(Tổ Quốc) - Đồng Nai ngăn chặn, bài trừ sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại; Trưng bày chuyên đề Văn hóa các dân tộc thiểu số Đông Nam bộ; Hoạt động văn hóa, văn nghệ Hậu Giang trở lại là tin văn hóa tại các tỉnh Nam Bộ hôm nay.
- 27.04.2020 Đồng Nai xây dựng Đề án truyền thông phát triển phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa năm 2020
- 22.04.2020 Đồng Nai ban hành kế hoạch tập huấn nghiệp vụ công tác gia đình năm 2020
- 15.04.2020 Đồng Nai ban hành Kế hoạch tổng kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030
- 08.04.2020 Đồng Nai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020
- 28.03.2020 Sở VHTTDL Đồng Nai phân cấp di tích cho các địa phương quản lý
Đồng Nai ngăn chặn, bài trừ sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại
Ngày 11/5, Sở VHTTDL Đồng Nai đã có báo cáo số 925/BC-SVHTTDL tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW về "Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội" trên địa bàn.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn mở rộng các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Toàn cầu hóa vừa là thời cơ cho sự hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng là những thách thức to lớn đối với vấn đề giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa và chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại thông qua nhiều con đường, dưới nhiều hình thức tinh vi, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường văn hóa, xã hội, làm xói mòn các giá trị đạo đức tốt đẹp trong một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên. Những sản phẩm độc hại làm ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh xã hội, dẫn đến khuynh hướng tự diễn biến về chính trị, tư tưởng, gây tác hại đến các thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên hiện nay.
Đồng Nai thực hiện Chỉ thị 46 cùng với mục tiêu chung của đất nước, đó là xem văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, bảo vệ và phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, tạo môi trường xã hội lành mạnh, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, với phương châm "Lấy tuyên truyền, giáo dục, vận động, phòng ngừa, ngăn chặn là chính", cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp thường xuyên chăm lo và làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, góp phần nâng cao nhận thức và hành động trong đảng viên và nhân dân.... Các địa phương, đơn vị chủ động gắn việc thực hiện Chỉ thị 46 với việc xây dựng chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 - 2030" xây dựng và triển khai thực hiện đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2012 - 2020".
Tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân tích cực tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hóa gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; thông qua việc tham gia các phong trào, ý thức tự quản, tự giác, phòng ngừa tiêu cực của cán bộ, công chức, được nâng lên, nhất là việc tẩy chay, ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm văn hóa độc hại trong thời kỳ công nghệ thông tin và phương tiện truyền thông xã hội phát triển; giữ gìn đạo đức, thuần phong mỹ tục, xây dựng và bảo vệ các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, góp phần tạo nên giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc, là cơ sở, nền tảng để phát triển xã hội, đất nước.
Trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực đẩy mạnh cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng Gia đình văn hóa. Tỷ lệ đăng ký xây dựng và tỷ lệ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa luôn tăng theo từng năm, cụ thể: năm 2011 số hộ gia đình đạt Gia đình văn hóa là 96,95% đến năm 2019 đạt 98,89%. Thông qua các hoạt động đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng gia đình văn hóa, nâng cao ý thức cho các gia đình trong tỉnh tích cực đấu tranh phòng ngừa các yếu tố văn hóa độc hại xâm nhập vào gia đình, ảnh hưởng đến văn hóa gia đình truyền thống của Việt Nam từ bao đời.
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng biểu diễn, xây dựng và dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật phong phú, đa dạng, đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc phục vụ nhiệm vụ chính trị và các ngày lễ lớn của dân tộc, của tỉnh như: Tuần lễ văn hóa nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân; chương trình cầu truyền hình trực tiếp Lễ hội đón giao thừa, bắn pháo hoa; Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4) và Ngày quốc tế lao động (01/5); kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; (19/5); kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02/9...
Phong trào "Người tốt, việc tốt" trong các tầng lớp nhân dân xuất hiện ngày càng nhiều trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh, điển hình là việc xây dựng ngày vì người nghèo. Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng nhằm tạo không gian sinh hoạt văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân.
Trưng bày chuyên đề Văn hóa các dân tộc thiểu số Đông Nam bộ
Sở VHTTDL Đồng Nai vừa có văn bản giao Bảo tàng Đồng Nai phối hợp với Bảo tàng Cần Thơ thực hiện trưng bày chuyên đề Văn hóa các dân tộc thiểu số Đông Nam bộ năm 2020.
Theo đó, hoạt động trưng bày sẽ diễn ra từ ngày 20-8 đến 15-12 nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Sở VHTTDL giao cho Bảo tàng Đồng Nai xây dựng đề cương, kế hoạch trưng bày, đảm bảo chất lượng đổi mới, sinh động. Bảo tàng tổ chức chuyến đi an toàn, tiết kiệm và thực hiện có hiệu quả, phát huy và lan tỏa giá trị văn hóa các dân tộc trong cộng đồng.
Hoạt động này nhằm góp phần quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, tăng cường sự hiểu biết, ý thức bảo tồn, phát triển bền vững di sản văn hóa dân tộc Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển.
Hậu Giang: Hoạt động văn hóa, văn nghệ trở lại
Khi các quy định về phòng, chống dịch được nới lỏng thêm, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Hậu Giang có nhiều động thái tích cực xây dựng, nâng chất các danh hiệu văn hóa.
Bảo tàng tỉnh tập trung lực lượng dọn dẹp vệ sinh các khu di tích, đảm bảo an toàn cho khách đến tham quan. Mấy tháng nay, việc dọn dẹp vệ sinh vẫn được duy trì thường xuyên, dù các di tích đều đóng cửa. Hơn thế, bảo tàng tỉnh sẵn sàng cho việc trở lại phục vụ du khách đến tham quan các di tích trong toàn tỉnh. Cùng với việc dọn dẹp, các điểm đến đều có trang bị nước rửa tay và nhân viên tại chỗ sẽ hướng dẫn khách rửa tay, đeo khẩu trang.
Cùng với Bảo tàng tỉnh, các đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, như Trung tâm Văn hóa tỉnh, Đoàn ca múa nhạc dân tộc, Thư viện tỉnh, cũng tất bật chuẩn bị các chương trình văn nghệ, nghệ thuật thường niên, đặc biệt là vào đợt phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hiện đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh đã xây dựng chương trình nghệ thuật năm, dự kiến tuần tới bắt tay tập luyện. Cùng với đó là chương trình văn nghệ phục vụ các sự kiện chính trị trong tỉnh. Sẽ mời biên đạo ở thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh dàn dựng một số tiết mục đinh, tạo nên sự mới lạ, phong phú cho chương trình.
Thư viện tỉnh đã khởi động mô hình "Gửi trao tri thức", với mong muốn mang sách đến tận tay độc giả, là cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tỉnh. Đây là một cách tiếp cận, nắm bắt nhu cầu để phục vụ bạn đọc. Cùng với đó, triển lãm sách trên xe lưu động cũng được chuẩn bị; các mô hình phục vụ tại chỗ cho bạn đọc ở nhiều lứa tuổi cũng được khẩn trương chuẩn bị.
Bên cạnh đó, Ngành VHTTDL Hậu Giang sẽ tập trung các tiêu chí nâng chất gia đình văn hóa, nhân rộng mô hình có cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, là tập trung theo dõi, giám sát các đơn vị xây dựng, nâng chất các mô hình, phát hiện những mô hình mới để xây dựng, nhân rộng, tạo điểm nhấn cho từng địa phương.
Ban chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Hậu Giang đã xây dựng kế hoạch kiểm tra việc nâng chất các danh hiệu của phong trào, nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của các thành viên ban chỉ đạo phong trào các cấp và ban vận động ở ấp, khu vực; đánh giá toàn diện việc triển khai thực hiện phong trào ở từng địa phương thông qua việc thực hiện các tiêu chuẩn để xây dựng, duy trì các danh hiệu văn hóa, đặc biệt là gia đình văn hóa, ấp, khu vực văn hóa, xã văn hóa nông thôn mới gắn với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và phường, thị trấn văn minh đô thị. Dự kiến quý III, Ban chỉ đạo Phong trào tỉnh sẽ kiểm tra các xã, phường, thị trấn đã đạt và chưa đạt các danh hiệu văn hóa nông thôn mới, văn minh đô thị.