• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dự thảo thay thế Nghị định 86: Có nguy cơ trái với Luật Giao thông đường bộ

Pháp luật 16/10/2018 13:49

(Tổ Quốc) - Tiếp tục những thông tin mà báo Điện tử Tổ Quốc đã đề cập trong bài viết trước, trong bài viết này, các chuyên gia còn chỉ ra những bất cập mà dự thảo đang quy định.

Người tiêu dùng sẽ bị mất đi một sự lựa chọn đặt xe

Phương án 1 của Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 năm 2014 của Chính phủ đề xuất một sự thay đổi chính sách rất lớn, đó là: không cho phép xe hợp đồng dưới 9 chỗ tiếp tục được kết nối với hành khách thông qua các phần mềm gọi xe (như FastGo, T.Net, Grab, Vato, v.v.) và buộc xe hợp đồng phải chuyển đổi sang loại hình taxi nếu muốn áp dụng phần mềm.

Theo Ts. Đặng Quang Vinh, Phó trưởng ban, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), phương án do Bộ Giao thông, vận tải lựa chọn mang lại lợi ích rất nhỏ so với những chi phí, tác động tiêu cực mà đề xuất này gây ra cho tất cả các bên.

Trước tiên, theo Ts. Đặng Quang Vinh, nếu thông qua Nghị định này, Chính phủ có nguy cơ trái Luật Giao thông đường bộ (điểm c khoản 1 Điều 66.1.c và điểm d khoản 1 Điều 66.1.d), Luật Giao dịch điện tử (Điều 12).

Dự thảo thay thế Nghị định 86: Có nguy cơ trái với Luật Giao thông đường bộ - Ảnh 1.

Người tiêu dùng sẽ bị mất đi một sự lựa chọn đặt xe.

Cụ thể, Điều 66 Luật Giao thông đường bộ quy định kinh doanh vận tải bằng xe taxi "cước tính theo đồng hồ tính tiền". Việt Nam có khả năng sẽ bị mất uy tín, vì không một quốc gia nào trên thế giới đưa ra giải pháp bắt buộc xe hợp đồng đã được cấp phép hoạt động chuyên nghiệp phải chuyển đổi sang loại hình taxi, chỉ vì doanh nghiệp muốn ứng dụng công nghệ.

Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải đang kinh doanh vận tải theo hợp đồng bằng xe dưới 9 chỗ, nếu chuyển đổi, sẽ phải chịu chi phí chuyển đổi phù hiệu xe hợp đồng thành xe taxi và chi phí lắp đèn taxi, v.v.

"Nếu lựa chọn giữ nguyên loại hình xe hợp đồng không dùng phần mềm đặt xe, các đơn vị này sẽ phải đối mặt với tình huống tỷ lệ xe chạy rỗng gia tăng – đây là sự lãng phí rất lớn cho xã hội, nhất khi nước ta còn nghèo. Các công ty, hợp tác xã này bị tước quyền ứng dụng công nghệ và do đó, buộc phải quay lại sử dụng phương thức giao dịch truyền thống - hợp đồng giấy"- ông Đặng Quang Vinh phân tích.

Còn người tiêu dùng sẽ bị mất đi một sự lựa chọn đặt xe, di chuyển bằng xe hợp đồng và phần mềm trên điện thoại thông minh.

Các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối sẽ chịu tác động kép, vừa mất đi một lượng đối tác vận tải, đồng thời, mất đi lượng khách không thích đi xe taxi mà chỉ thích đi xe hợp đồng.

Với quan điểm rõ ràng, ông Đặng Quang Vinh nói, khi xem xét dự thảo này, Chính phủ nên đứng từ nhiều góc độ để hiểu rõ tác động tiềm tàng của quy định, trong đó, phải đặt quyền lợi của người tiêu dùng làm trung tâm. Cần có các giải pháp tổng thể, căn bản và lâu dài cho các mô hình kinh doanh mới, dựa trên công nghệ, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Doanh nghiệp vận tải du lịch: Đề nghị ứng dụng mạnh CNTT trong cung cấp dịch vụ vận tải

Cũng liên quan tới việc ứng dụng CNTT trong vận tải, nhóm các doanh nghiệp vận tải khách du lịch thuộc Hội đồng tư vấn Du lịch quốc gia cho hay, tại Hội thảo về "Cách mạng 4.0: Định hình và phát triển nền sản xuất công nghiệp thông minh trong tương lai" tháng 12/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị: "Tập trung nắm bắt xu hướng công nghệ mới, sẵn sàng và dũng cảm từ bỏ mô hình cũ để đi vào Cách mạng Công nghiệp 4.0 (cuộc cách mạng lần thứ 4), nhằm thích ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng".

Do vậy, nhóm doanh nghiệp này đề nghị trong kinh doanh vận tải cho áp dụng công nghệ 4.0 thông tin cung cấp các dịch vụ vận tải như đặt vé, check in vé xe, thanh toán trực tuyến, theo dõi hành trình và thanh toán qua mã code CR.

Tập thể các doanh nghiệp vận tải có hoạt động vận tải hành khách bằng xe hợp đồng cũng đề nghị Bộ Giao thông, vận tải công nhận hợp đồng vận tải điện tử là hợp pháp, bên cạnh loại hợp đồng giấy trong quy định về loại hình kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa theo hợp đồng.

Ngoài ra, Hội đồng tư vấn Du lịch quốc gia kiến nghị, Nghị định 86 còn tồn tại bất cập và đề nghị cơ quan giao thẩm quyền quản lý cho các địa phương trong việc xác định các vị trí dừng, đỗ cho xe hợp đồng đảm bảo trật trự ATGT.

Doanh nghiệp cũng đề xuất ý kiến có thể cho các doanh nghiệp vận tải hành khách theo hợp đồng có thể thuê Văn phòng điều hành tại Trung tâm Thương mại, khách sạn, khu Du lịch và khu Chung cư có tầng 1 cho thuê. Với mô hình có văn phòng điều hành, phòng khách chờ và sân đỗ xe 5 ô đỗ chờ, hạn chế tình trạng "xe dù, bến cóc" đang diễn biến phức tạp.

Tại Việt Nam, loại phương tiện xe du lịch, xe hợp đồng, xe taxi được đông đảo người dân đón nhận và sử dụng vì chi phí khá hợp lý, nhanh chóng thuận tiện, chất lượng phương tiện tốt, thái độ phục vụ hơn hẳn các xe tuyến cố định từ các bến xe, xe buýt (cũ); đặc biệt khách quốc tế đến Việt Nam. Hạ tầng các bến xe cũng không đủ sức chứa để đáp ứng nhu cầu…/.


Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ