(Tổ Quốc) - Bạn có thể chôn 28.000m khối rác thải phóng xạ gây chết người ở đâu trong vòng 1 triệu năm tới?
Đó chính là vấn đề "đau đầu" mà Đức đang phải đối mặt khi đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân của mình trong những năm sắp tới. Theo giáo sư Miranda Schreurs - một thành viên trong nhóm tìm kiếm địa điểm chôn rác thải, nơi được chọn phải có địa chất cứng hơn cả đá, không có nước ngầm hoặc động đất để tránh tình trạng bị rò rỉ.
Các thách thức về mặt công nghệ cũng vô cùng to lớn – từ việc vận chuyển rác thải phóng xạ, tìm được vật liệu để chứa đựng cho đến cách thông báo về sự tồn tại của chúng cho thế hệ tương lai…
Sau thảm họa Fukushima năm 2011, Đức đã quyết định dần dần đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân của mình vì những lo ngại về an toàn.
Bảy nhà máy điện hạt nhân của Đức hiện đang hoạt động dự kiến sẽ đóng cửa vào năm 2022; còn thời hạn để chính phủ tìm được một khu chôn rác thải phóng xạ vĩnh viễn là năm 2031.
Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức cho hay, họ muốn tìm một địa điểm "có thể đảm bảo được an toàn và an ninh tốt nhất trong khoảng 1 triệu năm".
Hiện rác thải phóng xạ mức độ cao đang được chứa trong các cơ sở tạm thời gần các nhà máy điện. Tuy nhiên, những cơ sở này chỉ được thiết kế để lưu giữ các chất thải trong khoảng một vài thập kỷ.
"Về mặt địa chất, nó phải rất, rất và rất ổn định", bà Schreurs nói về địa điểm lý tưởng để chôn rác thải phóng xạ. "Nó không thể có động đất, hay dòng chảy của nước và đã không thể quá xốp".
Vấn đề của Đức là nền địa chất ở đây "không có quá nhiều đá granite". Vì vậy, theo bà Schreurs, họ sẽ phải làm việc với bất kỳ hiện trạng nào có được – nghĩa là chôn các rác thải phóng xạ bên trong đá muối, đá đất sét hay granite pha lê…
Đội ngũ của bà Schreurs hy vọng, họ có thể tìm được các địa điểm tiềm năng vào năm sau. Chính phủ Đức không có kế hoạch xuất khẩu các rác thải này ra nước ngoài.
Trong khi đó, các chuyên gia về truyền thông đã bắt đầu nghiên cứu về cách thông báo vấn đề với các thế hệ tương lai – khi mà ngôn ngữ có thể hoàn toàn khác biệt với hiện tại. "Chúng tôi cần phải tìm cách nói với họ rằng, 'tò mò không hề có kết quả tốt ở đây'", bà Schreurs chỉ ra.
Với hơn 400 nhà máy điện hạt nhân trên toàn thế giới, trong đó nhiều nhà máy đang tiến tới điểm cuối trong chu kỳ hoạt động, vấn đề xử lý rác thải sẽ chỉ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Lợi thế của Đức là họ biết rõ chính xác mình đang có bao nhiêu rác thải phóng xạ, trong khi thách thức lớn nhất chính là tìm được nơi để chôn chúng càng lâu càng tốt.