• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đông Nam Á trước viễn cảnh Chiến tranh lạnh 2.0

Thế giới 18/05/2018 14:47

(Tổ Quốc) - Xuất hiện một số yếu tố Chiến tranh lạnh nhưng chưa hẳn là Chiến tranh lạnh.

 Căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây tiếp tục tăng cao. Ngoại trưởng Nga Lavrov gần đây cho rằng quan hệ giữa hai bên còn xấu hơn thời kỳ Chiến tranh lạnh. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và nhiều nước khác càng dấy lên nghi ngờ về quan điểm đối với tự do thương mại, trật tự thế giới, cũng như về việc một số biện pháp bao vây, cô lập, kiểm chế kiểu Chiến tranh lạnh được làm sống lại.

Căng thẳng giữa các cường quốc thế giới vẫn tồn tại khiến nhiều người đặt câu hỏi phải chăng đang hiện hữu một thời kỳ Chiến tranh lạnh thứ hai (2.0)

Xuất hiện một số yếu tố Chiến tranh lạnh

Jakarta Post nêu lên bốn nội dung cần quan tâm.

Một cuộc chiến tranh lạnh thứ hai có thể bao gồm 4 cường quốc là Mỹ, Nga, Trung Quốc và EU - bên cạnh Mỹ còn có Anh và Nhật Bản - đang cạnh tranh ảnh hưởng khá quyết liệt. Một số dấu hiệu là, sự chuyển hướng của Nga sang châu Á và tăng cường liên kết với Trung Quốc, “chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ, “Chiến lược Hành động hướng Đông” của Ấn Độ và “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc.

 4 cường quốc là Mỹ, Nga, Trung Quốc và EU đang cạnh tranh ảnh hưởng khá quyết liệt.

Các hiện tượng nêu trên đều liên quan đến vòng cung Ấn-Thái như khu vực chủ đạo của Chiến tranh lạnh lần này. Dự báo châu Á - Thái Bình Dương là động lực kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21 là điều kiện hoàn hảo để Nga tìm kiếm cơ hội khôi phục kinh tế trong khi đang chịu cấm vận từ phía phương Tây. Mỹ đang tìm cách đẩy mạnh phản công thương mại từ khu vực và các cường quốc khác cố duy trì cơ hội với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nằm giữa nơi giao thoa lợi ích ở châu Á-Thái Bình Dương, ASEAN có thể hưởng lợi thông qua sự mở rộng và tối đa hóa năng lực của các cơ chế khu vực do ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Cấp cao Đông Á (EAS), nhưng cũng là một trong các tiêu điểm của cạnh tranh chiến lược nước lớn.

Cả hai cơ chế nêu trên đều có sự tham gia của các cường quốc thế giới. ARF tập trung vào cơ chế giải quyết tranh chấp khu vực (tuy vẫn chưa đạt đến mức độ đó) trong khi EAS hướng đến xây dựng một cộng đồng hòa bình và hợp tác (tuy vẫn là nguyện vọng). Mặc dù năng lực còn hạn chế, song hai cơ chế này đều có những đặc tính riêng và không mang tính ngăn chặn. Đặc tính này giúp thúc đẩy vai trò của ASEAN với tư cách là “trung gian thực tâm” nhằm lái các quan điểm của các cường quốc thế giới theo hướng hợp tác hơn là mâu thuẫn. Nhưng điều này đòi hỏi một vai trò trung tâm của ASEAN đủ mạnh để đảm đương vai trò dẫn dắt. Các thành viên ASEAN cũng cần điều chỉnh hợp tác nhiều hơn với các nước khác, tránh bị lôi kéo vào vùng ảnh hưởng của bất kỳ quốc gia nào. Theo đó, ASEAN có thể hài hòa khác biệt giữa các nước tham gia vào hai cơ chế và duy trì tinh thần hợp tác. Theo Nick Bisley viết tờ La Trobe Asia, “cần sự gắn kết lớn hơn, khéo léo về ngoại giao và sự (tái khẳng định) công nhận ASEAN đứng ở trung tâm các cơ chế khu vực”.

Năm mươi năm tới là giai đoạn để ASEAN định hình chính mình từ một tổ chức khu vực tập trung vào ngăn ngừa mâu thuẫn khu vực thành một hiệp hội khu vực đáng tin cậy trong ngăn chặn mâu thuẫn toàn cầu. ASEAN không có lợi gì trong một cuộc Chiến tranh lạnh, mà chỉ hưởng lợi trong một thế giới không Chiến tranh lạnh. Thực tế, cơ chế khu vực càng mạnh đòi hỏi trách nhiệm càng cao đối với ASEAN.

 Năm mươi năm tới là giai đoạn để ASEAN định hình chính mình.

Cơ chế tự điều chỉnh

Sau Chiến tranh thế giới thứ II, thương mại toàn cầu nhanh chóng mở rộng, theo sau các cuộc đàm phán Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) năm 1947. Nhưng từ năm 1995, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tổ chức kế thừa GATT, phải đối mặt với những thách thức khắc nghiệt. Vòng đàm phán Doha, bắt đầu từ năm 2001 dưới sự bảo trợ của WTO, không đạt được kết quả mong muốn. Nhiều nước thúc đẩy tìm kiếm các giải pháp thay thế, bao gồm các hiệp định thương mại tự do song phương (FTA), các hiệp định khu vực đa phương, và gần đây hơn là cái gọi là siêu FTA kết nối các nước thuộc nhiều khu vực. Ba siêu FTA nổi lên gần đây là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và EU.

Trung Quốc trỗi dậy, vừa là động lực vừa là tác nhân của quá trình địa-chính trị/kinh tế toàn cầu. Mỹ đã rút khỏi TPP, nhưng hiện có ý định theo đuổi các FTA song phương và triển khai quyết liệt nhiều biện pháp thương mại đơn phương. Trong khi đó, Trung Quốc đang thúc đẩy Sáng kiến BRI và Ngân hàng Phát triển Hạ tầng châu Á (AIIB). Liệu Trung Quốc và Mỹ hiện đang bất hòa với nhau có đẩy thế giới tới bờ vực chiến tranh? Hy vọng là không!

Cái hiện tượng chiến tranh lạnh tác động đến Đông Nam Á thế nào, đó là vấn đề các nước khu vực phải tiếp tục định lượng.

Ta cứ nên bình tĩnh quan sát đồng thời giữ vững tính độc lập của khu vực. Dù có một số xáo trộn, bản thân mỗi quốc gia sẽ tự điều chỉnh. Việc Malaysia dưới chính quyền Najib Nazak quá “thân Trung” trong 2 năm vừa rồi là một trong các nguyên nhân bị phe đối lập “khai thác” và bị đánh bại tuyệt đối trong cuộc Tổng tuyển cử hôm 9/5/2018, là một dẫn chứng cho thấy, các nước lớn sẽ cạnh tranh quyết liệt nhưng không dễ dẫn tới thiết lập sự khống chế của nước lớn này hoặc nước lớn khác ở nước này hay nước khác của Đông Nam Á./.

 

Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ