• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Đòn giáng" siêu tiêm kích F-35: Thực hư chạy đua Nhật, Trung, Nga?

Thế giới 12/04/2019 12:17

(Tổ Quốc) - Tờ Asia Times ngày 11/4 đăng tải bài viết có tựa Nhật, Trung Quốc, Nga "chạy đua tìm mảnh vỡ chiếc máy bay gặp nạn".

Theo trang này, các tờ báo của Trung Quốc đang dồn sự chú ý vào sự cố của chiếc tiêm kích F-35A –máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại được lắp ráp tại Nhật Bản và cho rằng các đồng minh của Mỹ ở châu Á có thể xem xét lại việc mua nó.

Nguy cơ với vũ khí Mỹ

Báo chí Trung Quốc nói rằng vụ tai nạn F-35A của Nhật Bản là một đòn giáng mạnh vào Lockheed Martin cũng như doanh số bán vũ khí của Mỹ, vì các đồng minh và quân đội nước ngoài có thể xem xét lại độ tin cậy của loại tiêm kích này - đang được coi là máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến nhất thế giới.

Đòn giáng siêu tiêm kích F-35: Thực hư chạy đua Nhật, Trung, Nga? - Ảnh 1.

Tiêm kích F-35A gặp nạn có ảnh hưởng đến uy tín của dòng máy bay chiến đấu tiên tiến này. (Nguồn: Asia Times Handout)

Việc một chiếc F-35A với phi công thuộc không quân của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản bị rơi không phải trong một cuộc không chiến mà trong một cuộc tập trận thường xuyên trên Thái Bình Dương có thể là một vấn đề lớn khi Washington đang muốn đưa loại máy bay chiến đấu này tới với các đồng minh trên khắp châu Á, tờ Nhân dân Nhật báo và Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cho hay.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo hôm thứ 4 rằng một chiếc F-35A đóng tại căn cứ không quân Misawa đã biến mất khỏi radar vào tối hôm trước, khi nó cách tỉnh Aomori khoảng 135 km về phía đông. Chiếc máy bay này sau đó được xác nhận đã bị rơi sau khi các mảnh vỡ từ phía đuôi của nó được phát hiện, nhưng số phận của viên phi công Nhật Bản vẫn chưa được xác định.

F-35A, phiên bản cơ bản bán chạy nhất của dòng máy bay này, đã bay cùng ba máy bay phản lực khác, chia theo hai nhóm để thực hiện một cuộc tập trận phòng thủ tấn công. Phi công là một người dày dạn với 3.200 giờ bay, và anh ta nói với các phi công khác trước khi gặp nạn rằng anh ta cần phải hủy nhiệm vụ, khoảng 25 phút sau khi cất cánh.

Máy bay phản lực này được trang bị hệ thống khẩn cấp, nhưng phía quân đội cho biết họ không nhận được tín hiệu nào đã được kích hoạt, điều cho thấy phi công có thể không có đủ thời gian để làm theo các thủ tục khẩn cấp, theo đài truyền hình NHK của Nhật Bản. Máy bay phản lực một chỗ ngồi này có một hệ thống sẽ phát ra tín hiệu cấp cứu nếu phi công bị đẩy ra khỏi buồng lái bằng một chiếc dù.

Vụ tai nạn sẽ khiến các quốc gia phải suy nghĩ kỹ trước khi tiến tới chiếc máy bay chiến đấu đắt tiền có giá không dưới 90 triệu USD mỗi chiếc. Một nhà quan sát quân sự Trung Quốc cho biết các quốc gia như Singapore, nước đã chọn mua bốn chiếc F-35 thay vì các lựa chọn khác như máy bay chiến đấu Trung Quốc J-20, sẽ phải xem lại rằng liệu họ có nên tiến hành mua một máy bay chiến đấu có lỗi hay không. Thời báo Hoàn cầu cũng lưu ý rằng vụ tai nạn có thể ảnh hưởng đến liên minh Nhật Bản - Hoa Kỳ.

Tất cả các lực lượng quân đội đã mua máy bay này giờ sẽ phải tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng và trong thời gian này chúng có thể bị tạm dừng bay hoặc đưa vào danh sách hoạt động hạn chế.

Đồn đoán chạy đua tìm mảnh vỡ

Cũng có đồn đoán rằng Trung Quốc và Nga có thể phát hiện mảnh vỡ F-35 trước do vị trí địa lý của khu vực nơi có khả năng bị rơi. Cả hai quốc gia này được cho là đang xem xét, hoặc đã sử dụng các tàu ngầm trong nỗ lực tiếp cận máy bay gặp nạn. Một số nhà phân tích cho rằng các bộ phận của radar và các cảm biến khác của chiếc máy bay chiến đấu bị hỏng này sẽ là mục tiêu chính để phục hồi và thử nghiệm kỹ thuật đảo ngược của Trung Quốc và Nga.

Được biết, các máy bay và tàu tuần tra của quân đội Hoa Kỳ cũng tham gia tìm kiếm máy bay và phi công mất tích. Và Tham mưu trưởng Lực lượng tự vệ mặt đất Nhật Bản Koji Yamazaki cũng cho biết, lực lượng này sẽ theo dõi sát sao sự di chuyển của tàu các nước láng giềng. Ông cho biết nhiều nỗ lực đang được thực hiện để bảo vệ thông tin về chiếc máy bay chiến đấu tiên tiến này.

12 chiếc F-35A còn lại của Nhật Bản hiện đang ở tại căn cứ, vào thời điểm quốc gia này đang trong quá trình đưa F-35A thành máy bay chiến đấu chủ lực của hạm đội, với 105 máy bay phản lực như vậy sẽ được đưa vào sử dụng trong thập kỷ tới.

F-35A bắt đầu phục vụ tại Nhật Bản vào đầu năm 2018 và phi đội F-35A đầu tiên của nước này vừa được thành lập vào tháng trước. Chiếc máy bay bị rơi là chiếc đầu tiên được lắp ráp trong nước bởi hãng công nghiệp nặng Mitsubishi.

Đây là lần đầu tiên một chiếc F-35A bị rơi kể từ khi một chiếc F-35B, phiên bản cất cánh không gian hẹp và hạ cánh thẳng đứng, bị rơi ở California vào tháng 9 năm 2018, mặc dù phi công đã thoát ra an toàn. Các nhà điều tra cho biết sau đó rằng, vụ tai nạn có khả năng liên quan đến các ống nhiên liệu bị lỗi trong động cơ và tất cả mọi chiếc F-35 đang hoạt động ở Mỹ sau đó đã rời nhiệm vụ cho đến khi từng chiếc được kiểm tra về vấn đề lỗi đường chuyền nhiên liệu động cơ.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ