• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đón đầu nỗ lực vượt qua khủng hoảng đại dịch trong Hội nghị Bộ trưởng Y tế G20

Thế giới 06/09/2021 16:50

(Tổ Quốc) - Đảm bảo phát triển bền vững hậu đại dịch, ngăn chặn đại dịch trong tương lai và tăng cường công cụ đối phó với đại dịch là ba chủ đề chính trong Hội nghị Bộ trưởng Y tế G20 vào ngày 5/9 tại Rome, Italy.

Hiệp ước đảm bảo công bằng vaccine trên toàn cầu

Trang SCMP dẫn tin, Bộ trưởng Y tế Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhất trí sẽ đảm bảo quá trình phân phối công bằng vaccine ngừa Covid -19 trên toàn cầu trong cuộc họp diễn ra vào ngày 5/9 tại Rome, Italy. Đây là một trong số các cuộc họp Bộ trưởng G20 trước thềm thượng đỉnh diễn ra vào tháng 10/2021. Cuộc họp tập trung vào nỗ lực đối phó với dịch bệnh trên toàn cầu cũng như các phương hướng giải quyết vấn đề bất bình đẳng vaccine giữa các nước.

Đón đầu nỗ lực vượt qua khủng hoảng đại dịch trong Hội nghị Bộ trưởng Y tế G20 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cùng với một số Bộ trưởng Y tế các nước tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế G20 vào ngày 5/9. Ảnh: EPA-EFE

Cuộc họp của G20 diễn ra trong bối cảnh nhiều ý kiến phản ánh về mức độ bất bình đẳng vaccine giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Theo Euronews, hội nghị Bộ trưởng Y tế G20 tập trung thảo luận 3 chủ đề chính liên quan đến dịch bệnh, bao gồm đảm bảo phát triển bền vững hậu dịch bệnh, ngăn chặn đại dịch trong tương lai và tăng cường các công cụ đối phó với đại dịch.

Đầu tiên, hội nghị đã tập trung thảo luận về các ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến các mục tiêu phát triển bền vững, nhấn mạnh đến nỗ lực hồi phục của thế giới và các bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc chiến chống dịch bệnh để tìm cách điều chỉnh phù hợp, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ hai là định hướng, đề xuất đối phó dịch bệnh trong thời gian tới. Các nước G20 sẽ phải tìm cách ngăn chặn, chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó linh hoạt với các đại dịch trong tương lai.

Và cuối cùng là tìm kiếm các công cụ hỗ trợ toàn cầu chống đại dịch Covid-19. Các nước thành viên G20 đã đề cập đến chiến lược toàn cầu nhằm đảm bảo tiếp cận công bằng vaccine, phương pháp điều trị và việc chẩn đoán.

Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza khẳng định, việc thống nhất xây dựng một hiệp ước đảm bảo phân phối công bằng vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu là cách duy nhất để chấm dứt đại dịch.

"Một trong những cam kết quan trọng của hiệp ước là quá trình phân phối vaccine phải đảm bảo công bằng cho các nước, thay vì chỉ tập trung vào những quốc gia giàu có. Vaccine dành cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ tập trung vào một số ít", Bộ trưởng Y tế Itlay Speranza khẳng định.

Theo SCMP, Đức đang có kế hoạch hỗ trợ 100 triệu liều vaccine cho thế giới trong chương trình tiêm chủng vaccine toàn cầu. Số lượng này bằng với số vaccine mà chúng tôi đã tiêm trong thời gian qua", ông Spahn- Bộ trưởng Y tế Đức nhấn mạnh đồng thời khẳng định số lượng vaccine mà Đức đóng góp cho thế giới có thể giúp 40% dân số toàn cầu có cơ hội tiếp cận vaccine trước năm 2022.

"Đại dịch chỉ kết thúc nếu nó kết thúc trên khắp thế giới", Bộ trưởng Y tế Đức Spahn nhấn mạnh và cảnh báo về mối đe dọa toàn cầu trước các biến thể mới đồng thời lên tiếng về sự thiếu phản ứng toàn cầu.

Thông điệp đoàn kết vượt qua đại dịch

Các Bộ trưởng đều mong muốn người dân trên toàn cầu có cơ hội tiếp cận vaccine nhanh chóng và đầy đủ nhằm giảm sự lây lan dịch bệnh nghiêm trọng và đẩy nhanh triển khai các chính sách thiết lập trạng thái bình thường mới ở các quốc gia.

Theo SCMP, trong 2 ngày tham gia cuộc họp, Bộ trưởng Y tế các nước G20 đã thảo luận về cách thức ngăn chặn dịch bệnh trong tương lai và tìm cách đối phó với dịch bệnh cũng như tiếp cận khoa học trong cuộc chiến chống dịch bệnh trên thế giới.

Ban Tổ chức của hội nghị Bộ trưởng các nước G20 cho biết, mục tiêu của hội nghị là thông điệp mạnh mẽ về sự hợp tác, đoàn kết và công lý, trong đó nhấn mạnh việc không ai bị bỏ lại phía sau.

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cũng kêu gọi đại diện các nước G20 thống nhất chung về việc công nhận hộ chiếu vaccine kỹ thuật số, khẳng định tầm quan trọng xây dựng phương pháp tiếp cận chung về du lịch xuyên biên giới cho những người đã tiêm chủng đầy đủ.

"Điều quan trọng nhất là phải đưa ra thống nhất chung về chứng nhận tiêm chủng (hộ chiếu vaccine) giữa các nước", ông Mikhail Murashko nhấn mạnh. Theo một số thông tin, Nga đã trao đổi vấn đề này với Liên minh châu Âu nhưng chưa có kết quả. Bộ trưởng Đức và Italy cũng khẳng định tầm quan trọng của quá trình tiêm chủng hiện nay trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh có thể xảy ra trong những tháng tiếp theo.

"Trong tháng Chín, EU sẽ phải tiếp tục chương trình tiêm chủng để đảm bảo mức độ an toàn vào mùa thu hay mùa đông. Để đảm bảo mức độ an toàn trong các tháng tiếp theo, chúng ta cần phải thực hiện tiêm chủng khoảng 5 triệu liều vaccine nữa, thậm chí số lượng cần phải nhiều hơn ở Đức", ông Spahn nhấn mạnh.

Bộ trưởng Y tế Đức cũng đã nêu ra các hạn chế trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm chủng chậm chạp. Theo ông, thế giới chỉ có thể đối phó với dịch bệnh nếu tăng cường chiến dịch tiêm chủng và áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế trước đây.

Hiện tại, nhiều quốc gia châu Âu đã yêu cầu người dân cần có giấy xác nhận đã tiêm chủng để đi du lịch trong nước và sử dụng một số dịch vụ như nhà hàng hay các hoạt động công cộng khác.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ