• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các ứng dụng đặt xe trực tuyến đang "khóc ròng" vì dự thảo sửa đổi Nghị định 86

Thời sự 15/10/2018 11:11

(Tổ Quốc) - Dịch vụ đặt xe trực tuyến là cách thức yêu cầu một loại hình dịch vụ vận tải thông qua nền tảng kỹ thuật số trên thiết bị di động thông minh. Tuy nhiên, những ứng dụng này có thể sẽ gặp nhiều khó khăn nếu dự thảo sửa đổi Nghị định số 86 của Chính phủ được thông qua.

Dự thảo loại bỏ hoàn toàn khái niệm "Hợp đồng điện tử"

Tại Việt Nam, dịch vụ này xuất hiện từ năm 2014, với sự góp mặt của một loạt ứng dụng kết nối như GrabTaxi, LiveTaxi, TaxiChiềuVề, Uber, EasyTaxi, v.v. và đến nay đã và vẫn đang tiếp tục phát triển mạnh với nhiều nhà cung cấp dịch vụ mới như VATO, T.Net, FastGo, Aber và Go-Viet (được hậu thuẫn bởi Go-Jek của Indonesia).

Lược sử lại vấn đề, năm 2014, do một số hạn chế tại Nghị định số 86 của Chính phủ (Nghị định 86), dịch vụ đặt xe trực tuyến được ứng dụng trên cơ sở Đề án thí điểm "Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng".

Các ứng dụng đặt xe trực tuyến đang khóc ròng vì dự thảo sửa đổi Nghị định 86 - Ảnh 1.

Grab- một trong những ứng dụng công nghệ phổ biến tại Việt Nam hiện nay.

Đề án cho phép các xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi áp dụng hợp đồng điện tử, bên cạnh hình thức hợp đồng bằng văn bản giấy thông thường. Sau ba năm thí điểm, đề án này đã giúp người dân hưởng lợi lớn, vì với sự trợ giúp của kỹ thuật số, các nhà cung cấp dịch vụ vận tải bằng xe hợp đồng đã tạo ra một thị trường cạnh tranh hơn.

Người tiêu dùng đã có thêm nhiều lựa chọn với chất lượng dịch vụ được cải thiện và giá cả minh bạch cho mỗi chuyến đi, trong khi đó, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải cùng hàng trăm nghìn lái xe có nhiều cơ hội việc làm và thu nhập tăng.

Tuy nhiên, "cuộc cách mạng về cách thức đặt xe" này đã đứng trước sự phản đối rất mạnh mẽ từ các doanh nghiệp taxi truyền thống từ vài năm qua. Trong đó chủ yếu tập trung vào việc nhấn mạnh sự không công bằng trong điều kiện kinh doanh (với taxi là 13 điều kiện kinh doanh, xe hợp đồng là 12) và việc kinh doanh taxi phải chịu điều chỉnh bởi quy hoạch phát triển, tốn kém chi phí sơn xe, hộp đèn, v.v.

Ngày 3/10/2018, Bộ Giao thông, vận tải trình một dự thảo nhằm sửa đổi Nghị định 86 trong đã loại bỏ hoàn toàn khái niệm "Hợp đồng điện tử" đã nêu trong Đề án thí điểm và các Dự thảo trước đó, đồng thời yêu cầu xe hợp đồng dưới 9 chỗ sẽ phải chấm dứt việc ứng dụng công nghệ và phải chuyển đổi sang loại hình taxi nếu muốn tiếp tục áp dụng công nghệ.

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng mở rộng định nghĩa về dịch vụ vận tải. Định nghĩa mới có phần không rõ ràng, nhưng có hàm ý quy định tất cả các ứng dụng đặt xe như Grab, FastGo, VATO, T.Net, v.v. là kinh doanh vận tải, và do đó, phải tuân thủ tất cả các quy định quản lý và điều kiện kinh doanh vận tải.

Lợi cho taxi truyền thống

Theo ông Đặng Quang Vinh, Phó Ban cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), với quy định trong dự thảo, các hãng taxi truyền thống là đối tượng được lợi nhất vì áp lực cạnh tranh đối với họ giảm đi. 

"Về quản lý nhà nước, rủi ro lớn nhất là Dự thảo Nnghị định không phù hợp với văn bản pháp lý cao hơn là Luật giao thông đường bộ 2008. Bên cạnh đó, phúc lợi của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể do mất đi một lựa chọn ưa thích là xe hợp đồng điện tử"- ông Đặng Quang Vinh nói. 

"Giải pháp căn cơ là sửa Luật giao thông đường bộ 2008 theo hướng không quản lý theo hình thức kinh doanh với những đặc điểm nhận dạng cảm quan, tập trung quản lý các rủi ro về an toàn và phúc lợi người tiêu dùng trên nền tảng công nghệ hiện đại".

Ông Đặng Quang Vinh, Phó Ban cạnh tranh CIEM

Đồng quan điểm với ông Đặng Quang Vinh, một số chuyên gia khác cũng cho rằng, dự thảo đã đi ngược lại xu thế của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay. Việc quy định như trong dự thảo mới nhất thể hiện hàm ý muốn biến mô hình xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng vận tải điện tử trở thành mô hình taxi truyền thống, đơn vị ứng dụng kết nối trung gian trở thành đơn vị kinh doanh vận tải, là buộc mô hình có ứng dụng khoa học công nghệ mới vào khuôn khổ pháp lý cũ cho mô hình cũ là không phù hợp.

Với quy định, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng hợp đồng điện tử có ý định chuyển đổi sang xe taxi (và thành viên của họ), thì sẽ phải chịu chi phí chuyển đổi phù hiệu xe hợp đồng thành xe taxi và chi phí lắp đặt hộp đèn taxi.

"Việc này sẽ dẫn tới mất nguồn thu vì một số thành viên HTX, lái xe không muốn chuyển đổi xe của họ thành xe taxi hợp tác xã"- Ông Đặng Quang Vinh cho biết và dự đoán về phần trăm đơn vị vận tải dùng phần mềm sẽ chuyển sang taxi, có thể chỉ 50% số xe hợp đồng sẽ xin chuyển sang taxi vì nhiều người không muốn biến xe của mình thành xe taxi. 

Được biết, trước đó, hồi tháng 8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo "Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô: Sửa Nghị định hay nhìn lại cách thực hiện luật".

Tại đây, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong xu hướng kinh doanh cũng sẽ có sự xung đột rất gay gắt giữa mô hình truyền thống và xu hướng kinh doanh mới. Uber, Grab chỉ là một hiện tượng của xu hướng kinh doanh mới, bản chất là chia sẻ nền kinh tế số; dù muốn hay không sẽ vẫn tồn tại./.



Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ