• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Du lịch golf: Việt Nam cần làm gì để tham gia sân chơi toàn cầu?

Thời sự 05/07/2017 08:43

(Tổ Quốc) - Là điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển du lịch golf, xét cả trên góc độ thị trường khách và đầu tư phát triển du lịch golf.

Phát triển du lịch golf chưa tương xứng với tiềm năng

Hiện nay, du lịch golf hay còn được gọi là ngành công nghiệp du lịch golf, một loại hình du lịch cao cấp, hướng về thiên nhiên đang có tốc độ phát triển rất nhanh và có sức hút rất lớn đối với những người có khả năng chi trả cao.

Du lịch golf không chỉ tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch mà còn mang lại nguồn thu lớn, tạo công ăn việc làm và nhiều lợi ích kinh tế - xã hội.

Do đó, du lịch golf được sự quan tâm phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Cùng với quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước và xu hướng mới của du lịch cao cấp, du lịch golf ở Việt Nam cũng có những bước phát triển đáng kể.

 Phát triển du lịch golf chưa tương xứng với tiềm năng.

Tại một hội thảo quốc tế về giá trị du lịch golf được tổ chức mới đây ở Đà Nẵng, ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết là điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển du lịch golf, xét cả trên góc độ thị trường khách và đầu tư phát triển du lịch golf.

Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chủ yếu từ các quốc gia có loại hình du lịch golf phát triển cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan, Pháp, Anh, Úc, Đức…và không ngừng tăng trưởng.

“Việt Nam có 32 sân golf đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế và 60 sân golf năm trong quy hoạch xây dựng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, Việt Nam hiện nay vẫn chưa phát triển du lịch golf còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh”, ông Chung cho biết.

Cần đầu tư mạnh vào du lịch golf

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, hạn chế du lịch golf Việt Nam là việc liên kết giữa các công ty lữ hành với các chủ sân golf còn chưa nhiều nên các tour du lịch golf tỉ lệ còn thấp; du lịch golf chưa kết hợp với các loại hình du lịch khác; chưa tổ chức được nhiều giải đấu chuyên nghiệp và chưa liên kết với các sân golf trong khu vực nên giá trị sản phẩm chưa cao.

 Ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: "So với các nước trong khu vực, Việt Nam hiện nay vẫn chưa phát triển du lịch golf còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh".

“Để du lịch golf Việt Nam phát triển, cần xác định là một loại sản phẩm chuyên biệt quan trọng, cần được quan tâm đầu tư phát triển mạnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần có chính sách cởi mở, cải thiện môi trường thông thoáng, thuận lợi; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch golf; tăng cường liên kết giữa các sân golf ở Việt Nam với nhau và với các sân golf trong khu vực để tạo ra các tour du lịch golf chuyên nghiệp, làm tăng giá trị cũng như đa dạng hóa sản phẩm du lịch golf…

Tiếp tục đề xuất chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch trong việc nhập cảnh vào Việt Nam du lịch, nhất là khách du lịch từ các quốc gia có thị trường lớn. Hay phát triển du lịch tàu biển, nghỉ dưỡng cao cấp, casino, caravan…kết hợp chơi golf nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn, kéo dài được thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch golf…”, ông Chung cho biết.

Trong lúc đó, ông Lê Văn Kiểm, Phó chủ tịch Olympic Việt Nam, ông chủ hệ thống sân golf  Long Thành chia sẻ, những nhà hoạch định chiến lược và quản lý  golf của Việt Nam cần có kế sách hỗ trợ và nhân rộng hơn nữa những mô hình câu lạc bộ golf, các giải đấu golf giúp tăng trưởng người chơi golf trong nước và kết nối với các golf thủ nước ngoài.

“Việt Nam nên sớm thành lập Hiệp hội du lịch golf Việt Nam để để phối hợp với các gân golf trong nước và các nhà tổ chức tour du lịch  trên thế giới để có thể tập trung kết nối, phát triển hoạt động du lịch golf hơn nữa tại Việt Nam và ra trường quốc tế”, ông Kiểm kiến nghị.

 Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chủ yếu từ các quốc gia có loại hình du lịch golf phát triển cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan, Pháp, Anh, Úc, Đức…và không ngừng tăng trưởng.

 

Lợi thế Đà Nẵng

Theo ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng có tiềm năng và điều kiện để phát triển dịch vụ du lịch.

Với lợi thế cảng biển và sân bay quốc tế, cửa ngõ đến các di sản thế giới của miền Trung, cùng với nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, các bãi tắm đẹp, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch thuận lợi và đồng bộ, nhiều dịch vụ tốt, an ninh trật tự đảm bảo, con người thân thiện, hiền hòa mến khách…Đà Nẵng đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách ở trong và ngoài nước.

Đặc biệt, năm 2016, Đà Nẵng nhận được giải thưởng danh giá “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á” của Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Awards đã góp phần định vị hình ảnh và từng bước khẳng định thương hiệu của du lịch thành phố đến thị trường trong nước và quốc tế.

“Ngành du lịch golf tại Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung là một ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển bền vững, với giá trị lợi nhuận mang lại trong năm 2016 là 68 triệu USD.

Tỷ lệ tăng trưởng của du lịch golf hiện nay đang ở mức cao 50% và cùng với 3 sân golf mới tiếp tục sẽ được đưa vào hoạt động, dự kiến giá trị mang lại từ du lịch golf trong vòng 5 năm tới lên đến 186 triệu USD”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ