• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Donald Trump sẵn sàng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc

Thế giới 06/01/2017 08:13

(Tổ Quốc)-Các nhân sự mới cho thấy Chính phủ Mỹ sẽ xem xét lại các mối quan hệ kinh tế, đặc biệt là với Trung Quốc.

Người Trung Quốc có khá đủ lý do để quan ngại về quan hệ kinh tế thương mại với Mỹ, khi ông Trump cam kết có đường lối cứng rắn với Bắc Kinh, đe dọa nâng thuế vào các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc đến Mỹ.

Những nhân vật cầm cân nẩy mực về quan hệ thương mại của Mỹ dưới thời Trump đều có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Ngày 2/1, Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử ông Robert Lighthizer - một nhân vật luôn ủng hộ chính sách bảo hộ mậu dịch - vào chức vụ Đại diện Thương mại Mỹ. Trong cơ cấu mới điều hành chính sách thương mại Mỹ, ông Trump dự kiến trao cho Wilbur Ross, người được chỉ định làm Bộ trưởng Thương mại, chịu trách nhiệm chính. Ông Peter Navarro được chọn làm Giám đốc Hội đồng Thương mại Quốc gia của Nhà Trắng, một cơ quan mới được thành lập, dự kiến “đóng một vai trò mang tính cá nhân hơn trong việc thương lượng các chính sách thương mại với các nước như Trung Quốc”.

Chú gà con phỏng theo Donald Trump tại một trung tâm thương mại ở Quảng Tây, Trung Quốc

Tất cả những quyết định nhân sự này cho thấy Chính phủ Mỹ dưới thời Donald Trump sẽ xem xét lại các mối quan hệ kinh tế, đặc biệt là với Trung Quốc.

Trong năm 2016, Trung Quốc bị trả đũa thương mại kỷ lục. 27 quốc gia đã đưa ra 119 biện pháp phòng vệ thương mại, với các vụ tương ứng trị giá 14,34 tỷ USD, tăng 76% so với năm 2015.

Năm 2008, ông Lighthizer đã mạnh mẽ chỉ trích vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Ông Lighthizer cho rằng các nhà ngoại giao Mỹ nên có quan điểm cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông Lighthizer lên án: “Những người ủng hộ tự do thương mại muốn giúp Trung Quốc trở thành cường quốc”. Ông phê phán những người này sống trong tháp ngà và xa rời thực tế. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và các nghị sỹ đảng Cộng hòa ủng hộ tự do thương mại. Hai năm sau đó, trong một buổi điều trần trước Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung thuộc Quốc hội Mỹ, ông Lighthizer đã chỉ trích Trung Quốc không tuân thủ các cam kết khi gia nhập WTO và tiến hành nhiều biện pháp kỹ thuật mang tính khiêu khích để phá vỡ các quy định của WTO. Tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã phát triển thành mối đe dọa chủ yếu đối với nền kinh tế Mỹ và một trong những nguyên nhân là do sự thụ động của các nhà hoạch định chính sách của Mỹ.

Theo tạp chí Foreign Affairs, các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ ngày càng phải đối mặt với một môi trường kinh doanh khó khăn và không thân thiện ở Trung Quốc. Hàng loạt vấn đề từ những quy định không rõ ràng và thiếu nhất quán, đến những lệnh cấm hoàn toàn đối với đầu tư nước ngoài ở những lĩnh vực như thực phẩm và truyền thông.

Những khác biệt trong lĩnh vực đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc thể hiện rõ trong cuộc đàm phán về Hiệp định Đầu tư song phương Mỹ-Trung Quốc (BIT). Các cuộc đàm phán bắt đầu từ năm 2008 và đến nay đã trải qua 24 vòng. Ông Obama đã có những xoa dịu và hòa hoãn với Bắc Kinh trong nhiều vấn đề địa chính trị để mong kết thúc cuộc đàm phán vào cuối nhiệm kỳ của mình. Nhưng ông ta chỉ nhận được nhưng lời hứa hẹn. Cuộc mặc cả diễn ra xung quanh “danh sách tiêu cực”, bao gồm  một nhóm lĩnh vực kinh tế được duy trì trong tình trạng đóng cửa với đầu tư nước ngoài ngay cả sau khi hiệp định trên hoàn thành. Phía Mỹ muốn một “danh sách tiêu cực” rất ngắn, trong khi Bắc Kinh tìm cách bảo hộ số lượng lĩnh vực và ngành công nghiệp lớn hơn nhiều. David Dollar thuộc Viện Brookings (Mỹ) nhận định trên tạp chí Wall Street Journal hồi tháng 9/2016, cho rằng: “Trung Quốc là quốc gia ‘đóng’ nhất trong nhóm nước G20 về đầu tư trực tiếp từ nước ngoài”.

Theo Foreign Affairs, thực tế cho thấy, về kinh tế và nhất là trong đầu tư, Trung Quốc cần Mỹ hơn rất nhiều so với Mỹ cần Trung Quốc. Mặc dù, những lời buộc tội Trung Quốc khá là ầm ĩ, nhưng đầu tư của Trung Quốc đối với Mỹ là tương đối nhỏ. Phòng Phân tích kinh tế của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Mỹ là 2.900 tỷ USD, và 80% trong số đó đến từ 8 quốc gia mà không có tên Trung Quốc. 4 nước có đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Mỹ là Anh, Nhật Bản, Hà Lan và Canada, mỗi nước có một lượng đầu tư lên tới hàng trăm tỷ USD, trong khi  đầu tư của Trung Quốc cao nhất chỉ được tính bằng chục tỷ USD. Năm 2015, đầu tư Trung Quốc ở Mỹ chỉ tương đương của Singapore. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đầu tư của Trung Quốc năm 2015 đạt 46,6 tỷ USD.

Mỹ luôn cân nhắc các đầu tư của Trung Quốc mua các sản nghiệp ở Mỹ có tác động đến cấu trúc sống còn của an ninh quốc gia, những công nghệ gốc quan trọng ở Mỹ, như microchip, và những máy công cụ hiện đại.

Hầu hết các nhà đầu tư Mỹ cho rằng,ít có khả năng xảy ra xung đột ngoại giao vì vấn đề thương mại. Những hạn chế của chính quyền Trump có thể dẫn tới hậu quả kinh tế nghiêm trọng khi Trung Quốc trả đũa. Chưa chắc Tổng thống Trump sẽ thực hiện các cam kết của Tổng thống đắc cử Trump. Tuy nhiên, Robert Lighthizer tuyên bố sẽ “trung thành thực hiện” các đường lối của Trump./.

Linh Hương

NỔI BẬT TRANG CHỦ