• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đột phá Syria từ Sochi: Le lói bất ổn từ xung đột?

Thế giới 31/01/2018 10:07

(Tổ Quốc) - Một hội nghị hòa bình Syria đã kết thúc ngày 30/1 với một kế hoạch soạn thảo hiến pháp mới trong nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 7 năm tại nước này.  

Theo AP, Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria, được tổ chức tại một khu nghỉ mát ven Biển Đen tại Sochi, đã phần nào bị lu mờ khi các nhóm đối lập chính tẩy chay sự kiện này, trong khi xung đột tại miền bắc Syria vẫn diễn ra khốc liệt.

Nga và LHQ tin tưởng kết quả tốt đẹp

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 30/1 cho biết, Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria là một bước quan trọng hướng tới hoà bình ở Syria và hướng tới giảm thiểu sự tẩy chay của phe đối lập.

Ông nói với các phóng viên sau hội nghị: "Không ai nghĩ rằng sẽ có thể đưa được đầy đủ đại diện của tất cả các nhóm tại Syria đến tham dự".

Alexander Lavrentyev, đặc phái viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin về Syria, cho biết 1.393 đại biểu đã tham dự Đại hội. Ông nói rằng sự kiện lần này tại Sochi là nhằm mục đích giúp khôi phục lại các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc hậu thuẫn tại Geneva.

Nhóm đối lập chính - Ủy ban Đàm phán Cấp cao HNC do Saudi Arabia bảo trợ, đã không xuất hiện tại Đại hội Sochi.

Ông Lavrov cho biết các đại biểu tham dự hội nghị đã đồng ý thành lập một ủy ban hiến pháp có trụ sở tại Geneva. Ông nói rằng các đại biểu cũng đưa ra đề xuất về một số thành viên của ủy ban và các nhóm không có mặt tại hòa đàm Sochi lần này sẽ nhận được đề xuất cử đại diện tham gia.

Một tuyên bố sau hội  nghị cũng cho biết thỏa thuận cuối cùng về các tiêu chí lựa chọn thành viên, quyền hạn của ủy ban hiến pháp và các quy tắc về thủ tục tố tụng sẽ được đưa ra tại Geneva dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc LHQ.

Ông De Mistura phát biểu tại Đại hội. (Nguồn: AFP)

Staffan de Mistura, đặc phái viên LHQ về Syria, nói rằng ông sẽ nhanh chóng lên kế hoạch và chuẩn bị cho tiến trình soạn thảo hiến pháp mới tại Geneva vì "Syria không thể chờ đợi".

"Tất cả người Syria đều tìm kiếm một môi trường an toàn, bình ổn và trung lập để xây dựng dự thảo hiến pháp", ông nói trong một tuyên bố. "Tất cả người Syria cần có một lệnh ngừng bắn kéo dài, tiếp cận nhân đạo đầy đủ và những người bị giam giữ, bắt cóc và những người bị mất tích sẽ được phóng thích".

Ông De Mistura nói rằng, ông tin tưởng các cuộc đối thoại về việc xây dựng một hiến pháp mới có thể đạt được kết quả vì các quốc gia có ảnh hưởng đối với chính phủ và phe đối lập Syria dường như đều quyết tâm sẽ tham gia.

Các cuộc đàm phán ở Geneva, bắt đầu từ cách đây 4 năm, đã không đạt được nhiều tiến bộ. Yêu cầu của phe đối lập rằng Tổng thống Bashar Assad không đóng vai trò gì trong quá trình chuyển đổi chính trị trong tương lai tại Syria là điều mâu thuẫn chính.

Còn hòa đàm Sochi, không tập trung vào số phận của ông Assad, mà nhằm vào thảo luận về cải cách hiến pháp và các cuộc bầu cử trong tương lai.

De Mistura nói rằng ông sẽ đưa ra các tiêu chí cho người tham gia và chọn tối đa 45-50 thành viên cho ủy ban. Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ mỗi bên đề xuất 50 cái tên, nhưng ông De Mistura cho  hay, chắc chắn sẽ có sự tham gia rất đông từ các phe đối lập.

Ông từ chối nêu ra khung thời gian cụ thể cho tiến trình trên. Ông De Mistura cho biết thỏa thuận tại Sochi lần này sẽ hỗ trợ cho việc "thực hiện đầy đủ" nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ thông qua việc vạch ra lộ trình - được các cường quốc lớn tại Geneva thông qua vào năm 2012 - kêu gọi thành lập một chính phủ chuyển tiếp tại Syria có quyền hạn đầy đủ để mở đường cho xây dựng hiến pháp và tổ chức bầu cử mới.

Xung đột bùng lên khốc liệt

Cũng đang có các cuộc thảo luận riêng biệt được tổ chức tại Kazakhstan – cũng do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ, tập trung vào việc thực thi các lệnh ngừng bắn tại Syria.

Cuộc nội chiến ở Syria hiện chưa có dấu hiệu kết thúc, bất chấp việc nhóm Nhà nước Hồi giáo IS đã bị trục xuất khỏi phần lớn các khu vực tại Syria và lực lượng của ông Assad đã giành được một số thắng lợi lớn trên thực địa.

Các nhà hoạt động đối lập thông tin rằng vẫn đang có nhiều cuộc không kích nhằm vào khu vực do người nổi dậy nắm giữ tại Idlib, trong khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục tấn công khu vực Afrin do người Kurd kiểm soát – lực lượng cũng đã tẩy chay các cuộc đối thoại do Nga bảo trợ.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh đang mở rộng mặt trận tiến vào khu vực Afrin - do lực lượng dân quân người Kurd của Syria YPG kiểm soát. Thổ Nhĩ Kỳ xem YPG là đồng minh của nhóm ly khai người Kurd PKK– đã tiến hành nổi dậy tại nước này hàng thập kỉ nay.

Trước đó, liên minh do Mỹ dẫn đầu đã bắt tay với YPG để chống lại IS và hiện tại, YPG và các lực lượng liên minh đã kiểm soát khoảng 25% lãnh thổ của Syria. YPG từ chối tham dự hội nghị Sochi, nói rằng Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công của Ankara.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ