(Tổ Quốc) - Đồng Nai tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng; Giám sát kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Lập hồ sơ xếp hạng nhiều di tích cấp tỉnh là tin văn hóa tiêu biểu tại tỉnh Đồng Nai mới đây
- 27.05.2020 Đồng Nai khai thác, phát huy giá trị di tích Thành cổ Biên Hòa
- 18.05.2020 TP Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- 14.05.2020 Đồng Nai triển khai cấp bảng nội quy Khu nhà trọ văn hóa năm 2020
- 14.05.2020 Đồng Nai tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020)
- 28.03.2020 Sở VHTTDL Đồng Nai phân cấp di tích cho các địa phương quản lý
Đồng Nai tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng
Theo Sở VHTTDL Đồng Nai, Sở đã có văn bản gửi Bảo tàng Đồng Nai, Thanh tra Sở, phòng văn hóa - thông tin các huyện, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh.
Sở VHTTDL đề nghị Bảo tàng Đồng Nai tiến hành khảo sát, nắm tình hình hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh, nhất là một số hoạt động tín ngưỡng phổ biến hiện nay như: tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ cúng vua Hùng, anh hùng dân tộc… Đồng thời xây dựng kế hoạch bồi dưỡng về lịch sử, văn hóa pháp luật của các thủ nhang, thanh đồng, cung văn, thầy cúng và những người chuyên hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu nhằm phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, đẩy lùi mê tín dị đoan.
Phòng văn hóa - thông tin các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng; tuyên truyền những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng để nhân dân gìn giữ và phát huy. Công tác tuyên truyền phải đặc biệt chú trọng đến những người chuyên hoạt động thực hành tín ngưỡng; hướng dẫn các xã, phường, thị trấn triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản pháp luật liên quan…
Thanh tra Sở phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên và đột xuất trong các hoạt động tín ngưỡng gắn với việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Kịp thời ngăn ngừa, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: mê tín dị đoan, xâm hại đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; xây dựng trái phép nơi thờ tự, đốt đồ mã, đồ giấy, tiền vàng mã không đúng nơi quy định.
Giám sát kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Vừa qua, Đoàn giám sát Ban Văn hóa - xã hội, HĐND tỉnh Đồng Nai đã tiến hành giám sát kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
Đoàn Giám sát ghi nhận những kết quả đạt được và tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của địa phương, đồng thời đề nghị các địa phương tăng cường phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Đồng Nai để được hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đổng Nai có hơn 1.500 di tích phổ thông 57 di tích được xếp hạng (trong đó 02 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 29 cấp quốc gia và 26 di tích cấp tỉnh thuộc bốn loại hình: Lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ và danh lam thắng cảnh; 03 di tích di tích: Đình Thành Hưng, đình Bình Thiền, đình Hưng Phú (thành phố Biên Hòa) đang được lập hồ sơ xếp hạng cấp tỉnh; 01 di tích đưa ra khỏi danh mục kiểm kê.
Công tác kiểm kê di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh được tiến hành theo kế hoạch. Năm 2018, Ban Quản lý Di tích Đồng Nai (nay là Bảo tàng Đồng Nai) tiến hành kiểm kê, lập danh mục các di tích phổ thông tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt và di tích vùng đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn các huyện, thành phố nhằm xác định số lượng, đánh giá giá trị các di tích. Theo kết quả kiểm kê bước đầu, toàn tỉnh có 38 di tích phổ thông các dân tộc thiểu số, 19 di tích tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt.
Từ năm 2009 đến nay có 11 di tích được trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí 101 tỷ đồng (trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 09 di tích quốc gia và 01 di tích cấp tỉnh). Có 06 di tích đang được trùng tu, tôn tạo kinh phí hơn 306 tỷ đồng: Đền thờ Quốc Tổ Hùng vương, khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức, nhà hội Bình Trước, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (thành phố Biên Hòa), đền thờ Hùng Vương (huyện Tân Phú), địa đạo Suối Linh và Căn cứ Khu ủy miền Đông (huyện Vĩnh Cửu).
Lập hồ sơ xếp hạng nhiều di tích cấp tỉnh
Bảo tàng Đồng Nai cho biết, trong 6 tháng đầu năm, bảo tàng đã lập hồ sơ, xếp hạng nhiều di tích cấp tỉnh. Các di tích cụ thể: đình Bình Thiền, đình Hưng Phú, đình Thành Hưng (TP.Biên Hòa)…
Bên cạnh đó, Bảo tàng Đồng Nai đã điều tra, khảo sát và thu thập thông tin về các hiện vật trôi nổi và hiện vật của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Thực hiện phim giới thiệu di tích đình An Hòa (TP.Biên Hòa); tổ chức tập huấn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn H.Nhơn Trạch.
Ngoài ra, bảo tàng xuất bản sách giới thiệu di tích đình Xuân Lộc - chùa Xuân Hòa; thực hiện công tác kiểm kê hiện vật tại di tích đền thờ Hùng Vương, số hóa hồ sơ hiện vật di tích chùa Long Thiền… Các hoạt động bảo tồn, bảo tàng vì thế đã và đang góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di tích trên địa bàn tỉnh.