(Tổ Quốc) - Thủ tướng Boris Johnson dự kiến sẽ gửi tới Brussels đề nghị cuối cùng liên quan tới việc Anh rời EU.
Trang Financial Times đăng tải, hôm nay (2/10), Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ đưa ra "đề nghị cuối cùng" với Brussels nhằm chấm dứt thế bế tắc Brexits. Phát biểu trong một hội nghị của Đảng Bảo thủ, ông Johnson đã khẳng định, kế hoạch của ông là "sự thương lượng vừa phải" và đem tới cơ hội cuối cùng giúp tránh khỏi kịch bản Anh rời EU mà không đạt được một thỏa thuận nào.
Những người ủng hộ Thủ tướng Anh tuyên bố, đề xuất mới – sẽ được gửi tới Brussels vào chiều ngày 2/10, đã được cải biến "đáng kể" trong vòng 24 giờ qua, và nếu EU từ chối nó, nước Anh sẽ chấm dứt đàm phán và chuẩn bị cho một Brexit không thỏa thuận.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đang chạy đua với thời gian để hoàn tất Brexit (ảnh: FT, Reuters)
Vào tối ngày 1/10, viễn cảnh thỏa thuận chịu ảnh hưởng nặng nề sau khi giới chức Anh cáo buộc Dublin để lộ kế hoạch. "Họ đang cố gắng tạo ra một bầu không khí độc hại", một quan chức nói trong khi Dublin từ chối việc làm lộ thông tin.
Nước Anh giờ đây đang chuẩn bị để gia hạn các quy định EU đối với hàng hóa công nghiệp tại Bắc Ai-len, nhằm tạo điều kiện cho trao đổi thương mại qua biên giới với Cộng hòa Ai-len. Một trong những ưu tiên trong kế hoạch hiện tại của ông Johnson là thiết lập một khu vực đơn nhất toàn Ai-len cho kiểm dịch động vật và thực phẩm.
Tuy nhiên, các đề xuất trên lại không nhắc tới việc giải quyết vấn đề chủ chốt của kiểm soát hải quan. Theo Financial Times, Thủ tướng Anh hiện đang tự đưa mình vào thế xung đột với EU khi khăng khăng rằng, Bắc Ai-len nhất định phải rời khỏi liên minh hải quan với EU.
Một nhà ngoại giao EU giấu tên cho hay: "Có một khoảng cách lớn giữa những gì ông Johnson nói và những gì chúng tôi có thể chấp nhận. Nhưng các đề nghị sẽ không bị bỏ qua. Vẫn còn 10 ngày để nỗ lực thu hẹp khoảng cách".
Trong những chi tiết được đăng tải trên tờ Telegraph, đảo quốc Anh đặt mục tiêu đạt được một thỏa thuận thương mại tự do với EU vào năm 2021. Tuy nhiên, Bắc Ai-len sẽ tuân theo các quy định của EU dành cho nông sản và hàng hóa công nghiệp trong vòng 4 năm.
Chính phủ hoặc là sẽ đàm phán một thỏa thuận mới hoặc là chuẩn bị không có thỏa thuận nào – không ai muốn trì hoãn. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để tôn trọng cuộc bỏ phiếu dân chủ lớn nhất trong lịch sử nước Anh.
Sau 4 năm, chính quyền Bắc Ai-len sẽ quyết định có tiếp tục tuân theo quy định EU nữa hay không – để giảm bớt thủ tục tại biên giới Ai-len, hoặc chuyển sang các quy định của Anh -giúp thu hẹp yêu cầu kiểm tra tại Biển Ai-len.
Với kế hoạch "bốn năm, hai biên giới", hàng hóa xuất khẩu từ Bắc Ai-len sẽ phải trải qua kiểm soát hải quan khi tiến vào Cộng hòa Ai-len; còn hàng hóa tiến vào đảo quốc Anh sẽ phải kiểm tra để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn của EU.
Ông Jonathan Powell, cựu Chánh văn phòng dưới thời Thủ tướng Tony Blair, đồng thời là một trong những "kiến trúc sư" của Hiệp định hòa bình Thứ 6 tốt lành nhận xét: "Nó giống như một thứ gì đó được đưa ra bởi một người không thực sự muốn đạt được thỏa thuận".
Đội ngũ của Thủ tướng Johnson thừa nhận, bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải dựa trên sự ủng hộ của chính phủ Ai-len. Việc London tố cáo Dublin đã cố tình tiết lộ thỏa thuận cho thấy, đề xuất sẽ không dễ dàng trở thành sự thực. Trước đó, nhiều dấu hiệu cũng đã chỉ ra, các đề xuất của ông Johnson – trong đó, nhắc lại các ý tưởng quen thuộc là sử dụng công nghệ, giám sát và có chế thương mại dựa trên lòng tin…, để tránh phải thành lập một biên giới thực sự với Ai-len, sẽ vấp phải thái độ "thờ ơ" từ cả Brussels và Dublin.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với kênh BBC, ông Johnson nhấn mạnh, sẽ không có một biên giới cứng với Ai-len. "Chúng tôi nghĩ các quy trình kiểm tra có thể được tối thiểu hóa, không phiền nhiễu và không đòi hỏi hạ tầng cơ sở mới", ông nói.
Trang Financial Times dự đoán, Thủ tướng Anh sẽ nói với đảng của mình rằng, công chúng đang bắt đầu cảm thấy bị đối xử như những "kẻ ngốc" từ chính những chính trị gia đang tìm cách giải quyết khủng hoảng Brexit. "Nếu hiềm nghi này là đúng, tôi tin tưởng sẽ có những hậu quả khủng khiếp đối với niềm tin vào dân chủ", ông Johnson cảnh báo.
Trong khi đó, một quan chức chính phủ cấp cao chỉ ra: "Chính phủ hoặc là sẽ đàm phán một thỏa thuận mới hoặc là chuẩn bị không có thỏa thuận nào – không ai muốn trì hoãn. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để tôn trọng cuộc bỏ phiếu dân chủ lớn nhất trong lịch sử nước Anh".
Thủ tướng Johnson cũng từng hơn một lần khẳng định, ông sẽ không tuân theo quy định ép phải tìm kiếm gia hạn Brexit nếu không đạt được thỏa thuận.
"EU phải chấp hành luật lệ của EU là chỉ thương lượng với chính phủ các nước thành viên, họ không thể thương lượng với Quốc hội và chính phủ này không chấp nhận trì hoãn", quan chức trên nhấn mạnh.
Trong khi đó, EU cho rằng những "sắp xếp thay thế" của Anh nhằm kiểm soát hải quan biên giới là dựa trên các công nghệ không tồn tại hoặc chưa từng được thử qua. Họ không muốn đồng ý một thỏa thuận với Anh cho tới khi nhận được một đảm bảo đáng tin cậy chống lại một biên giới cứng tại Ai-len.
Theo ông Mark Francois, Phó chủ tịch Nhóm nghiên cứu châu Âu của các nghị sỹ Đảng Bảo thủ Anh, ông có thể ủng hộ một thỏa thuận "thực hiện Brexit một cách chân thực". "Chúng tôi đang hướng tới bất kỳ thỏa thuận nào mà Thủ tướng đem lại – chúng tôi muốn được tham gia", ông Francois nói.