• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Đòn giáng" bất ngờ của Trung Quốc vào Wikipedia có thật sự chỉ liên quan tới Đài Bắc?

Thế giới 30/09/2020 10:57

(Tổ Quốc) - Trung Quốc mới đây đã phản đối việc công ty mẹ của trang Wikipedia được trở thành quan sát viên tại một cơ quan của Liên Hợp quốc.

Tờ SCMP đăng tải, động thái của Bắc Kinh cấm Wikimedia Foundation (công ty mẹ của trang Wikipedia) tham gia với tư cách quan sát viên tại cuộc họp đại hội đồng Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) vào tuần trước thể hiện chính sách nhất quán của Trung Quốc về việc giới hạn sự công nhận quốc tế đối với Đài Loan. Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và thề sẽ khẳng định điều đó bằng vũ lực nếu cần thiết.

"Không quá khó để trở thành quan sát viên tại WIPO", luật sư thương mại và từng là một cựu phó Giám đốc WIPO James Pooley cho hay. "Vấn đề mà Wikipedia phải đối mặt đó là họ đã động vào vẩy ngược của Trung Quốc là Đài Loan".

Theo giới phân tích, Bắc Kinh cũng muốn nhằm vào Mỹ sau khi Washington thành công trong một chiến dịch "phút chót" ngăn cản ứng viên của Trung Quốc trở thành người đứng đầu WIPO vào đầu năm nay. "Tất nhiên Trung Quốc rất tức giận vì Mỹ đã làm điều đó", ông Wei Lei, một cựu nhân viên của WIPO nói. Còn Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp quốc là Chen Xu cáo buộc "cuộc công kích" của Mỹ vào ứng viên Trung Quốc là "không chỉ bất công mà còn thiếu sáng suốt".

"Đòn giáng" bất ngờ của Trung Quốc vào Wikipedia có thật sự chỉ liên quan tới Đài Bắc? - Ảnh 1.

Tân Tổng giám đốc WIPO, Daren Tang là người Singapore, ông nhận được sự ủng hộ từ Mỹ (ảnh: SCMP)

Giữ một vai trò quan trọng trong lĩnh vực nhãn hiệu và bằng sáng chế toàn cầu, WIPO sở hữu một ngân sách lớn, linh hoạt và một ban lãnh đạo khá độc lập. Điều đó khiến vị trí Tổng giám đốc mang tính hấp dẫn cao đối với cả Trung Quốc và Mỹ trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu đang cạnh tranh gay gắt về công nghệ.

Động thái của Bắc Kinh trước Wikipedia được coi là một đòn giáng vào "các giá trị tự do của phương Tây" thông qua cổ vũ việc nhà nước tăng cường kiểm soát thông tin, tái định nghĩa "các quyền con người" và sử dụng tiếng nói của mình để làm giảm bớt các chỉ trích quốc tế. Quyết định này nhận được sự ủng hộ từ Nga, Iran và Pakistan.

"Khi một thể chế quốc tế ảnh hưởng tới lợi ích của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ không ngần ngại đưa ra đòn trừng phạt", Giám đốc về châu Á tại tổ chức tham vấn chính sách Heritage Foundation Walter Lohman nhận xét. "Đó cũng là một vấn đề cho Đài Loan bởi vì phần lớn thế giới sẵn sàng bỏ rơi họ để làm hài lòng Trung Quốc".

Kể từ năm 2016, 7 nước đã cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan và quay sang Trung Quốc. Theo Viện Lowy năm ngoái Trung Quốc đã vượt qua Mỹ với số lượng đối tác ngoại giao lên tới 276.

Con số trên được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang gia tăng sử dụng sức mạnh kinh tế, quân sự và ảnh hưởng toàn cầu của mình để làm giảm bớt chỉ trích, đồng thời trừng phạt những ai đi ngược lại lợi ích của mình. Liên quan tới Wikipedia, Bắc Kinh cho rằng, trang web đã "tuyên truyền thông tin vi phạm nguyên tắc một Trung Quốc".

"Nga, Iran, Trung Quốc và Pakistan đương nhiên muốn phản đối Wikimedia", một nguồn tin tiết lộ. "Lần sau, Trung Quốc sẽ ủng hộ Nga, Iran hoặc Pakistan về các vấn đề nhân quyền. Anh ủng hộ tôi thì tôi cũng sẽ ủng hộ anh".

Bắc Kinh cũng không phải là bên duy nhất vận dụng lý thuyết "cây gậy và củ cà rốt". Mỹ và EU thường xuyên trao đổi với các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) trong các vấn đề quan trọng đối với họ.

"Đòn giáng" bất ngờ của Trung Quốc vào Wikipedia có thật sự chỉ liên quan tới Đài Bắc? - Ảnh 2.

Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) (ảnh: SCMP)

Wikimedia là một trong 12 tổ chức phi chính phủ đăng ký vai trò quan sát viên tại cuộc họp đại hội đồng WIPO vào tuần trước nhưng lại là tổ chức duy nhất bị từ chối. Bắc Kinh cáo buộc Wikimedia đã tiến hành các hành động chính trị và đe dọa tới sự ổn định chính trị của Trung Quốc thông qua đăng tải các thông tin về Đài Loan.

Vai trò quan sát viên cho phép các nhóm dân sự có thể gia tăng ảnh hưởng tới chính sách sở hữu trí tuệ toàn cầu tại các cuộc họp chính thức và các cuộc gặp gỡ ngoài lề. Các tổ chức đã đăng ký thành công chia sẻ, quy trình đăng ký rất rõ ràng và chuyên nghiệp; tuy nhiên, chắc chắn không ai muốn bị dính vào một cuộc chiến liên quan tới Trung Quốc, Đài Loan và Wikipedia.

Theo giới phân tích, đối đầu Mỹ-Trung về vị trí lãnh đạo WIPO nhấn mạnh sự hiện diện toàn cầu ngày càng mở rộng của Trung Quốc cũng như những nỗ lực ngăn cản từ phía Mỹ, ngay cả khi Tổng thống Donald Trump đã sự tín nhiệm dành cho Mỹ bị giảm sút với quyết định đề cao chính sách "Nước Mỹ là trên hết.

"Trong hai năm trở lại đây, Trung Quốc tính toán một cách có chiến lược hơn rất nhiều trong cách tiếp cận Liên Hợp quốc. Họ coi Liên Hợp quốc là một phương tiện để thực hiện các tham vọng chính sách theo một cách mà Mỹ đơn giản là không làm vậy. Rõ ràng, Trung Quốc đã liệt kê ra các cơ quan quan trọng mang tính chiến lược như WIPO và tiến hành vận động để đưa người của mình trúng cử vị trí lãnh đạo", học giả cấp cao Kristine Lee từ Trung tâm vì một nền an ninh Mỹ mới chỉ ra.

Trong vòng vài năm tới, sẽ có rất nhiều vị trí cấp cao trong các cơ quan Liên Hợp quốc cần người mới. Bà Lee cho rằng, Washington có thể sẽ chuẩn bị tốt hơn so với trước đây.

"Trung Quốc đang làm xói mòn cái mà Mỹ gọi là trật tự dựa trên luật lệ và thay đổi các quy định sang hướng có lợi cho mình", nữ học giả nhận định. "Điều đó giúp tạo ra một thế giới an toàn hơn nhiều cho giới cầm quyền Trung Quốc và phát triển mạnh chiến lược của họ trên toàn Liên Hợp quốc".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ