• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đòn trừng phạt Mỹ - Iran: Leo thang tại Thổ và phức tạp yếu tố Nga?

Thế giới 25/07/2018 12:27

(Tổ Quốc) - Việc Thổ Nhĩ Kỳ không thực hiện theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa hai đồng minh NATO.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 24/7 đã bác bỏ việc nước này thực hiện theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran- động thái có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa hai đồng minh NATO.

"Chúng tôi đã nói với họ rằng chúng tôi sẽ không tham gia các biện pháp trừng phạt này", ông Cavusoglu trả lời về kết quả một cuộc họp vào thứ sáu tuần trước với các quan chức cấp cao của Mỹ tại Ankara. "Trong khi chúng tôi giải thích lý do tại sao không tuân theo các biện pháp trừng phạt này, chúng tôi cũng đã bày tỏ rằng chúng tôi không thấy các biện pháp trừng phạt của Mỹ là phù hợp."

 Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. (Nguồn: Reuters)

Ankara đã phản đối mạnh mẽ quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt với Tehran sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế năm 2015 với nước này. Các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt sẽ bắt đầu có hiệu lực vào cuối tháng 8 và các biện pháp chống lại xuất khẩu năng lượng của Iran bắt đầu từ tháng 11.

Nhu cầu năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ đang phụ thuộc nhiều vào nước láng giềng của Iran đối với dầu mỏ và khí tự nhiên, trong khi các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang nhắm đến Iran như một thị trường ngày càng quan trọng.

Ngày 20/7, Marshall Billingslea, trợ lý Bộ trưởng tài chính Mỹ về vấn đề khủng bố, đã đến thăm Ankara để gặp gỡ các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và đại diện giới doanh nghiệp. Billingslea mô tả các cuộc đàm phán là "tích cực" và thừa nhận những khó khăn mà các công ty Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt, nhưng cảnh báo, "các lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ sẽ được thực thi rất, rất cứng rắn và rất toàn diện."

Washington không miễn trừ cho bất kì nước nào giao dịch với Iran – động thái đặt Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vào thế đối đầu trong vấn đề này.

Sinan Ulgen, người đứng đầu Viện nghiên cứu Edam ở Istanbul cho biết: "Chúng tôi đã thấy điều này trong quá khứ. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Nước này sẽ không ngừng nhập khẩu khí đốt và dầu của Iran".

Đầu năm nay, một tòa án New York đã kết án một giám đốc điều hành cao cấp của Halkbank – ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ do nhà nước kiểm soát vì vi phạm các biện pháp trừng phạt trước đây của Washington đối với Iran. Các nhà phân tích cho rằng, việc kết án sẽ khiến các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ chần chừ trong việc cung cấp dịch vụ cho các công ty Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động tại Iran. Vụ việc của Halkbank cũng cho thấy đòn bẩy mạnh mẽ mà Washington có thể áp đặt với Ankara.

"Vụ án Halkbank vẫn chưa hoàn tất. Bộ Tài chính Mỹ vẫn phải quyết định mức phạt tiền sẽ áp đặt", nhà phân tích Atilla Yesilada của GlobalSource Partners cho biết. Các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng, một mức tiền phạt khổng lồ của chính quyền Mỹ cũng có thể nhắm vào các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ khác liên quan đến vụ việc Halkbank.

Yếu tố Iran, Nga?

Trong khi đó, quan hệ sâu sắc của Thổ Nhĩ Kỳ với cả Iran và Nga đã gia tăng căng thẳng trong quan hệ với các đồng minh phương Tây. Đầu tuần này, Quốc hội Mỹ đã trì hoãn việc giao các máy bay phản lực F-35 tới Thổ Nhĩ Kỳ vì kế hoạch mua tên lửa S-400 từ Nga của Ankara.

Ankara khẳng định rằng họ cam kết duy trì liên minh chiến lược với phương Tây, tuyên bố thúc đẩy quan hệ thương mại với Tehran và Moscow cùng với sự cần thiết phải hợp tác để giải quyết cuộc nội chiến Syria.

Tuy nhiên, Ilnur Cevik, cố vấn cấp cao của Tổng thống Erdogan, đã chia sẻ trong một bài bình luận ngày 23/7 về những lo ngại ngày càng tăng đối với Iran. Cevik cáo buộc Tehran thiếu lòng biết ơn về lập trường của Ankara trong việc phá vỡ các biện pháp trừng phạt trước đây của Mỹ nhằm vào Iran.

"Thiện chí và tình hữu nghị của Thổ Nhĩ Kỳ đã không được Tehran đáp lại. Ngay sau khi người Iran ký thỏa thuận hạt nhân với phương Tây, họ quay lưng lại với Ankara và bắt đầu làm tổn thương lợi ích Thổ Nhĩ Kỳ. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ không thể giành được hợp đồng ở Iran", Cevik viết cho tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ Sabah.

Cevik cũng cảnh báo về mối đe dọa từTehran. "Iran cũng cho thấy việc đang thể hiện các chính sách bành trướng thời Ba Tư trên khắp Trung Đông".

Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong lịch sử là các đối thủ trong khu vực. Họ cũng ủng hộ hai phe đối lập trong cuộc chiến Syria. Ankara cũng từng đề cập đến sự thiếu hợp tác của Tehran trong việc chống lại nhóm nổi dậy người Kurd PKK.

Đảng Công nhân người Kurd PKK đã tiến hành một cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ để đòi quyền tự trị tại Thổ Nhĩ Kỳ. PKK có trụ sở tại nước láng giềng Iraq, gần biên giới Iran. Một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ, yêu cầu giấu tên, thừa nhận rằng một chiến dịch quân sự đang diễn ra để chiếm giữ trụ sở của PKK đã bị làm suy yếu do Tehran từ chối đóng cửa biên giới và không ngăn chặn lực lượng này trốn thoát.

"Iran dứt khoát đang là một đối thủ cạnh tranh khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ, không nghi ngờ gì về điều đó, cho dù đó là PKK hay trong nhiều trường hợp khác", giáo sư quan hệ quốc tế Huseyin Bagci tại Đại học Kỹ thuật Trung Đông Ankara cho biết.

Bagci cho rằng, Ankara có thể linh hoạt hơn đối với Washington về các lệnh trừng phạt Iran nếu Washington thay đổi cách tiếp cận của họ.

Bagci nói: " Mỹ mong đợi vô điều kiện từ Thổ Nhĩ Kỳ rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tuân theo các biện pháp trừng phạt của họ. Thổ Nhĩ Kỳ không thể làm điều này. Đó là việc tự tử về kinh tế. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ chính sách của Mỹ, Mỹ nên bù đắp vào những tổn thất kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ