(Tổ Quốc)- Donal Trump đưa ra một số tuyên bố chính sách đối ngoại đậm dấu ấn không chuyên nghiệp, nhưng thú vị.
(Tổ Quốc)- Donal Trump đưa ra một số tuyên bố chính sách đối ngoại đậm dấu ấn không chuyên nghiệp, nhưng thú vị.
>>Trump công bố chính sách đối ngoại hỗn loạn
Donald Trump đang trở thành ứng cử viên hàng đầu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 của đảng Cộng hòa. Với thắng lợi liên tiếp tại 5 bang Bờ Đông trong ngày thứ 3 vừa rồi, ông ta càng bỏ xa các ứng cử viên khác của đảng Con voi. Đảng Cộng hòa coi thắng lợi của Trump là một đại bất hạnh cho Đảng. Bởi vì những điều ông Trump tuyên bố công khai thể hiện quan điểm biệt lập, phân biệt chủng tộc và bất đồng với cử tri nữ không chỉ làm hại cơ hội thắng cử của ứng cử viên Cộng hòa trong cuộc bầu cử toàn quốc khi đương đầu với bà Hillary Clinton – người rất được các cử tri da màu và phụ nữ ủng hộ, mà còn ảnh hưởng đến các đảng viên Cộng hòa ra tranh cử các ghế thượng-hạ nghị sĩ và thống đốc bang trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.
Một ngày sau các cuộc bầu cử Bờ Đông, Donald Trump đã hé lộ một số đường hướng về chính sách đối ngoại.
Donald Trump và vợ đang trên đường chinh phục đảng Cộng hòa
Tìm kiếm các quan hệ ổn thỏa hơn với Nga, Trung Quốc và đồng minh
Trong bài phát biểu ngày 27/4, Donald Trump đã cam kết sẽ “chấn chỉnh sự sa sút về chính sách đối ngoại” của Mỹ trong thời gian qua. Ông ta chỉ trích chính sách đối ngoại của đương kim Tổng thống Barack Obama, cho rằng vị tổng thống này đã để Trung Quốc lấn át Mỹ quá nhiều và thất bại trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria.
Nga và Trung Quốc là những chủ đề thu hút sự quan tâm lớn của dư luận và cử tri Mỹ. Trên thực tế, quan hệ Washington-Moskva đã xấu đi dưới thời Tổng thống Obama. Mỹ đã sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine và sự can dự của Nga vào cuộc xung đột Syria/Trung Đông để thực hiện bao vây cấm vận làm suy yếu nước Nga. Trong giới nghiên cứu chiến lược Mỹ, đại bộ phận xem Nga là đối thủ tiềm năng thách thức vai trò Mỹ ở châu Âu, cũng như có khả năng vũ khí chiến lược hủy diệt nước Mỹ.
Nga đã phản ứng lại một cách khá quyết liệt. Trong tháng 4, máy bay chiến đấu của Nga đã hai lần tiếp cận ở cự ly nguy hiểm tàu chiến và máy bay trinh thám của Mỹ tại biển Ban tích. Riêng ngày 12/4, trực thăng Nga 7 lần và 2 máy bay chiến đấu của Nga 20 lần bay sát tàu khu trục Mỹ hoạt động tại biển Ban tích. Sự kiện này tạo nên sự om sòm trên báo chí Mỹ, tăng thêm kịch tính về sự bất cập trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Với Trung Quốc, ông Trump tuyên bố rằng ông không sợ xuất khẩu của Mỹ bị ảnh hưởng nếu xảy ra chiến tranh thương mại bởi lẽ Trung Quốc (và Mexico) sẽ có nhiều thứ để mất hơn. Ông từng nói rằng mọi thiệt hại đều sẽ được bù đắp khi các mức thuế quan của ông sẽ buộc các công ty phải đưa việc làm từ Trung Quốc (và Mexico) trở về Mỹ.
Ngày 27/4, ông Trump đã có lời lẽ nhẹ nhàng hơn với Trung Quốc, cho biết sẽ sử dụng “đòn bẩy kinh tế của Mỹ” nhằm thuyết phục Trung Quốc kiềm chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên. Tỷ phú Trump cũng cho biết nếu trở thành Tổng thống, ông sẽ khiến các đồng minh của Mỹ phải gánh vác trách nhiệm tài chính lớn hơn đối với việc đảm bảo an ninh của họ. Ông Trump khẳng định sẽ tiến hành các hội nghị thượng đỉnh riêng rẽ với NATO và các đồng minh châu Á để thảo luận về việc “tái cân bằng” cam kết tài chính của Mỹ đối với việc bảo vệ các đồng minh. Theo ông, các đồng minh của Mỹ đã được hưởng lợi từ “chiếc ô an ninh” của Washington nhưng lại chưa chia sẻ trách nhiệm tài chính một cách tương xứng.
Giai thoại Trump-Putin
Donald Trump và Vladimir Putin đã có những lời qua tiếng lại dễ chịu về nhau.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17/12/2015 dường như đã “bỏ phiếu” cho Donald Trump: “Ông ấy là một người rất thông thái, rất có tài, không thể nghi ngờ về điều đó... Chúng ta đều thấy là ông ấy thực sự là người dẫn đầu cuộc đua tranh cử tổng thống đang diễn ra. Ông ấy đã nói rằng muốn đưa quan hệ Mỹ-Nga lên một nấc mới, một mức độ sâu sắc hơn. Làm sao chúng tôi lại không hoan nghênh điều đó cơ chứ? Dĩ nhiên là chúng tôi hoan nghênh”.
Vào tháng 11/2015, ông Trump nói: “Tôi tin là chúng ta sẽ có quan hệ rất tốt với Nga. Tôi tin là tôi sẽ có mối quan hệ rất tốt với Putin”.
Sau đáp từ của ông Putin, ông Trump cảm thấy tự hào và nói trên truyền hình Mỹ, rằng “luôn là một vinh dự lớn khi được ca ngợi bởi một con người rất được nể trọng ở bên trong và bên ngoài đất nước của ông ấy. Ông ấy dẫn dắt đất nước mình, và ít nhất, ông ấy là một nhà lãnh đạo, không giống người chúng ta có ở đất nước này… Tôi luôn cảm thấy Nga và Mỹ có thể làm việc tốt với nhau trong vấn đề chống khủng bố và lập lại hòa bình thế giới, chứ chưa nói gì đến lĩnh vực thương mại và tất cả những lợi ích khác xuất phát từ sự tôn trọng lẫn nhau”.
Ngày 10/3/2016, Donald Trump đã gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là “một nhà lãnh đạo rất quyết đoán của nước Nga, ông ấy là một người mạnh mẽ hơn nhiều nhà lãnh đạo của chúng ta”. Ông cũng ủng hộ chiến dịch chống khủng bố của Nga ở Syria, cho rằng, Tổng thống Putin làm vậy là vì không muốn khủng bố tấn công vào Nga.
Suy cho cùng, động cơ của chính sách đối ngoại là lợi ích quốc gia. Nhưng các chính khách có thể đưa gia vị vào các món ăn ngoại giao, làm cho chúng đậm đà hương sắc./.
Lưu Việt