(Tổ Quốc) - Theo hãng CNN, lượng mưa xối xả chưa từng có đã nhấn chìm nhiều khu vực của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào tuần trước, khiến cuộc sống của người dân ở Dubai và các nơi khác rơi vào tình trạng bế tắc.
Thiệt hại hiện tại là đáng kể
Gần một tuần sau trận mưa kỷ lục, nước lũ vẫn chưa rút hết, khiến người dân Dubai chật vật trong sinh hoạt hàng ngày.
Dubai có mô hình nhân khẩu học độc đáo. Trong số 3,5 triệu dân, 92% là người nước ngoài đến từ 200 quốc gia để sinh sống và làm việc tại thành phố.
Theo một báo cáo, Dubai là điểm đến du lịch tốt thứ hai trên thế giới với hơn 17 triệu du khách đến vào năm ngoái, bị thu hút bởi thời tiết, những quán ăn ngon và khu mua sắm sang trọng.
Sự gián đoạn sau trận mưa trong tuần này đã ảnh hưởng đến hầu hết cuộc sống của mọi người, từ khách du lịch và người lao động nhập cư đến cộng đồng công dân thiểu số và người phương Tây xa xứ.
Sofie, một cư dân nước ngoài cho biết: "Điều đáng sợ là chúng tôi không thể đi đâu cả và bị mắc kẹt trên những con đường ngập nước trong gần 12 giờ.
Tại khu tài chính, nơi đặt trụ sở hoạt động của một số ngân hàng hàng đầu thế giới, những chiếc ô tô sang trọng gần như hoàn toàn chìm trong nước khi đường phố biến thành hồ. Tại bến du thuyền nhân tạo Dubai Marina, điểm đến ưa thích của du khách phương Tây và Nga, đồ đạc tại các nhà hàng và quán cà phê gần đó đã bị dòng nước cuốn trôi.
Khi nước rút, đường phố ngổn ngang những mảnh vụn. Hình ảnh trên các phương tiện truyền thông địa phương cho thấy đường cao tốc với làn đường dành cho ô tô bị bỏ hoang.
Trong những ngày bình thường, đường phố Dubai tràn ngập những người đi xe đạp giao hàng, chỉ trong 20 phút cho hàng tạp hóa và 40 phút cho thực phẩm. Nhưng đầu tuần này, hầu hết đều không thể giao hàng. Người dân phải mạo hiểm đi bộ, tụ tập đám đông lớn ở các quán ăn và siêu thị lân cận, trong một số trường hợp, họ phải xếp hàng dài hàng giờ để mua đồ ăn.
Một số nhà hàng vẫn mở cửa đến tận sáng sớm để đáp ứng nhu cầu. Người dân cho biết họ nhìn thấy một số mặt hàng trong siêu thị trống rỗng một ngày sau cơn bão, bao gồm thực phẩm đông lạnh và đồ ăn sẵn.
Avinash Babur, Giám đốc điều hành của InsuranceMarket.ae, một nhà môi giới bảo hiểm ở UAE cho biết, thiệt hại kinh tế do cơn bão gây ra có thể lên tới hàng tỷ dirham vỉ ảnh hưởng đáng kể đến phương tiện, tài sản và cơ sở hạ tầng (1 dirham tương đương 0,27 USD).
"Thiệt hại hiện tại là đáng kể, gây ảnh hưởng đến cả tài sản công và tư, bao gồm cả cơ sở hạ tầng quan trọng", hãng CNN dẫn tin.
Vệ tinh ghi nhận trước và sau trận mưa
Đáng chú ý, các vệ tinh vẫn có thể nhìn thấy từ không gian nhiều ngày sau khi mây tan và những giọt mưa cuối cùng rơi xuống sau trận mưa lịch sử.
Cơn mưa lớn đã trút xuống UAE từ ngày 16/ 4 đến ngày 17/4. Dubai - thành phố đông dân nhất đất nước - đã ghi nhận lượng mưa tương đương một năm chỉ trong 12 giờ trong khi các khu vực xa hơn về phía đông ghi nhận gần như lượng mưa tương đương 2 năm trong vòng chưa đầy 24 giờ.
Mưa lớn nhất đã rơi xướng các khu vực phía bắc và phía đông thủ đô Abu Dhabi của đất nước. Tổng lượng mưa từ 4 đến 8 inch (khoảng 100 đến 200 mm) là phổ biến, nhưng một số vị trí ghi nhận gần 10 inch (250 mm).
Nước lũ dâng nhanh và rút chậm do trận lụt lịch sử, đây là sự kiện khắc nghiệt nhất ở nước này kể từ khi hồ sơ ghi lại từ cách đây 75 năm trước.
2 ngày sau khi tạnh mưa, vệ tinh Landsat 9 do NASA cùng Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ vận hành khi di chuyển qua UAE vẫn chụp được hình ảnh lũ lụt. Loạt mảng xanh biển đậm trên ảnh là nơi nước còn ngập, tương phản với phần đất liền khô cằn màu nâu nhạt. Phía nam Dubai còn ngập trong khi vùng trung tâm đã khô ráo.
Những hình ảnh này được chụp bằng Landsat 9 làm nổi bật sự hiện diện của nước trên bề mặt đất khô cằn. Màu sắc hiển thị cho thấy sự khác biệt trên vùng đất dễ dàng phát hiện hơn. Vệ tinh cũng ghi lại cảnh lũ lụt đáng kể ở Abu Dhabi. Những vùng nước nhỏ, nông có màu xanh nhạt. Trong khi đó, các vũng nước lũ lớn hơn và sâu hơn có màu xanh đậm.
Trong khi đó, những phần đất khô, rám nắng cũng có màu xanh nhạt sau trận mưa. Điều này có thể cho thấy mặt đất ở nhiều khu vực vẫn giữ được độ ẩm do mưa, ngay cả khi chúng không bị ngập hoàn toàn.
Những hiện tượng mưa cực lớn như vậy đang trở nên phổ biến hơn trên thế giới khi bầu không khí ấm lên do biến đổi khí hậu. Bầu không khí ấm hơn có thể hút nhiều hơi ẩm hơn như một chiếc khăn và sau đó tỏa ra dưới dạng mưa xối xả.
Do đó, những khu vực khô hạn thiếu cơ sở hạ tầng để đối phó với mưa lớn có nhiều khả năng phải vật lộn với những đợt lũ lụt đáng kể.
Ông Avinash Babur cho biết, số lượng cuộc gọi và yêu cầu tìm đến các công ty bảo hiểm của ông đã tăng gấp 10 lần, cùng với nhu cầu về bảo hiểm nhà ở tăng cao.
Khi một số cư dân bị mắc kẹt trong nhà không có điện và không thể rời đi do lũ lụt bên ngoài, một số người đã chọn cách bơi qua đầm lầy để trốn thoát. Đối với nhiều người, việc ở trong nhà đang gợi nhớ đến hồi đại dịch Covid-19 xảy ra vào năm 2020.
Ông Babur cho biết tình hình hiện tại mang đến cơ hội cho Dubai "thể hiện khả năng phục hồi nhanh chóng sau thiên tai, tương tự như cách quản lý hiệu quả trong đại dịch Covid-19"./.