• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dồn lực đối phó với Nga, EU hé lộ loạt kế hoạch quân sự mới

Thế giới 20/11/2018 20:52

(Tổ Quốc) - Việc EU vừa công bố một loạt các dự án hợp tác quân sự mới cho thấy, "giấc mơ" về một quân đội châu Âu vẫn còn khá… phi hiện thực.

Tờ Financial Times đưa tin, các bộ trưởng Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí một loạt các dự án hợp tác quân sự, từ mở trường đào tạo điệp viên cho tới chế tạo loại tên lửa chiến trường thế hệ mới… Tuy vậy, nhìn từ một góc độ khác, các động thái này cho thấy viễn cảnh về một lực lượng quân đội châu Âu vẫn còn rất xa vời.

Theo tờ báo Anh, những kế hoạch mới nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Pesco với sự tham gia của 25 quốc gia thành viên EU. Nó thể hiện mong muốn tăng cường năng lực quân sự của EU, cùng lúc tránh bị trùng lặp với trách nhiệm phòng thủ chung cho châu Âu mà NATO đang đảm nhiệm, đặc biệt là vào thời điểm mối quan hệ với Nga đang leo thang căng thẳng.

Dồn lực đối phó với Nga, EU hé lộ loạt kế hoạch quân sự mới - Ảnh 1.

Giới chức Đức tỏ ra phân biệt rạch ròi ý tưởng về một "quân đội châu Âu", với mục tiêu thiết lập một "quân đội của người châu Âu"

Một số nhà phân tích nhìn nhận lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo Pháp và Đức thành lập một quân đội châu Âu, là lời cam kết "suông" đối với một nhiệm vụ mà EU không muốn hoặc không thể đảm nhiệm.

"Thuật ngữ quân đội châu Âu là rất không chính xác. Giống như anh có thể nói về nó, nhưng rõ ràng nó sẽ không xảy ra vào ngày mai," Ulrike Franke, một chuyên gia về phòng thủ tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu chỉ ra. "Một quân đội châu Âu thực sự có nghĩa là sự tập hợp nguyên bản của các lực lượng vũ trang châu Âu. Và đó không phải là điều mà chúng ta muốn làm, hoặc có thể làm trong vòng vài thập kỷ tới".

Vào cuối ngày 19/11, các bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng EU đã công bố, loạt dự án vòng hai thuộc Sáng kiến Pesco (được khởi xướng vào năm ngoái) nhằm thu hẹp khoảng cách trong năng lực quân sự châu Âu. Hy Lạp và Cyprus sẽ cùng thực hiện một dự án thành lập một trường đào tạo tình báo; trong khi Pháp, Bỉ và Cyprus sẽ "bắt tay" phát triển một mẫu tên lửa tầm trung. Các dự án khác bao gồm khinh khí cầu trinh sát và nâng cấp các máy bay trực thăng tấn công Tiger.

Hội đồng các bộ trưởng EU cũng ủng hộ một kế hoạch của Ủy ban châu Âu thiết lập Quỹ Phòng thủ châu Âu, với mục tiêu cùng đầu tư vào các dự án công nghiệp quốc phòng.

Tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thể hiện sự đồng tình với lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về "quân đội thực sự của châu Âu", tiến tới giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ. Đây được coi là một động thái đáp trả lại những chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng, các nước châu Âu đã không dành ra đủ ngân sách cho hoạt động quốc phòng.

Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng Đức tỏ ra thận trọng hơn khi tuyên bố, Berlin và Paris giờ đây mới chỉ đang tìm kiếm việc thắt chặt hợp tác giữa các lực lượng vũ trang châu Âu, thay vì thành lập một quân đội chung.

Giới chức Đức tỏ ra phân biệt rạch ròi ý tưởng về một "quân đội châu Âu", với mục tiêu thiết lập một "quân đội của người châu Âu". Vế sau từng được chính thức thông qua trong một hiệp ước liên minh được ký kết giữa ba đảng cầm quyền tại Berlin hồi đầu năm nay. Tăng cường hợp tác giữa các lực lượng vũ trang châu Âu, cũng như trong các thủ tục chung và cùng phát triển vũ khí và các thiết bị phòng thủ khác – vốn được nhìn nhận là bình thường tại "lục địa già".

"Con đường mà chúng ta đã đi từng bước dẫn tới một 'quân đội của người châu Âu]. Nghĩa là các lực lượng vũ trang vẫn thuộc trách nhiệm từng quốc gia, nhưng sẽ kết nối chặt chẽ, trang bị thống nhất, được huấn luyện và cùng sẵn sàng cho các chiến dịch chung", Ursula von der Leyen, Bộ trưởng Quốc phòng Đức giải thích trong một bài viết mới đây đăng trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung.

Một quân đội châu Âu thực sự có nghĩa là sự tập hợp nguyên bản của các lực lượng vũ trang châu Âu. Và đó không phải là điều mà chúng ta muốn làm, hoặc có thể làm trong vòng vài thập kỷ tới.

Ulrike Franke

Bà von der Leyen và các chính trị gia EU khác cũng nhấn mạnh rằng, việc thúc đẩy tài chính và liên kết các lực lượng quân đội thành viên, phục vụ cho mục tiêu tăng cường sức mạnh NATO chứ không phải là làm nó yếu đi. Vai trò của NATO trong phòng thủ chung châu Âu thậm chí còn rõ ràng hơn trước đây, khi liên minh quân thu hẹp triển khai quân tại một số địa điểm trên thế giới, để tập trung đối phó với Nga.

Trong quá khứ, EU từng gặp khó khăn trong việc thành lập lực lượng chung tới các điểm khủng hoảng nóng quốc tế. Theo cơ quan ngoại giao EU, các nhóm binh lính, mỗi nhóm có khoảng 1.500 quân nhân đa quốc tịch, mặc dù đi vào hoạt động từ năm 2007 – chưa bao giờ được triển khai vì "các vấn đề liên quan tới ý muốn chính trị…"

Một lý do khác khiến các quan chức EU phải thận trọng, đó là nghi kỵ của Mỹ rằng, các sáng kiến chung châu Âu có thể xung đột với các sáng kiến trong NATO. Giới chức Mỹ cũng đang gây sức ép để một số công ty Mỹ được trao cơ hội tham gia vào loạt dự án quân sự mới của EU.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ