(Tổ Quốc)-Trải qua 20 năm độc lập, nước Đông Nam Á này vẫn vấp phải nhiều khó khăn và chưa được ASEAN chào đón.
Ngày 30/8/2019, Đông Timor kỷ niệm 20 năm ngày người dân bỏ phiếu tách khỏi Indonesia để trở thành một quốc gia độc lập. Năm 2011, quốc gia Đông Nam Á non trẻ đệ đơn gia nhập ASEAN. Ngày 4-6/9 vừa rồi, ASEAN cử một phái đoàn quan chức cao cấp tới khảo sát năng lực của Đông Timor trở thành thành viên của ASEAN.
Đông Timor không phải là quốc gia nhỏ nhất Đông Nam Á. Với diện tích 14.847 km2, dân số 1,167.242 người, nước này vẫn lớn hơn Brunei (72,11 km2, 411.900 người). Nhưng về tiềm lực kinh tế, vẫn là nước một nghèo hai khó nhất Đông Nam Á.
Ở thời điểm này, Đông Timor đang trải qua bế tắc chính trị, khi Tổng thống Francisco Guterres không chấp nhận 9 bộ trưởng đang bị điều tra tội danh tham nhũng, thành ra khó khăn trong thực thi ngân sách năm 2019 và trình duyệt ngân sách năm 2020.
Mắc kẹt tiền bạc Bắc Kinh
Tại lễ kỷ niệm sự kiện trưng cầu dân ý năm 1999, quan khách nước ngoài nổi bật nhất là Thủ tướng Úc Scott Morrison. Úc - nước láng giềng cách bờ biện Đông Timor 500 km, tìm cách tranh thủ nhưng tỏ ra khó địch lại ảnh hưởng Trung Quốc với các chương trình Vành đai và Con đường (BRI) xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như các khoản vay tín dụng cho các dự án khai thác dầu khí và viện trợ ngân sách. Tiền bạc Trung Quốc đã kéo Đông Timor gần hơn bao giờ hết vào quỹ đạo của Bắc Kinh, nhưng lại đẩy quốc gia này ngày càng xa tư cách thành viên ASEAN.
Người dân Đông Timor kiếm sống tại phiên chợ nhỏ.
Giới lãnh đạo Đông Timor bác bỏ ý kiến cho rằng nước này chịu ảnh hưởng tiền bạc của Trung Quốc, nhưng cũng khó che dấu được hai khoản vay khổng lồ: 16 tỷ USD cho Công ty dầu khí quốc gia Đông Timor vay để phát triển các dự án dầu khí ngoài khơi và 50 tỷ USD để phát triển mỏ dầu khí Greater Sunrise nằm trên Biển Timor cách nước này 150 km, cách Darwin 450 km.
Hiệp ước phân định lãnh hải giữa Đông Timor và Úc được ký kết tháng 3/2018 đã tạo điều kiện Đông Timor làm chủ hoàn toàn tài nguyên Biển Timor. Hiệp ước quy định việc phân chia sản phẩm tại Greater Sunrise theo tỷ lệ 80/20 nếu khí đốt khai thác chuyển về Úc hoặc 70/30 nếu chuyển về Đông Timor. Cho đến nay các tập đoàn dầu khí Royal Duch Shell và ConocoPhilips đã rút khỏi đấu thầu vì các nhà thầu Trung Quốc không thể không "nuốt" các dự án nằm ở vị trí địa chiến lược quan trọng tại biển Nam Thái Bình Dương.
Ngay từ những ngày đầu nước Đông Nam Á này độc lập, Trung Quốc đã "xây tặng" dinh tổng thống, trụ sở quốc hội, bộ quốc phòng… Tiền bạc Trung Quốc có thể giữ cho Đông Timor tồn tại ngoài ASEAN.
ASEAN không thống nhất việc kết nạp Đông Timor
Kết nạp một thành viên mới phải được tất cả thành viên ASEAN tán thành theo nguyên tắc đồng thuận.
Năm 2002, Đông Timor được chấp nhận làm quan sát viên ASEAN và tham gia diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Cùng năm, Indonesia ủng hộ Đông Timor gia nhập ASEAN. Tháng 12/2007, Tổng thống José Ramos-Horta tuyên bố, gia nhập ASEAN là ưu tiên hàng đầu của Đông Timor, hy vọng được kết nạp năm 2012. Năm 2009, Thủ tướng Thái Lan tuyên bố ủng hộ Đông Timor gia nhập ASEAN vào năm 2012. Tổng thống Philippines ủng hộ gia nhập vào tháng 6/2013. Năm 2015, Đông Timor đã đáp ứng điều kiện có cơ quan đại diện tại thủ đô 10 nước thành viên ASEAN. Năm 2017, Philippines – đồng minh gần gũi của Đông Timor – làm Chủ tịch ASEAN, có điều kiện để thúc đẩy việc kết nạp Đông Timor, nhưng Singapore nêu rõ nước ấy thiếu nguồn nhân lực. Trong khi Indonesia, Thái Lan, Campuchia, cùng với Philippines, ủng hộ kết nạp Đông Timor, 6 nước thành viên khác không tán thành. Năm 2019, khi Thái Lan làm chủ tịch ASEAN, một cơ hội nữa bị bỏ lỡ.
Trong khi chuyến thăm của phái đoàn khảo sát ASEAN tại Đông Timor là một động thái quan trọng, kết quả cũng chưa có gì chắc chắn. Đa số các nước thành viên chưa tán thành đều cho rằng Đông Timor chưa đủ năng lực để tham gia ASEAN. ASEAN 2020 khác với ASEAN 1995, khi Việt Nam gia nhập tổ chức này.
TNS Úc Rex Patric tham quan một điểm tập kết các phương tiện cơ giới Trung Quốc sẵn sàng nuốt chửng các dự án cơ sở hạ tầng của nước Đông Timor nhỏ bé.
Mặc dù bày tỏ thiết tha gia nhập ASEAN, sự trì hoãn hết lần này đến lần khác cũng làm cho Đông Timor thất vọng. Ngoại trưởng nước này Soares gần đây nói với truyền thông rằng, nếu ASEAN tiếp tục trì hoãn, tiếp tục khước từ, "Đông Timor có thể sẽ xem xét lại chủ trương xin gia nhập ASEAN".
Dường như Đông Timor càng xích lại gần Trung Quốc, ASEAN càng xa rời Đông Timor. Vào lúc các quan hệ nước lớn liên quan ASEAN có nhiều bất trắc, tạo ra nhiều điều không chắc chắn, tổ chức khu vực này chưa muốn có thêm một nhân tố không chắc chắn tác động vào nội bộ của mình./.