(Tổ Quốc) - Việc sớm kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 cho phép các hoạt động kinh doanh, sản xuất, khai thác du lịch được hoạt động trở lại. Tuy lệnh đóng băng các chuyến bay quốc tế làm mất đi hoàn toàn nguồn thu từ du khách nước ngoài nhưng thị trường du lịch nội địa đã mang lại sức sống cho ngành du lịch Việt Nam.
- 17.05.2020 Ông Trịnh Văn Quyết: Tôi chỉ thích đi du lịch Việt Nam
- 15.05.2020 #Vietnamnow hưởng ứng chiến dịch "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam"
- 12.05.2020 Ngoài chiến dịch 'Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam', ngành du lịch cần thêm những điều gì để bật dậy sau dịch Covid-19?
- 11.05.2020 Phát động chiến dịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, cơ hội săn tour chất lượng cao giá rẻ cho các tín đồ du lịch
- 04.05.2020 Du lịch nội địa sẽ là “lối thoát” cho ngành du lịch Việt Nam trong thời gian phục hồi
Covid-19 đã giáng một đòn chí mạng xuống ngành du lịch toàn thế giới nói chung, trong đó Việt Nam là một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề khi du lịch chiếm tỷ trọng tới gần 7% GDP trong những năm gần đây. Để vượt qua được khủng hoảng này các nhà phân tích dự tính cần ít nhất 2 năm đề đưa các hoạt động và doanh thu trở về mức trước khủng hoảng.
Tuy nhiên, so với các nước trên thế giới, du lịch Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn để trụ lại và phục hồi hậu Covid-19.
Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh Covid-19
Việc sớm kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 cho phép các hoạt động kinh doanh, sản xuất, khai thác du lịch được hoạt động trở lại. Tuy lệnh đóng băng các chuyến bay quốc tế làm mất đi hoàn toàn nguồn thu từ du khách nước ngoài nhưng thị trường du lịch nội địa đã mang lại sức sống cho ngành du lịch Việt Nam. Các chuyến bay nội địa đang được khôi phục dần, các trung tâm vui chơi giải trí, các điểm tham quan đều đã được phép hoạt động. Trong cuộc khảo sát mới đây của TR2 International (một công ty tư vấn chiến lược phát triển các sản phẩm du lịch cho các chủ đầu tư tại Việt Nam), chỉ có 7,4% người được hỏi trả lời không đi du lịch, trong khi 55,6% số người được hỏi sẽ đi du lịch hè 2020 và 37% cân nhắc dựa vào tình hình dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Việt Nam được cả thế giới ghi nhận và đánh giá cao về khả năng kiểm soát dịch bệnh và trở thành điểm sáng trên bản đồ thế giới về mức độ an toàn trong đại dịch. Tờ TTA Asia đã thực hiện một cuộc khảo sát trong đó 45% người Trung Quốc được hỏi trả lời lựa chọn Việt Nam cho chuyến du lịch đầu tiên năm 2020 của họ.
Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, người phụ trách mảng nghiên cứu về du lịch và khách sạn thuộc Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam chia sẻ rằng, với một số người, dịch chuyển và du lịch là nhu cầu chứ không phải là thú vui xa xỉ. Khách du lịch không chỉ đến những đất nước có phong cảnh đẹp và thú vị nhất trên thế giới, mà sẽ chủ yếu đến nơi an toàn nhất. Và Việt Nam hiện đang làm rất tốt và minh chứng rằng đây là một trong những điểm đến an toàn nhất thế giới. Điều này cho phép chúng ta lạc quan hy vọng trở thành điểm đến của khách du lịch quốc tế khi các chuyến bay được khôi phục trở lại.
Các doanh nghiệp du lịch đã tìm ra hướng đi hậu Covid-19
Đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 1/2020 ngay sau khi Việt Nam vừa trải qua một năm phát triển du lịch ngoạn mục với mức tăng trưởng đạt 16% năm 2019. Những tổn thất do đại dịch gây ra đối với ngành du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là vô cùng nghiêm trọng. Có nhiều kịch bản được dựng nên cho ngành du lịch dựa trên diễn biến của dịch bệnh tại Việt Nam và thế giới. Cho dù với kịch bản nào tăng trưởng du lịch 2020 đều không thể đạt được như những năm trước. Tuy vậy, đây cũng là dịp để ngành du lịch tái cấu trúc và chuẩn bị cho một nền kinh tế du lịch phát triển bền vững.
Trước tiên là những gói sản phẩm, dịch vụ hướng đến các đối tượng thu nhập và độ tuổi khác nhau nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với 96 triệu dân. Với cơ cấu khách du lịch nội địa chiếm 82,5% (năm 2019) khách nội địa vẫn có khả năng trở thành trụ cột vững chắc cho ngành kinh tế mũi nhọn này. Sự phối hợp liên ngành giữa cơ sở lưu trú, hàng không và hãng lữ hành đang mang đến cho du khách Việt rất nhiều lựa chọn nghỉ dưỡng cao cấp với chi phí hấp dẫn chưa từng có. Các cơ sở lưu trú cũng tung ra những gói dịch vụ độc đáo thu hút du khách với nhiều ưu đãi và gia tăng trải nghiệm du lịch.
Đối với thị trường quốc tế, Tổng cục du lịch và các doanh nghiệp khai thác du lịch đang xây dựng những chương trình marketing trực tiếp tới những thị trường dự kiến sẽ công bố hết dịch trước thay vì tiếp tục trông đợi vào các thị trường truyền thống là thị trường Âu, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc. Đối tượng khách quốc tế đi công vụ dự đoán sẽ là những vị khách quốc tế đầu tiên tới Việt Nam sau khi các chuyến bay được khôi phục. Việc xác định đúng các đối tượng đến là cơ sở cho các chiến dịch marketing và các hoạt động kinh doanh dịch vụ khai thác tối ưu thị trường.
Trang Globalnews.ca dẫn lời các cố vấn cho các tập đoàn nước ngoài nhận định thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã giúp cải thiện độ tin cậy của giới đầu tư nước ngoài. Việt Nam đang định vị mình như là một địa bàn an toàn cho kinh doanh, thu hút các nhà sản xuất quốc tế đang cố gắng tìm cách đa phương hóa chuỗi cung ứng.
Với những cơ hội khả quan cho nền kinh tế Việt Nam từ việc kiểm soát tốt và sớm ngăn chặn được dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, ngành du lịch cũng không nằm ngoại lệ với những cơ hội tốt để sớm phục hồi và phát triển ngoạn mục.