 1980 - khi hầu hết phụ nữ Nhật Bản chỉ mới tốt nghiệp trung học.

Bên cạnh đó, lựa chọn sống một mình tại các thành phố lớn và tránh những ràng buộc của một gia đình truyền thống cũng trở nên hấp dẫn hơn. Ở Nhật Bản, hôn nhân không nhất thiết phải dựa trên sự đồng ý giữa hai vợ chồng mà là sự thống nhất của hai gia đình. Phụ nữ kết hôn với con trai cả phải chăm sóc cha mẹ của chồng. Đây cũng là một gánh nặng không nhỏ đối với những phụ nữ muốn theo đuổi sự nghiệp chuyên môn của mình.

Một ví dụ khác về sự ràng buộc trong gia đình là một phụ nữ đã kết hôn thường phải lấy họ của chồng mình. Luật pháp Nhật Bản yêu cầu các cặp vợ chồng kết hôn phải lấy cùng một họ và mặc dù không quy định về tên nhưng hơn 90% phụ nữ cũng lấy theo tên của chồng.

Điều này là bất lợi đối với phụ nữ hiện đại khi họ đã có bằng cấp chính thức hoặc sự nghiệp vững chắc với tên thời con gái của họ. Tuy nhiên, đề xuất về việc phụ nữ có thể tùy chọn sử dụng tên thời con gái đã không được cho phép vì truyền thống bảo thủ cho rằng một cặp vợ chồng như vậy có thể thiếu ràng buộc gia đình và có ảnh hưởng tiêu cực đến con cái.

Theo Báo cáo khảo sát về tỷ lệ sinh giảm của Văn phòng Nội các Nhật Bản vào năm 2020, hiện có khoảng 10% nam giới và phụ nữ sống chung với nhau mà không có giấy đăng ký kết hôn. Giai đoạn chung sống trước hôn nhân này rất quan trọng đối với những phụ nữ độc lập về kinh tế vì mối quan hệ này có thể nhanh chóng chấm dứt mà không cần sự tham gia của gia đình.

Bất chấp sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phụ nữ có trình độ học vấn cao trong xã hội Nhật Bản, các thế hệ người lớn tuổi vẫn muốn duy trì hình thức gia đình truyền thống của Nhật Bản. Việc Nhật Bản chưa thừa nhận các kiểu gia đình khác đang góp phần vào tỷ lệ sinh thấp của nước này. Trong bối cảnh dân số giảm mạnh và tốc độ già hóa nhanh, chính phủ Nhật Bản có thể phải có thêm các biện pháp tích cực để giải quyết vấn đề nhân khẩu học.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ