• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dự án Luật Đất đai sửa đổi: Chờ đến năm 2021 thì quá lâu

Thời sự 22/05/2020 16:20

(Tổ Quốc) - Ngày 22/5, trong phiên thảo luận trực tuyến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, nhiều đại biểu tiếp tục có ý kiến về chất lượng làm luật. Đặc biệt, các đại biểu đã dành nhiều thời gian tranh luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Thời điểm thích hợp là khi nào?

Nói về việc một số đại biểu đồng tình với việc rút dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) đặt câu hỏi: “Xin hỏi các đại biểu, vì sao trước đây chúng ta lại bấm nút thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trong đó có việc là sửa đổi Luật Đất đai. Phải chăng trước đây việc Quốc hội đưa việc sửa đổi Luật Đất đai vào trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là không cần thiết và thiếu chính xác”.

Dự án Luật Đất đai sửa đổi: Chờ đến năm 2021 thì quá lâu - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM).

Theo đại biểu này, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc để đưa ra Quốc hội thảo luận, đặt vấn đề rút Luật Đất đai ra khỏi chương trình có những yêu cầu cần thiết của nó, nhưng không có nghĩa là không cần thiết phải sửa đổi Luật Đất đai và cũng không có nghĩa rằng trong Luật Đất đai hiện nay không có những điều khoản so với quá trình triển khai và thực hiện nó bất cập.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ băn khoăn về thời điểm Quốc hội sẽ sửa Luật Đất đai “Không thể nói vào thời điểm thích hợp, thời điểm thích hợp là khi nào” - nữ đại biểu này nhấn mạnh.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), trong thời gian qua hệ thống pháp luật đất đai của chúng ta còn nhiều điểm bất hợp lý và chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển và đây là một trong những cản trở lớn nhất cho việc huy động nguồn lực phát triển. Bởi bất cứ một công trình nào, một dự án nào cũng đều phải có yêu cầu về tiếp cận đất đai mà tiếp cận đất đai thì đang là trở ngại khó khăn hàng đầu.

Dự án Luật Đất đai sửa đổi: Chờ đến năm 2021 thì quá lâu - Ảnh 2.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình).

Chính vì vậy, đại biểu này cho rằng, việc đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Đất đai phải là một nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Đây là luật nền tảng, một luật rất quan trọng nên phải đẩy nhanh chứ không lùi lại trong chương trình xây dựng luật này.

“Mặc dù là rất nhạy cảm, rất khó khăn nhưng chúng ta cũng phải đối đầu với thực tiễn và phải giải quyết yêu cầu của thực tiễn, cho nên tôi đề nghị phải đặt trọng tâm và phải làm với tinh thần quyết liệt nhất dự luật này” - đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Chờ cho đến hết năm 2021 thì quá lâu

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), vấn đề về đất đai, quản lý đất đai có tác động rất lớn đến tài sản đất đai của người dân. Thực tế, các bức xúc dẫn đến khiếu kiện của Nhân dân phần lớn đều xuất phát từ vấn đề liên quan đến đất đai. Theo thống kê của ngành thanh tra thì có khoảng gần 70% khiếu nại của công dân liên quan đến đất đai.

Dự án Luật Đất đai sửa đổi: Chờ đến năm 2021 thì quá lâu - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang)

“Ở đây, ngoài năng lực yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước thì vấn đề về pháp luật chưa rõ ràng đã tác động lớn đến việc thực hiện quản lý lĩnh vực này. Như vậy, sửa Luật Đất đai có thiết thực, có cần thiết, có cấp bách hay không?” - đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đặt vấn đề.

Theo nữ đại biểu này, thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, cử tri và chính quyền địa phương mong mỏi có một đạo luật thật sự phù hợp, thật sự rõ ràng để chính quyền địa phương quản lý đất đai chặt chẽ hơn, người dân chấp hành pháp luật về đất đai tốt hơn và từ đó sẽ hạn chế được vấn đề khiếu kiện về đất đai.

Chính vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị Quốc hội từ những vấn đề trên cần xem xét đưa dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội trong năm 2021.

Dự án Luật Đất đai sửa đổi: Chờ đến năm 2021 thì quá lâu - Ảnh 4.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM)

Nói về vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) lại cho rằng, nếu chờ cho đến hết năm 2021 thì quá lâu. “Tôi nghĩ Quốc hội có thể ban hành một nghị quyết để điều chỉnh ngay những tắc nghẽn của Luật Đất đai” - đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu dẫn chứng: “Chúng ta thấy trong việc triển khai các dự án hiện nay tắc là do Luật Đất đai. Hay là vấn đề khiếu kiện của dân cũng bị vướng là ở Luật Đất đai hoặc là giải phóng mặt bằng, rồi người dân trong việc xây dựng, sửa chữa nhà cũng là liên quan đến Luật Đất đai”.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ