(Tổ Quốc) - Tổng thống cảnh báo, trong số 52 mục tiêu tại Iran đang nằm trong tầm ngắm của Mỹ, có những địa điểm mang tầm văn hóa quan trọng.
Hơn 2.300 năm trước, thủ đô Persepolis đã bị một chiến binh nước ngoài đốt cháy khiến đế chế và di sản của Ba Tư bị tổn thất nặng nề. Ngày nay, những gì còn lại của thành trì cổ hiện đang nằm ở phía tây nam Iran, lại có thể nằm trong danh sách 52 mục tiêu đứng trước nguy cơ bị Mỹ tấn công trong bối cảnh căng thẳng không ngừng leo thang giữa Washington và Tehran.
Trên Twitter, Tổng thống Donald Trump không đề cập thông tin cụ thể về 52 mục tiêu đang trong tầm ngắm của Mỹ. Theo ông, con số 52 đại diện cho những con tin người Mỹ từng bị Iran bắt giữ trong sự kiện Đại sứ quán Mỹ tại Tehran vào năm 1979.
Tuy nhiên, ông tuyên bố, một vài trong số các mục tiêu "có ý nghĩa rất quan trọng đối với đất nước và văn hóa Iran". "Những mục tiêu này và bản thân Iran sẽ bị tấn công rất nhanh và rất mạnh", Tổng thống Trump viết. "Nước Mỹ không muốn bị đe dọa nữa".
Hôm chủ nhật (5/1), ông Trump khẳng định, Mỹ có quyền "tấn công lại nhanh chóng và toàn bộ" nếu Iran tấn công bất kỳ một người dân hoặc mục tiêu nào của Mỹ. Cùng ngày trên chuyên cơ Air Force One bay về Washington, ông nói với báo giới: "Người Iran nhận được sự cho phép để hành hạ người Mỹ… Họ được phép sử dụng bom tự tạo và tấn công người của chúng ta. Và chúng ta lại không được phép động vào các di sản văn hóa của họ ư? Điều đó là không đúng".
Ngay cả trước bình luận trên, Iran đã có những phản ứng vô cùng kích động sau cái chết của Tướng Quasem Solemani hôm thứ 6 (3/1) trong cuộc không kích do Mỹ tiến hành tại Baghdad, Iraq.
Cũng trong ngày 5/1, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói về đe dọa của ông Trump: "Một lời nhắc nhở tới những ai đang ảo tưởng về việc tranh đua với các tội ác chiến tranh của ISIS bằng việc nhằm vào các di sản văn hóa của chúng tôi: trong suốt hàng thiên niên kỷ, những kẻ man rợ đã tới và tàn phá các thành phố, dỡ bỏ các tượng đài và đốt cháy các thư viện của chúng tôi. Những kẻ đó giờ đây ở đâu? Còn chúng tôi vẫn ở đây và vẫn đứng vững".
Leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran liên tục nóng với hàng loạt những trao đổi đe dọa đến từ cả hai bên. Chính quyền Trump gọi vụ ám sát Tướng Soleimani là đòn phủ đầu để ngăn cản các kế hoạch tấn công của Tehran nhằm vào người Mỹ tại Iraq và các nơi khác ở Trung Đông.
Tuần trước, lực lượng thân Iran đã tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad, giữ các nhà ngoại giao bên trong trong hai ngày và châm lửa một số tòa nhà ở khu vực bên ngoài.
Trong các cuộc phỏng vấn hôm chủ nhật, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tránh trực tiếp đề cập tới việc Mỹ tấn công các di tích văn hóa tại Iran. Phát biểu trên kênh ABC, ông khẳng định, Mỹ sẽ "cư xử theo luật pháp" và "bên trong hệ thống".
Tuy nhiên, giới phê bình cáo buộc, nhằm vào các di sản văn hóa là trái với luật pháp quốc tế.
"Tôi nghĩ tổng thống [Trump] đang nói quá và cố gắng tỏ ra cứng rắn theo một cách khiến sự bàng quan của ông ấy bị tiết lộ", cựu luật sư Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, Scott Anderson nhận định. Từng là cố vấn pháp luật tại Đại sứ quán Mỹ ở Bagdad năm 2012 và 2013, ông Anderson cho rằng, Lầu Năm góc từ lâu đã thừa nhận, các cuộc tấn công chỉ nên bao gồm những mục tiêu mang tính chất quân sự. "Vì thế anh không thể chỉ bắt đầu bắn hạ bất kỳ cái gì anh coi là một mục tiêu con tin, như một di tích văn hóa".
Mỹ từng tham gia ký kết một hiệp định quốc tế năm 1954 liên quan tới việc bảo vệ các tài sản văn hóa trong xung đột vũ trang. Việc vi phạm hiệp định với các cuộc tấn công vào di tích văn hóa Iran sẽ tạo ra một cú sốc lớn. Mỹ cũng là một trong những nước chỉ trích dữ dội nhất khi nhóm khủng bố IS phá hủy các cổ vật và di tích lịch sử tại Mosul, Iraq và Palmyra, Syria cũng như sự kiện Taliban dỡ bỏ các bức tượng Bamiyan tại Afghanistan vào năm 2001.
"Mỹ đang đảm nhiệm một vai trò dẫn đầu trong bảo vệ cổ vật khỏi bị phá hủy và trao đổi trái phép, đặc biệt là ở Trung Đông", bà Deborah Lehr – Chủ tịch và người sáng lập tổ chức Liên minh Cổ vật tại Washington cho hay. "Sẽ là một sự sỉ nhục khi thấy văn hóa toàn cầu bị biến mất do bị tấn công có chủ đích".
Năm 2018, chính quyền Trump đã rút Mỹ ra khỏi UNESCO – tổ chức văn hóa của Liên Hợp Quốc được biết tới nhiều nhất với danh sách Các di sản Thế giới.
Theo ông Anderson, bên cạnh việc phản đối, các nước tham gia ký kết công ước 1954 có thể từ chối tham gia các hoạt động quân sự chống lại Iran do Mỹ khởi xướng bao gồm ngừng chia sẻ thông tin tình báo hoặc không để quân đội Mỹ chuẩn bị tấn công Iran tại các căn cứ trên lãnh thổ các nước đồng minh.
Với hastag #IraniaCulturalSites (Di tích văn hóa Iran), một chiến dịch đã được người dùng Twitter phát động nhằm lời đe dọa của Tổng thống Trump. Trong số những di sản được coi là không thể thay thế được – không chỉ đối với Iran mà còn cả thế giới, chính là thành phố Persepolis.
Persepolis là "tổ hợp khảo cổ khổng lồ cuối cùng còn tồn tại từ thời Ba Tư cổ đại", một người dùng Twitter có tên là Sergio Beltran-Garcia viết. "Người Iran và các cơ quan văn hóa của họ đã hết sức thành công trong việc bảo tồn thành phố cổ".
Thậm chí một số người nhà của những nạn nhân từng bị Iran giam giữ cũng thế hiện sự không hài lòng với cách suy nghĩa của ông Trump.
"Có lẽ nên hỏi các con tin xem họ có muốn từng người con tin đại diện cho từng mục tiêu quân sự có thể giết chết nhiều thường dân nhân danh họ hay không", bà Sulome Anderson tweet. Bà chính là con gái của Terry Anderson, một cựu lãnh đạo hãng tin AP từng bị lực lượng Hezbollah (một đồng minh của Iran) bắt giữ tại Lebanon trong suốt 6 năm.