• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đưa Sơn Tây trở thành đô thị văn hóa, lịch sử

Văn hoá 02/11/2023 16:04

(Tổ Quốc) - Mục tiêu giai đoạn 2025 - 2030, thị xã Sơn Tây phấn đấu trở thành một trong những địa phương trọng điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô. Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây được quy hoạch thành đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị vệ tinh cửa ngõ Tây Bắc thành phố.

Mảnh đất giàu tiềm năng

Thị xã Sơn Tây là vùng đất cổ nằm ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội. Vị trí giao thông thuận lợi cùng kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng chính là nguồn tài nguyên dồi dào để Sơn Tây phát triển du lịch với các sản phẩm đặc trưng. Sơn Tây là quê hương của các Anh hùng dân tộc và danh nhân như: Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Vua Ngô Quyền, Thám hoa Giang Văn Minh...

Hiện trên địa bàn thị xã Sơn Tây có 244 di tích và hàng trăm ngôi nhà cổ. Ngoài ra còn có rất nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng như Đền Và, Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam…. Địa phương có 2 điểm du lịch được UBND TP Hà Nội công nhận điểm du lịch là làng cổ ở Đường Lâm và Điểm du lịch thôn Lòng Hồ (xã Kim Sơn).

Đường Lâm- làng cổ nổi tiếng ở Sơn Tây

Thành cổ Sơn Tây là một trong bốn vùng đất phên giậu của Thăng Long - Hà Nội, vừa có chức năng che chở, bảo vệ, vừa tạo thế bàn đạp để vươn ra cai quản, nắm giữ các vùng biên cương Tổ quốc. Thành được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) hoàn toàn bằng đá ong, loại vật liệu đặc sắc của xứ Đoài, đáp ứng được yêu cầu bền chắc của một công trình phòng thủ.

Theo Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ, Thành cổ Sơn Tây là di tích quý hiếm, có giá trị to lớn về nhiều mặt, từ bối cảnh ra đời, lịch sử hình thành đến quy mô, cấu trúc, kỹ thuật xây dựng và vị trí chiến lược trong sự nghiệp bảo vệ đất nước. Với tính chất quan trọng về lịch sử, văn hóa, khoa học, từ năm 1924, Thành cổ Sơn Tây đã được Toàn quyền Đông Dương ra nghị định xếp hạng di tích; năm 1994, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Về mặt văn hóa, hàng trăm năm qua, thị xã Sơn Tây đã tích lũy được “vốn liếng” dầy dặn. Đây là vùng đất gắn liền với những di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng như: Làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây, Chùa Mía, Làng văn hóa Du lịch Việt Nam... Bên cạnh đó, Sơn Tây còn là vùng đất của huyền thoại. Những câu chuyện bên dòng sông Tích, truyền thuyết về vị vua đánh hổ Phùng Hưng, ngôi đền Và ghi dấu Đức Thánh Tản Viên… đều là những tiềm năng giúp Sơn Tây đặt nền móng cho phát triển du lịch văn hóa, tâm linh.

Trở thành trọng điểm du lịch

Theo UBND thị xã Sơn Tây, mục tiêu giai đoạn 2025 - 2030, thị xã phấn đấu trở thành một trong những địa phương trọng điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô. Những năm qua, Sơn Tây đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều mô hình, điểm đến mới như phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, chùa Khai Nguyên, đền Măng Sơn (xã Sơn Đông), Văn Miếu - Sơn Tây (xã Đường Lâm); Đoài Creative, Phát Studio tại khu vực Làng cổ Đường Lâm cùng các khu nghỉ dưỡng cao cấp như Tomodachi Retreat, Glory Resort…

Đưa Sơn Tây trở thành đô thị văn hóa, lịch sử - Ảnh 2.

Nhiều hoạt động được tổ chức nhằm phát triển du lịch văn hóa ở Sơn Tây

Riêng xã Kim Sơn với tiềm năng du lịch sẵn có, trong đó thôn Lòng Hồ đang nổi lên là một điểm du lịch mới, hấp dẫn, với những trải nghiệm du lịch nông thôn độc đáo. Điểm du lịch thôn Lòng Hồ có diện tích đất tự nhiên 90 ha với khung cảnh còn giữ gìn được nhiều nét hoang sơ, giáp hồ Đồng Mô. Hiện nay, điểm du lịch Lòng Hồ đang khai thác các sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực, chăm sóc sức khỏe, thảo dược, check in…

Ông Lê Đại Thăng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết, cùng với việc phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch sẵn có, thị xã Sơn Tây đã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội cùng các đơn vị du lịch triển khai nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn như xe điện phục vụ khách tham quan du lịch trên địa bàn thị xã, du lịch Đường Lâm mùa lúa chín, mô hình trồng hoa phục vụ du khách đến chụp ảnh, cà phê làng cổ, một số dự án bảo tồn và phục hồi giống gà Mía, chè Cam Lâm, làm tương, các sản phẩm bánh kẹo truyền thống…

Đô thị Sơn Tây với nền tảng lịch sử phát triển đô thị lâu dài, làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây, Đền Và... và vùng cảnh quan sinh thái hấp dẫn tại khu vực sẽ được phát triển các chức năng hỗ trợ du lịch, đào tạo, y tế cùng các cơ sở an ninh - quốc phòng hiện có sẽ xây dựng trở thành đô thị cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô.

Đặc biệt, thị xã đề xuất hình thành một thành phố trên cơ sở thành cổ Sơn Tây, khai thác tối đa giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nền công nghiệp không khói là các sản phẩm du lịch đặc thù.

Thị Sơn Tây với yếu tố kiến trúc, yếu tố lịch sử, khơi gợi niềm tự hào dân tộc thông qua các sản phẩm du lịch, phục dựng các làng cổ, khu vực phố cổ, hình thành phố đi bộ, trung tâm triển lãm phi vật thể, triển lãm văn hóa truyền thống, chợ đêm, văn hóa ẩm thực, kiến tạo nền kinh tế bằng nguồn lực du lịch làm cốt lõi..

Để đẩy mạnh phát triển du lịch thị xã Sơn Tây hiệu quả hơn, tiến tới hoàn thành mục tiêu UBND TP Hà Nội đặt ra, ông Bùi Đức Thuận - Phó Chánh Văn phòng Sở Du lịch Hà Nội phân tích, thời gian tới Sở Du lịch Hà Nội cũng phối hợp cùng UBND thị xã Sơn Tây định hướng quy hoạch phát triển, hình thành 3 khu du lịch chính, đó là: Khu du lịch Đồng Mô (là khu du lịch sinh thái kết hợp vui chơi, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng, trong đó có Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam); khu Trung tâm thị xã - Thành cổ - đền Và - Làng cổ Đường Lâm (là khu du lịch về di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng); khu du lịch Xuân Khanh (là khu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, du lịch sinh thái).

Đồng thời, Sở sẽ phối hợp với địa phương hoàn thiện hệ thống quy hoạch theo hướng dành các quỹ đất rộng, vị trí đẹp cho phát triển loại hình cơ sở lưu trú; hướng dẫn các khu, điểm du lịch trên địa bàn thị xã thực hiện đầu tư, phát triển dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; nghiên cứu phát triển một số nhóm sản phẩm du lịch mới có tiềm năng như sản phẩm du lịch đường sông./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ