(Tổ Quốc) - Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tìm cách thể hiện sự thống nhất về lập trường liên quan tới vấn đề Ukraine tại Nhà Trắng hôm thứ Hai.
Tuy nhiên, một vấn đề mấu chốt dường như vẫn còn bất đồng giữa hai bên là tương lai của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga tới Đức.
Phát biểu tại Nhà Trắng và trong một cuộc phỏng vấn trên kênh CNN, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cho thấy sự khác biệt giữa ông và người đồng cấp Mỹ về dự án dầu khí quy mô lớn này.
Trong một cuộc họp báo sau khi gặp nhà lãnh đạo Mỹ tại Phòng Bầu dục, ông Biden đã nói rõ rằng dự án này sẽ bị dừng lại nếu Nga tấn công Ukraine. Đó là lập trường mà ông Biden và các quan chức Mỹ đã công khai trong nhiều tuần và là điểm chính trong cuộc thảo luận với tân chính phủ Đức do ông Scholz dẫn đầu, theo các quan chức chính quyền Mỹ cấp cao.
Tuy nhiên, bản thân ông Scholz không đưa ra cam kết dừng đường ống này nếu Nga tấn công Ukraine. Và lập trường này cũng gây khó khăn cho bộ trưởng ngoại giao Đức trong chuyến thăm tới Kiev. Trong cuộc phỏng vấn với CNN, ông Scholz lặp lại tuyên bố sẽ tiếp tục sát cánh với Mỹ nhưng một lần nữa không làm rõ ý định của ông đối với dự án Nord Stream 2.
Ông Scholz nói: "Chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các bước đi cùng nhau. Như Tổng thống Mỹ đã nói, chúng tôi đang chuẩn bị cho điều đó. Hoàn toàn chắc chắn rằng Đức sẽ cùng hành động với tất cả các đồng minh của mình và đặc biệt là Mỹ, chúng tôi sẽ thực hiện các hành động giống nhau".
Ukraine tức giận về Nord Stream 2
Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, đưa khí đốt tự nhiên của Nga đi xuyên biển Baltic đến Đức và không cần đi qua Ukraine, đang khiến ông Scholz rơi vào thế khó khăn khi muốn cứng rắn với Moscow. Đức phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga nên họ khó có thể áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow do lo ngại Nga có thể dừng cấp dầu khí trong những tháng mùa đông lạnh giá.
Mỹ lâu nay luôn phản đối dự án này và đã tuyên bố rõ ràng rằng đường ống Nord Stream 2 sẽ không thể tiếp tục nếu ông Putin quyết định tấn công Ukraine.
"Nếu Nga tấn công, đưa xe tăng hoặc quân đội vượt qua biên giới tới Ukraine, thì sẽ không còn Nord Stream 2 nữa", ông Biden nói hôm thứ Hai.
Không chỉ ở Mỹ mà ngay cả ở Ukraine, cũng đang có nhiều sự tranh luận về những gì Đức sẽ làm về dự án đường ống dẫn khí đốt này. Kiev từ lâu luôn phản đối dự án Nord Stream 2 vì họ sẽ mất đi nguồn phí quá cảnh thu được từ khí đốt Nga đi qua nước này để đến châu Âu.
Một cuộc họp được lên kế hoạch vào thứ Hai giữa Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bị hủy đột ngột, được thông báo chính thức là do lỗi lịch trình.
Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận với chính phủ Ukraine nói rằng cuộc họp không diễn ra vì sự miễn cưỡng của Đức trong hành động về Nord Stream 2. Nguồn tin này cũng trích dẫn việc Đức từ chối hỗ trợ vũ khí sát thương cho Ukraine cũng là một lý do khiến cuộc họp bị hủy bỏ.
Không cản trở lòng tin giữa hai đồng minh
Dù vẫn chưa công khai nhận được sự ủng hộ của Berlin về vấn đề Ukraine, Mỹ và Đức vẫn là hai đồng minh quan trọng và nhận được sự tin tưởng lẫn nhau đối với nhiều vấn đề. Ông Biden nói: "Ông Scholz có sự tin tưởng hoàn toàn của Mỹ. Đức là một trong những đồng minh quan trọng nhất của chúng tôi trên thế giới. Không có nghi ngờ gì về quan hệ đối tác của Đức và Mỹ".
Ông Biden cũng nói rõ rằng ông tin vấn đề Nord Stream 2 sẽ không cản trở việc cải thiện mối quan hệ với Đức và ông cũng hiểu tình hình chính trị tế nhị mà Scholz đang phải đối mặt về dự án này, hiện chưa đi vào hoạt động do đang được đánh giá về tác động môi trường.
Ông Scholz, lên kế nhiệm bà Merkel từ tháng 12 năm ngoái, đang có một tình huống khó xử khi một cựu quan chức trong đảng ông có mối quan hệ chặt chẽ với ngành công nghiệp năng lượng Nga. Gerhard Schroeder, chính trị gia Đảng Dân chủ Xã hội từng giữ chức vụ thủ tướng Đức, nằm trong ban giám đốc của Nord Stream 2. Và tuần trước, tập đoàn khí đốt nhà nước Nga Gazprom cũng thông báo Schroeder đã được đề cử vào hội đồng quản trị tập đoàn.
Tuy nhiên, ấn tượng rằng Đức không muốn, hoặc do phụ thuộc năng lượng vào Nga, không thể đưa ra các biện pháp răn đe cứng rắn với Moscow đã khiến một số quan chức Mỹ thất vọng.
Cả hai thành viên Đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội đều lên tiếng không hài lòng và thậm chí ông Biden vào tháng trước cũng từng lên tiếng rằng, chỉ một "cuộc tấn công nhỏ" của Nga vào Ukraine cũng sẽ khiến các thành viên NATO bất đồng về cách ứng phó.
Tại nước Đức, ông Scholz cũng đã bị dư luận chỉ trích khi không thể hiện được tiếng nói của Đức vào thời điểm căng thẳng hiện tại. Và để thay đổi tình hình, ông Scholz đang dự kiến đến thăm Nga và Ukraine vào cuối tháng này.