• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dù cần Nga, Mỹ vẫn “rắn” về xung đột Ukraine

Thế giới 17/05/2018 11:33

(Tổ Quốc) - Đang có những tin đồn trong giới truyền thông Nga rằng phái viên hàng đầu của Moscow về đàm phán hòa bình Ukraine đã từ chức. 

Giữa những tin đồn trong giới truyền thông Nga rằng phái viên hàng đầu của Moscow về đàm phán hòa bình Ukraine đã từ chức, quan chức phụ trách đối thoại từ Mỹ nói rằng ông hy vọng phía Nga sẽ trở lại bàn đàm phán với một đề xuất gìn giữ hòa bình.

Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Ukraine Kurt Volker – đã gặp người đồng nhiệm Nga Vladislav Surkov lần cuối hồi tháng 1 nói với VOA rằng, ông không nhận được thông tin về tình trạng của Surkov hay về một cuộc họp mới.

Ông Kurt Volker gặp gỡ lực lượng quân đội Ukraine.

Cuộc thảo luận cuối cùng với Surkov, Volker nói, để lại cho ông ấn tượng rằng, Moscow sẽ sớm "trở lại với chúng tôi với một đề xuất về cách một lực lượng gìn giữ hòa bình có thể hiện diện theo từng khu vực địa lý, nhiệm vụ và bảng thời gian hoạt động".

"Điều này sẽ rất cần thiết để chờ đợi, và chúng tôi sẽ rất sẵn sàng ngồi xuống với người Nga để nói về điều đó", ông Volker nói. "Chúng tôi vẫn sẵn sàng mang lại hòa bình cho khu vực này, nhưng chúng tôi cần phải nghe từ người Nga."

Volker đã đến Donbass ngày 15/5 để thảo luận về tình hình an ninh ở gần tiền tuyến với Tư lệnh Lực lượng chung Ukraine – Tướng Serhiy Nayev.

Khôi phục cơ sở hạ tầng

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) ngày 14/5 cho biết họ sẽ cung cấp cho Kiev 125 triệu USD cho các dự án phục hồi cơ sở hạ tầng ở Donbass và các vùng lãnh thổ lân cận.

Donbass, khu vực rơi vào xung đột giữa lực lượng ly khai thân Nga và quân đội Ukraine từ năm 2014- thời điểm Nga sáp nhập Crimea – đã bị phá hủy nghiêm trọng, bao gồm nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng.

Trong khi Moscow khẳng định rằng người dân tại đây tự tổ chức lực lượng thì một số quan sát viên và các tổ chức quốc tế lại cho biết các đơn vị quân đội Nga đã hỗ trợ trực tiếp.

Vào tháng 2, các giám sát viên của tổ chức OSCE cho biết xung đột miền đông Ukraine đã leo thang đến mức nghiêm trọng nhất trong nhiều tháng, sau khi một loạt pháo  kích vào một ngôi làng ở tiền tuyến đã làm bị thương 8 người và phá hủy hàng chục ngôi nhà.

Trên đường đến một cuộc họp ngày 15/5 với các quan chức Ukraine và giám sát an ninh tại Trung tâm điều phối và phối hợp chung (JCCC), Volker nói với VOA rằng các chỉ huy quân sự của Kiev, trong khi đánh giá cao viện trợ khôi phục cơ sở hạ tầng, "muốn (Mỹ) hỗ trợ cho sức mạnh phòng thủ của họ - điều chúng tôi cũng nghĩ là rất quan trọng để thực hiện. "

Kể từ khi Moscow rút khỏi JCCC – một nhóm phối hợp Nga – Ukraine nhằm đảm bảo an toàn cho các thanh sát viên OSCE và giúp thực thi hiệp định hòa bình Minsk - hồi tháng 12/2017, lực lượng quân sự Ukraine đã nhận thấy ngày càng nhiều khó khăn trong việc duy trì lệnh ngừng bắn – điều cần thiết cho công tác khôi phục cơ sở hạ tầng.

Volker cho biết, Nga, bằng cách rút khỏi JCCC, đã buộc Ukraine và các đồng minh phải tìm đến các đàm phán trực tiếp với “chính quyền con rối” tại địa phương. Tuy nhiên, các lực lượng li khai này, theo ông Volker là không thực sự kiểm soát tình hình dọc theo tiền tuyến.

"Và vì vậy bạn cần phải nói chuyện với người Nga để có thể liên lạc hiệu quả về những vấn đề như [ngừng bắn], và việc họ rút khỏi JCCC," ông nói. Quan chức này cũng nhấn mạnh, cả dân thường và quân đội đều nói về sự cần thiết phải ngừng bắn.

"Tất cả mọi thứ từ sửa chữa đường dây điện, đến việc lắp đặt đường lọc nước và máy bơm, hay việc xây dựng cầu đường tại các đường biên giáp ranh giữa các lực lượng, đều cần phải được sửa chữa một cách an toàn. Rất khó để làm được những điều đó khi xung đột vẫn liên tục diễn ra", ông Volker nói.

“Bình mới, rượu cũ”?

Vào ngày đầu tiên Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhậm chức - các quan chức hàng đầu của Mỹ tham dự một cuộc họp cấp bộ trưởng của NATO tại Brussels nói rằng, Mỹ sẽ từ chối "trở lại hợp tác như thường lệ với Nga" cho đến khi Moscow rút "lực lượng và sự hỗ trợ đi kèm cho các lực lượng ủy nhiệm tại Donbass, và [trả lại] quyền kiểm soát Crimea cho Ukraine. "

Sau các cuộc họp riêng với Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mỹ Pompeo, ông Volker nói "tất cả mọi người đều có chung lập trường" về chính sách của Mỹ đối với Ukraine.

Khi được hỏi liệu viện trợ vũ khí sát thương có còn được xem xét hay không, ông Volker đã nêu ra một lập trường rõ ràng. "Ukraine đang chiến đấu trong một cuộc chiến tranh trên lãnh thổ của mình. Những người lính ở Ukraine đang chết trên đất Ukraine mỗi tuần để bảo vệ lãnh thổ của Ukraine. Vì vậy, đây là về vấn đề tự vệ của một quốc gia", ông nói.

"Ukraine có quân đội rất có năng lực, được cải tổ đáng kể từ năm 2014, và đang sản xuất hầu hết các thiết bị quân sự của riêng mình, dù vậy, họ vẫn có một số khoảng trống," ông nói thêm. "Và là hoàn toàn hợp lý đối với bạn bè và đồng minh của Ukraine để cung cấp cho họ những vũ khí có thể lấp đầy khoảng trống trong phòng thủ của họ.

"Không có hạn chế nào về điều này nữa", ông Volker nói. "Ý tưởng về việc dừng bán vũ khí cho Ukraine đã kết thúc."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ