• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Donald Trump 100 ngày cầm quyền đầy chắp vá

Thế giới 27/04/2017 22:07

(Tổ Quốc)-Ít thành công, nhiều thất bại và khó đoán định.

Trong thế giới, chuyện lạ lúc nào cũng có. Tháng 11 năm ngoái, cử tri Mỹ đã chọn một gương mặt lạ là Donald Trump. Tính cách khác thường, cách tiếp cận các vấn đề nước Mỹ và thế giới cũng khác thường, đã làm nên hiện tượng “Donald Trunmp”. Ông ta đã tạo ra một số chấn động trong đời sống chính trị Mỹ và thế giới.

Donald Trump đả kích WTO, theo đuổi những biện pháp kinh tế thuần túy mang tính bảo hộ

Mấy vấn đề đối ngoại ưu tiên

Trung Quốc với động lực đuổi kịp và vượt nước Mỹ vào năm 2049, vừa rồi phải ráo riết vận động hành lang, thông qua người thân cận của ông Trump bằng các mối lợi kinh tế, để có thể tổ chức cuộc gặp sớm Tập-Trump tại Florida ngày 6-7/4 vừa rồi. Trung Quốc muốn cùng với nước Mỹ định ra luật chơi mới. Tổng thống Obama đã không chấp nhận “quan hệ nước lớn kiểu mới”. Nhưng cách tiếp cận ôn hòa thỏa hiệp của Obama, cầu cạnh Trung Quốc ủng hộ chống biến đổi khí hậu, kiểm soát vũ khí hạt nhân, … đã tạo điều kiện để Bắc Kinh dẫn dắt cuộc chơi ở Đông Á, bó tay trước việc Bắc Kinh lấn chiếm Biển Đông. Sự quật khởi của Duterte ở Philippines cho thấy một tâm trạng chung ở khu vực: Không tin cậy nước Mỹ Obama.

Donald Trump muốn đảo lộn cuộc chơi với Trung Quốc. Nhưng Washington vẫn đang thổi điệu kèn ngập ngừng.

Có thể thấy, châu Á-Thái Bình Dương trở thành trọng điểm đối ngoại của chính quyền mới ở Mỹ.

Mỹ phải định hình sớm chính sách Đông Á, vì sức ép từ Bắc Kinh, cũng như nhu cầu của chính quyền Trump sớm có những nhượng bộ từ Trung Quốc về kinh tế, thương mại. Mỹ phải đối phó với việc Bình Nhưỡng rục rịch thử bom hạt nhân. Kim Jong un gần như thành công gây nhiễu chính sách Triều Tiên của Mỹ và tác động vào cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc ngày 9/5 tới. Chủ trương của Trump “gây áp lực tối đa, vừa để ngỏ khả năng đối thoại” với Bình Nhưỡng chỉ là bình mới rượu cũ, thoát ly thực tế như rất nhiều nỗ lực đối nội của Trump.

Chính sách châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền mới về cơ bản không khác biệt mấy với các biện pháp “tái cân bằng” của chính quyền Obama. Mỗi thứ có thêm một tí mới: Tăng cường thực lực quân sự, tăng cường quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, phần nào với Đài Loan. Với Trung Quốc, đối sách của chính quyền Trump muốn là: kiềm chế cứ kiềm chế, làm ăn cứ làm ăn, được món lợi nào cứ tranh thủ.

Quan hệ đồng minh Mỹ-NATO được tái khẳng định, nhưng các thành viên của tổ chức này phải thực thi cam kết đưa ngân sách quốc phòng lên 2% vào năm 2024.

Quan hệ Mỹ-Nga tưởng là thuận lợi trở nên khó khăn do sự chống đối của các thế lực “chống Nga” ở Washington, và phần nào, do sự xử lý vụng về, thiếu tính chuyên nghiệp của một số nhân vật “thân Nga” trong chính quyền mới, bên cạnh sự nóng vội của giới chức Nga.

Mỹ đã lặng lẽ tăng cường lực lượng đặc nhiệm trên chiến trường Syria-Iraq lên gần 9.000 binh sĩ nhằm đánh bại ISIS và giành lợi thế trên chiến trường. Việc các khu trục hạm Mỹ bắn 59 quả tên lửa tomahawk vào Syria là một sự phô trương thanh thế với Trung Quốc, Bình Nhưỡng và để trấn an phe diều hâu ở Washington.

Thúc đẩy các chương trình đối nội

Việc xây dựng bộ máy chính quyền mới vẫn dở dang. Ông Trump muốn “thay máu” và tái cơ cấu các cơ chế quản trị của nước Mỹ. Nhưng đến nay mới bổ nhiệm được 20 trong số 554 vị trí chủ chốt trong chính quyền cần được Thượng nghị viện phê chuẩn. Tiến độ chậm chạp này đã cản trở nỗ lực hoạch định và thực thi chính sách.

Tổng thống Trump đã ký 60 sắc lệnh hành pháp. Chính quyền của ông ta đang xử lý khoảng 15 hồ sơ đối nội trọng điểm, như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng việc làm mới, khắc phục thâm hụt thương mại, cải cách thuế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, gia tăng chi tiêu quân sự, bảo hiểm y tế, kiểm soát nhập cư… Nhiệt tình của tổng thống mới đã bị các cơ quan lập pháp và tư pháp Mỹ dội không ít nước lạnh, với nhiều thất bại cay đắng.

Một bài viết trên trang mạng usatoday nhận xét, không chỉ có các nhà lãnh đạo nước ngoài, mà một số nhân vật thân cận của ông Trump trong Quốc hội và những nơi khác cũng đang phải vật lộn để hiểu được các dấu hiệu trái chiều từ vị tổng thống vốn có mối quan hệ bất thường với đảng của ông ta.

Nhìn chung, chính sách đối nội của chính quyền Trump mang sắc thái chủ nghĩa quốc gia kinh tế, bảo vệ những lợi ích kinh tế của Mỹ bằng mọi cách, trong đó có những biện pháp thuần túy mang tính bảo hộ.

Trong con người Donald Trump có hai tính cách – một tính cách khá nhất quán với các quan niệm và đức tin định hình từ đầu những năm 2000, và một tính cách của nhân vật công chúng nhiều màu sắc và khó đoán định.  

Trong 1.000 ngày tiếp theo, người ta sẽ biết, Donald Trump sẽ làm nước Mỹ chuyển biến theo quan niệm của mình, hay ông phải điều chỉnh cho hợp với quan niệm và tập quán thiết chế Washington? 

Nguyễn Ngọc Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ