(Tổ Quốc) - Đồng Tháp tập trung công tác tuyên truyền phòng, ngừa tai nạn thương tích trẻ em; Hội nghị chia sẻ thông tin và tham vấn báo chí về công tác truyền thông trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em; Không tổ chức các hoạt động hè năm 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là tin gia đình tiểu biểu tại các tỉnh Nam Bộ mới đây.
- 05.05.2020 Đồng Tháp Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
- 21.11.2019 Hội thi Gia đình tiêu biểu tỉnh Đồng Tháp
- 13.11.2019 Hội thi gia đình tiêu biểu tỉnh Đồng Tháp năm 2019
- 04.11.2019 Triển khai "Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới" tại Đồng Tháp
- 09.07.2019 Đồng Tháp hơn 92% gia đình đạt chuẩn Gia đình văn hóa
Đồng Tháp tập trung công tác tuyên truyền phòng, ngừa tai nạn thương tích trẻ em
Nguồn tin trên báo Đồng Tháp cho biết, để tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em (TNTT TE), từ năm 2016 đến nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đồng Tháp nhân bản 450 đĩa truyền thông về phòng, chống TNTT, đuối nước, tiêu chí Ngôi nhà an toàn cho TE và phòng, chống xâm hại tình dục TE gửi Đài truyền thanh huyện, xã phát hơn 415.296 lượt; truyền thông, tư vấn trực tiếp cho 17.987 hộ gia đình và tổ chức 198 buổi sinh hoạt chuyên đề phòng, chống TNTT TE. Đồng thời tổ chức lớp tập huấn về phòng, chống TNTT TE cho 97 nhân viên y tế khóm, ấp; 3 lớp tập huấn kỹ năng truyền thông tại các xã điểm thực hiện mô hình Ngôi nhà an toàn. Nhằm nâng cao ý thức bảo vệ sự an toàn của TE, Sở LĐ-TB&XH còn triển khai thực hiện mô hình Ngôi nhà an toàn. Đến nay, toàn tỉnh có 120 xã điểm được chọn thực hiện mô hình, có 161.970/385.428 hộ được công nhận đạt chuẩn Ngôi nhà an toàn, chiếm 42%. Qua đó, góp phần tạo môi trường sống an toàn cho TE, hạn chế TNTT TE.
Ngành giáo dục và đào tạo đã triển khai mô hình "Trường học an toàn, nhà trẻ mẫu giáo an toàn". Theo đó, các trường đều có hàng rào, cổng trường chắc chắn, đóng - mở cửa theo quy định; lối đi ra ao, hồ, hố sâu có rào chắn và treo các khẩu hiệu, tranh ảnh về phòng tránh TNTT và đuối nước TE. Các đơn vị trường lồng ghép, hướng dẫn các kỹ năng bơi, kỹ năng phòng tránh các nguy cơ đuối nước cho TE vào các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp,... Bên cạnh, ngành giáo dục và đào tạo còn phối hợp Tỉnh đoàn phát động phong trào phổ cập bơi trong kỳ nghỉ hè với nhiều mô hình hồ bơi cạn được các đoàn viên địa phương thiết kế và tổ chức các lớp bơi có hiệu quả, góp phần phòng, chống TNTT, đặc biệt giảm tai nạn đuối nước TE.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp duy trì, triển khai Chương trình phổ cập bơi cho TE từ 7-15 tuổi. Kết quả, từ năm 2016-2019, toàn tỉnh đã tổ chức 3.896 lớp dạy bơi, có 112.655 TE tham gia, trong đó có 98.863 em biết bơi, đạt 87,75%. Năm 2020, tỉnh dự kiến mở 1.040 lớp dạy bơi TE, mục tiêu dạy cho 26.000 TE biết bơi. Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tổ chức 4 hội thi bơi lội, cứu đuối cấp tỉnh, 35 hội thi bơi cấp huyện, có hơn 5.400 lượt TE tham gia thi đấu; tổ chức 3 lớp tập huấn hướng dẫn viên bơi lội cấp tỉnh, có 376 lượt học viên tham dự...
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cùng các cơ sở Hội thường xuyên lồng ghép triển khai nội dung hoạt động phòng, chống TNTT TE đến các cấp Hội, góp phần nâng cao nhận thức của phụ nữ và các thành viên trong gia đình về trách nhiệm, bảo vệ, chăm sóc TE. Nhân Tháng hành động vì TE hàng năm, các cấp Hội đã lồng ghép tuyên truyền các nội dung phòng, chống xâm hại, bạo lực đối với TE, phòng ngừa TNTT TE... Phòng ngừa tai nạn giao thông, tai nạn đuối nước ở TE, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã vận động 162.318 hội viên, phụ nữ sử dụng mũ bảo hiểm cho TE khi tham gia giao thông bằng xe máy và sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy...
Tập trung công tác truyền thông về phòng, chống TNTT TE, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, cộng tác viên làm công tác TE cấp xã, khóm, ấp; duy trì và nhân rộng các mô hình, dự án như: Ngôi nhà an toàn, Cộng đồng an toàn, Trường học an toàn, Nhà trẻ mẫu giáo an toàn, Chương trình phổ cập bơi phòng, chống đuối nước TE... Qua đó, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng trong việc phòng, ngừa, giảm tỷ lệ TNTT và đuối nước ở TE.
Hội nghị chia sẻ thông tin và tham vấn báo chí về công tác truyền thông trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin, ngày 22/6, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở LĐTB-XH TP và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF) tổ chức hội nghị chia sẻ thông tin và tham vấn báo chí về công tác truyền thông trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em.
Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc Trẻ em - Bình đẳng giới, Sở LĐTB-XH TP nhận xét, chúng ta đang làm ngược, mới đi vào giải quyết hậu quả các vụ trẻ em bị xâm hại. Đáng lẽ việc can thiệp, hỗ trợ trẻ em cần được làm sớm để phòng ngừa, giúp trẻ em không bị xâm hại, xâm hại tình dục. Thực tế, công tác can thiệp, hỗ trợ lại là làm sau, khi trẻ đã bị xâm hại. Bà Trần Thị Kim Thanh cho rằng, cùng với giải quyết hậu quả, cần thúc đẩy các hoạt động can thiệp, hỗ trợ từ sớm cho trẻ em.
Để cụ thể hóa trách nhiệm và rút ngắn thời gian xử lý các vụ việc, UBND TP đã ban hành Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn TP.
Trong đó, quy định rõ trong vòng 2 giờ kể từ thời điểm nhận thông tin vụ việc, người làm công tác bảo vệ trẻ em phường, xã, thị trấn phải báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý tính xác thực của thông tin cho Chủ tịch UBND và Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em phường, xã, thị trấn; đồng thời báo cáo nhanh về Thường trực Ban Điều hành Bảo vệ chăm sóc trẻ em quận, huyện (Phòng LĐTB-XH quận, huyện) để phối hợp và triển khai các biện pháp hỗ trợ, can thiệp theo quy định.
Trong vòng 8 giờ kể từ thời điểm nhận thông báo và hồ sơ của bệnh viện, cơ sở y tế, Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có thẩm quyền gửi kiến nghị khởi tố bằng văn bản kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan đến cơ quan cảnh sát điều tra công an quận, huyện để xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn cho trẻ em trong các cơ sở bảo trợ xã hội, Sở LĐTB-XH TP vừa có hướng dẫn thực hiện kiểm soát nội bộ trong phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em tại các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn TP. Theo đó, quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở bảo trợ xã hội không ở một mình với trẻ em mà không có người giám sát và chưa được sự chấp thuận của người quản lý trực tiếp hoặc lãnh đạo cơ sở; không kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em…
TPHCM có hơn 2 triệu trẻ em (trong tổng số gần 13 triệu người). Trong gần 11.400 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, có 2.400 trẻ em được chăm sóc tại các cơ sở xã hội và 9.000 trẻ đang ở cộng đồng. Bà Mai Thị Ngọc Mai, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cho biết, TPHCM quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Song, với một đô thị có quy mô dân số lớn, TPHCM cũng đang đối diện với nhiều thách thức về: trẻ em lang thang xin ăn, trẻ em có nguy cơ lao động sớm, trẻ em bị xâm hại, bị ngược đãi, trẻ em vi phạm pháp luật, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng…
Không tổ chức các hoạt động hè năm 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Ngày 23-6-2020, Trưởng ban Ban Chỉ đạo hè tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản số 111/UBND-BCĐH. Theo đó, Trưởng ban Ban Chỉ đạo hè tỉnh quyết định không tổ chức các hoạt động hè trên địa bàn tỉnh năm 2020.
Do thời gian qua, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực để khắc phục, hỗ trợ người dân trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra; đẩy mạnh các hoạt động phục hồi kinh tế và tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trước tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Đồng thời trong thời gian hè năm 2020, công chức, viên chức, học sinh ngành giáo dục và đào tạo tập trung hoàn thành chương trình năm học 2019-2020, hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp học của năm học 2020-2021 theo Quyết định số 1610/QĐ-UBND ngày 20/5/2020 của UBND tỉnh và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 trên địa bàn tỉnh vào ngày 09, 10/8/2020. Mặt khác, theo Quyết định sửa đổi Kế hoạch thời gian năm học của UBND tỉnh thì thời gian hè năm 2020 còn khoảng 1 tháng, trong thời gian này các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, phụ huynh và học sinh trên địa bàn tỉnh tập trung chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới 2020-2021.