(Tổ Quốc) - Ông Richard Kelly, Người đứng đầu chiến lược toàn cầu tại TD Securities cho biết khả năng nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái trong năm tới với ước tính là hơn 50%.
Ba rủi ro đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái
Chuyên gia chiến lược toàn cầu ở TD Securities Richard Kelly đã vạch ra ba rủi ro đẩy kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng bao gồm giá xăng tăng, chính sách tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang (FED) và hoạt động kinh tế chững lại. Đây là những rủi ro chính khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới phải đối mặt ở thời điểm hiện tại.
"Những rủi ro này có thể khiến Mỹ rơi vào suy thoái hay không? Tôi nghĩ rất có khả năng", ông Kelly nói trên chương trình "Street Signs Europe" của CNBC.
Tuy nhiên, thời gian chính xác suy thoái xảy ra vẫn chưa thể phỏng đoán trước.
Theo ông Kelly, nền kinh tế có thể rơi vào "suy thoái kỹ thuật", được hiểu là hai quý tăng trưởng âm liên tiếp ngay sau khi kết thúc quý 2/2022. Các nhà phân tích sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các chỉ số thông báo của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ công bố vào ngày 28/7 để sớm đưa ra ước tính chính xác hơn. Bên cạnh đó, các tác động từ giá khí đốt tăng cao sau căng thẳng leo thang ở Ukraine và việc FED tiếp tục tăng lãi suất cũng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Và cho dù Mỹ xoay sở để vượt qua tất cả những điều đó thì sự suy thoái chung trên toàn cầu vẫn có thể khiến kinh tế Mỹ tiếp tục lao dốc và ước tính nguy cơ cao điểm là từ giữa đến cuối năm 2023. “Chúng ta thực sự có ba rủi ro suy thoái cùng lúc”, ông Kelly nhấn mạnh.
"Các tác động từ khí đốt và FED tăng lãi suất sẽ chưa thấy rõ nét cho đến cuối năm nay. Tôi cho rằng hiện tại chỉ mới là nguy cơ ngắn hạn còn có nguy cơ lớn hơn cho một cuộc suy thoái lớn của Mỹ vào thời gian tới", ông nói thêm. "Nếu rơi vào suy thoái, đà tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại vào giai đoạn giữa hoặc cuối năm 2023", ông nói.
Cụ thể, khi nào suy thoái kinh tế Mỹ diễn ra?
Công ty đầu tư Muzinich đã nhất trí rằng cuộc suy thoái sắp tới không phải là vấn đề "nếu" mà thực chất là "khi nào".
"Mỹ sẽ chứng kiến cuộc suy thoái tại một thời điểm nào đó", ông Tatjana Greil-Castro, đồng trưởng bộ phận thị trường công nói trên CNBC. Ông cũng lưu ý rằng mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II có thể cung cấp dữ kiện về thời điểm suy thoái xảy ra.
Theo CNBC, rõ ràng bình luận từ chuyên gia đều cho thấy rằng nền kinh tế có thể rơi vào đỉnh điểm của suy thoái.
Ông David Roche, chiến lược gia đầu tư kỳ cựu và là Chủ tịch của hãng tư vấn Independent Strategy cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu gần đây đã thay đổi và giờ đây việc đánh giá tình trạng kinh tế ở các khu vực khác nhau trên thế giới trở nên dễ dàng hơn.
"Báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp là công cụ để các nhà đầu tư phỏng đoán khi nào suy thoái kinh tế có thể xảy đến với Mỹ", ông Tatjana Greil-Castro nói trên CNBC.
Những phân tích của các chuyên gia cũng góp phần củng cố lập luận rằng nền kinh tế toàn cầu có thể đã ở trong hoặc đang trên đỉnh của một cuộc suy thoái.
Ông Roche nhận định suy thoái sẽ làm mất đi 2-3% việc làm ở bất kỳ nền kinh tế nào. Tuy nhiên, ông cho rằng Mỹ hiện chưa suy thoái vì dữ liệu do Cục Thống kê Lao động mới công bố chỉ ra, Mỹ đã tạo thêm 372.000 việc làm trong tháng 6 - vượt xa con số 250.000 mà các nhà kinh tế Dow Jones dự kiến. Như vậy, mức tăng trưởng việc làm ở Mỹ đang mạnh hơn kỳ vọng.
Tuy nhiên, khi nhắc đến nền kinh tế châu Âu, ông Roche lại khẳng định đây không phải là lần đầu tiên châu lục này đứng trước bờ vực suy thoái. Các ảnh hưởng từ căng thẳng Ukraine đã gia tăng áp lực kinh tế lên khu vực này, đặc biệt là nguy cơ khủng hoảng năng lượng và khan hiếm lương thực.
"Châu Âu có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng kể từ khi Nga tăng cường hành động quân sự ở Ukraine. Suy thoái là do căng thẳng quân sự mà ra", ông Roche nhấn mạnh.
Nhận định của ông Roche đưa ra vào đúng thời điểm đường ống Nord Stream 1 để vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu đã bị đóng cửa trong tuần này để bảo trì.
Sự gián đoạn từ đường ống chính cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu từ Nga - Nord Stream 1 tiếp tục dấy lên lo ngại về nguy cơ ngừng nguồn cung khí đốt vô thời hạn do các tác động từ khủng hoảng Ukraine hay các lệnh trừng phạt châu Âu liên tục áp dụng với Nga./.