• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dự báo kinh tế châu Á 2022: "Bình mới rượu cũ"

Thế giới 29/12/2021 10:48

(Tổ Quốc) - Dù đối mặt với bốn rủi ro vĩ mô quan trọng, kinh tế châu Á được nhận định sẽ không có nhiều biến động trong năm 2022, theo tờ Nikkei Asia.

Một trong những thách thức khi đánh giá triển vọng ngắn hạn của châu Á là các xu hướng định hình tương lai kinh tế, tài chính và chính trị của khu vực vẫn là những vấn đề kéo dài nhiều thập kỷ nay. Mặc dù năm 2022 có thể xuất hiện những giai đoạn biến động và gia tăng sự không chắc chắn, nhưng khu vực này không có khả năng ghi nhận những thay đổi đáng kể lệch khỏi quỹ đạo hiện tại. Bốn rủi ro vĩ mô có thể cần xem xét là: dịch bệnh Covid-19, lãi suất của Mỹ cao hơn, tăng trưởng của Trung Quốc chậm hơn dự báo và gia tăng căng thẳng đối với Đài Loan, tất cả sẽ góp phần tạo nên sự tương đối không ổn định trong năm tới, mặc dù vì những lý do khác nhau.

Châu Á vững vàng hơn trước đại dịch và tín hiệu từ Mỹ

Như với đại dịch Covid, phải giả định rằng dịch bệnh này sẽ giảm bớt trong năm tới, bất chấp các chiến lược bình thường hóa khác nhau trong khu vực và làn sóng biến chủng Omicron hiện tại. Dù việc xuất hiện các chủng mới có thể làm chậm nỗ lực bình thường hóa cuộc sống và thậm chí dẫn đến một năm mất mát nữa đối với một số quốc gia, nhưng giờ đây dường như có sự đồng thuận rằng các hạn chế đi lại và di chuyển cứng rắn trước đó là không bền vững và kéo theo cái giá đắt cho kinh tế, xã hội.

Dự báo kinh tế châu Á 2022: "Bình mới rượu cũ" - Ảnh 1.

Sự biến động của nền kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khu vực châu Á. Ảnh: AP.

Trung Quốc vẫn là ngoại lệ với lập trường "không Covid-19". Chiến lược này có thể sẽ kéo dài cho đến sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản nước này và có thể lâu hơn nữa. Trên thực tế, vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ làm thế nào để thoát khỏi chính sách nghiêm khắc này. Và mặc dù sự cô lập không có nhiều tác động đến động lực tăng trưởng của họ, nhưng việc tiếp tục vắng bóng khách du lịch Trung Quốc ra nước ngoài và sức tiêu dùng khá lớn của họ sẽ là một "đòn trừng phạt" đối với nhiều nước láng giềng.

Nhưng trong khi dịch Covid-19 dự kiến sẽ giảm mạnh, lãi suất của Mỹ sẽ trở thành một vấn đề lớn hơn khi chúng tăng lên vào năm 2022. Các thị trường hiện dự kiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất lên ít nhất hai lần trong năm tới, chấm dứt các biện pháp nới lỏng định lượng hiện tại – điều đã mang lại các dòng vốn làm lợi cho nhiều nơi ở châu Á trong thập kỷ qua.

Trong quá khứ, những động thái như vậy của FED sẽ khiến thị trường rung lắc. Điều này đã được nhìn thấy một cách rõ ràng vào năm 2013 khi khu vực này chấn động và các nhà đầu tư cùng nhiều nhà hoạch định chính sách phản ứng giận dữ. Nhưng bối cảnh ngày nay đã thay đổi đáng kể và các nước châu Á có thể sẽ kiên cường hơn trước chu kỳ thắt chặt của Mỹ so với nhiều thị trường mới nổi khác.

Ở một mức độ nào đó, điều này phản ánh các yếu tố cơ bản mạnh mẽ hơn của khu vực, bao gồm cân đối bên ngoài được cải thiện, dự trữ ngoại hối cao hơn, áp lực lạm phát giảm, bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp mạnh hơn, sự hiểu biết tốt hơn về thể chế, đồng thời việc tận dụng tốt hơn các chính sách và quy định để kiểm soát các giai đoạn căng thẳng tài chính.

Sức nặng Trung Quốc và nguy cơ xung đột Trung - Đài

Trên thực tế, một điều ảnh hưởng đáng kể nữa tới khu vực là triển vọng phát triển của Trung Quốc. Các dự báo hiện tại cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng trong khoảng 5,3-5,6% trong năm tới, một sự giảm tốc rõ rệt so với mức 8,0% đạt được vào năm 2021. Điều này chắc chắn sẽ khiến nhiều người phấn khởi về việc Trung Quốc phải nhận thức được sự mất động lực kinh tế.

Tuy nhiên, đại dịch đã khiến cho việc so sánh giữa các năm hầu như không có giá trị. Điều đáng chú ý hơn là GDP năm 2022 của Trung Quốc tính theo đồng USD dự kiến sẽ cao hơn 29% so với năm 2019. Thành tích tốt này sẽ làm tăng thêm tỷ trọng của Trung Quốc trong GDP khu vực, mặc dù nước này đã chiếm hơn một nửa hoạt động kinh tế của châu Á và sẽ tiếp tục duy trì vị thế cốt lõi của nước này.

Hơn nữa, nền kinh tế Trung Quốc có thể gây bất ngờ với tốc độ tăng trưởng vào năm 2022, với mong muốn tạo bối cảnh tích cực cho Đại hội Đảng toàn quốc. Điều đó có thể khiến Trung Quốc chuyển hướng khỏi sự thắt chặt tài khóa trong 12 tháng qua để chuyển sang các chính sách hỗ trợ và tích cực hơn. Do đó, việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc gần đây của các ngân hàng có thể là dấu hiệu cho thấy một môi trường chính sách lành mạnh hơn và giảm đáng kể rủi ro.

Ngược lại, các rủi ro địa chính trị của khu vực sẽ tiếp tục leo thang trong suốt năm 2022. Không thể tránh khỏi khi sức mạnh và ảnh hưởng tương đối của Trung Quốc tiếp tục mở rộng và các cuộc đụng độ bá quyền toàn cầu cũng sẽ gia tăng. Ví dụ, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng một kiến trúc tài chính với đồng NDT ảo là trung tâm sẽ rất đáng chú ý vào năm 2022. Đây có thể là một giải pháp tránh sự đụng độ với đồng tiền USD trong các giao dịch thực và có thể cho phép hai siêu cường cạnh tranh cùng tồn tại trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, kịch bản này cũng sẽ buộc phần còn lại của châu Á phải đưa ra những lựa chọn rất khó khăn giữa nền kinh tế giàu có của Trung Quốc và chiếc ô an ninh của Mỹ.

Tuy nhiên, một điểm nóng thực sự của khu vực tất nhiên sẽ là Đài Loan. Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng rằng sẽ đưa hòn đảo này quay về với đại lục, kể cả phải sử dụng vũ lực. Câu hỏi thực sự duy nhất là vấn đề thời gian.

Theo nhận định trên tờ Nikkei Asia, căng thẳng này khó có thể bùng phát trong năm 2022. Không chỉ vì Trung Quốc muốn có một bối cảnh hòa bình cho Đại hội Đảng toàn quốc, mà quân đội nước này có lẽ chưa hoàn toàn sẵn sàng, bất chấp những tiến bộ công nghệ vượt bậc. Và về cơ bản hơn, sự hội nhập của Trung Quốc vào nền kinh tế toàn cầu tạo ra sự phụ thuộc và dễ bị tổn thương lẫn nhau.

Do đó, không có rủi ro nào quá lớn mà khu vực này phải đối mặt trong 12 tháng tới. Châu Á sẽ tiếp tục phát triển theo định hướng lấy bản thân làm trung tâm, thể hiện qua các dòng chảy thương mại và tài chính. Trong đó, vị thế của Trung Quốc với tư cách là trung tâm của khu vực cũng sẽ trở nên vững chắc hơn. Trên thực tế, một số diễn biến nhất định trong năm tới có thể thực sự đẩy nhanh quỹ đạo này, chẳng hạn, nếu Trung Quốc được gia nhập vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ