• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII: Đảng đã nhìn thấy rõ những mặt còn thiếu, còn yếu

Thời sự 10/11/2020 16:53

(Tổ Quốc) - Theo chương trình làm việc chiều nay (11/10), các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tiến hành thảo luận tổ để cho ý kiến về dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng khóa XIII.

Giải quyết được bài toàn thể chế sẽ tạo ra động lực tăng trưởng rất lớn

Thảo luận tại tổ TP HCM, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, dự thảo báo cáo chính trị có 15 nội dung rất bao quát, nội dung đánh giá trong dự thảo đã phản ánh những kết quả đạt được của Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XII.

Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII: Đảng đã nhìn thấy rõ những mặt còn thiếu, còn yếu - Ảnh 1.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân

ĐB Trần Hoàng Ngân bày tỏ đồng tình với kết quả đánh giá cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới, quy mô nền kinh tế Việt Nam từ mức 6,3 tỷ đô la năm 1989 đến nay, sau quá trình đổi mới tăng lên 262 tỷ USD vào năm 2019, năm 2020 là 340 tỷ USD, tăng 40 lần.

“Đây là kết quả của cả một quá trình, tích tụ qua nhiều kỳ đại hội", ông nói, đồng thời dẫn lại đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay”.

Về các hướng đột phá của nhiệm kỳ tới, theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân, cần phải chú trọng thay đổi tư duy, cách làm. “Từ thực tế quá trình làm luật của chúng ta hiện nay cho thấy cần phải thay đổi tư, cách làm. Dù chúng ta đã ban hành nhiều bộ luật nhưng tính ổn định chưa cao. Giữa các luật vẫn còn sự chồng chéo”.

Vì thế, để giải quyết tình trạng trên, cần phải nhận định để tách “lợi ích nhóm” trong soạn luật. Quốc hội cần phải thành lập các Ban soạn thảo luật, hiện nay vấn đề này còn dựa nhiều vào Chính phủ. “Nếu giải quyết được bài toán thể chế và luật pháp thì sẽ tạo ra động lực tăng trưởng rất lớn” - ĐB này nói.

Nhấn mạnh về đột phá tiếp theo là nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao được nêu ở dự thảo, ĐB Ngân cho hay: "Trong dự thảo báo cáo có đưa ra giải pháp là “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…”, vậy có nên tiếp tục ghi như vậy không vì cứ “đổi mới” sẽ khiến người dân lo lắng". Theo ĐB này, giải pháp căn cơ là phải đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục, đủ sức hội nhập với quốc tế.

Đảng đã nhìn thấy rõ những mặt còn thiếu, còn yếu

Cùng góp ý vào dự thảo văn kiện, ĐBQH Tô Thị Bích Châu (đoàn TP HCM) cho rằng, qua nghiên cứu dự thảo văn kiện góp ý vào báo cáo chính trị Đại hội Đảng khóa XIII, có 2 vấn đề mới mà bà tâm đắc.

Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII: Đảng đã nhìn thấy rõ những mặt còn thiếu, còn yếu - Ảnh 2.

ĐBQH Tô Thị Bích Châu.

Theo ĐB này, Đại hội trước chúng ta chỉ mới nói đến “xây dựng chính đốn đảng trong sạch vững mạnh”, nhưng lần này chúng ta đưa thêm cả “hệ thống chính trị”. Điều này có nghĩa là Đảng đã rất coi trọng xây dựng “kiềng 3 chân”, là xây dựng Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc.

Thứ hai, trong nội dung về phương hướng có một vấn đề mới đó là cơ chế để bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm đột phá vì lợi ích chung… đồng thời có cơ chế xử lý nghiêm. “Khi thêm câu này vào văn kiện, Đảng đã nhìn thấy rõ những mặt còn thiếu, còn yếu để khắc phục trong nhiệm kỳ tới” - ĐB Lê Thị Bích Châu nêu quan điểm.

ĐB này cũng nêu thực trạng, trước đây khi giao nhiệm vụ chính trị cho một địa phương, cơ quan nhưng cơ chế để cơ quan đó, cán bộ đó dám đương đầu, dám chịu trách nhiệm chưa có.

Ngoài ra, trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần này có đưa việc “nêu gương” phải thực sự trở thành nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Câu này mới hơn so với văn kiện Đại hội trước. “Tôi kỳ vọng đây sẽ đột phá và là trọng tâm then chốt” - ĐB Lê Thị Bích Châu nói, đồng thời nhấn mạnh việc tiếp tục hoàn hiện thể chế trong công tác cán bộ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Việc tổ chức thực hiện phải có cơ chế rõ ràng, bởi từng nơi, từng vùng và từng lĩnh vực có sự khác nhau.

Lấy ví dụ trong lực lượng vũ trang, bổ nhiệm một trưởng công an quận phải xin ý kiến của Bộ Công an, còn với bên dân sự, Bí thư Quận thì chỉ cần xin kiến cấp ủy ở địa phương, ĐB Lê Thị Bích Châu đề nghị “trong văn kiện cần phải chỉ rõ những hạn chế như vừa qua”./.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ