(Tổ Quốc) - Berlin đã gia hạn lệnh cấm tạm thời lệnh cấm xuất khẩu vũ khí tới Riyadh do những lo ngại về cuộc chiến Yemen và vai trò của Saudi trong vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị giết hại.
Lệnh cấm vận sẽ hết hạn vào ngày 9/3, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Đức cho biết hôm thứ Tư rằng lệnh cấm được kéo dài đến cuối tháng 3 để chính phủ có thời gian đánh giá sự tham gia của quân đội Saudi Arabia trong cuộc chiến của Yemen.
"Chúng tôi đã quyết định điều này với quan điểm nhìn về diễn biến ở Yemen," ông Heiko Maas nói sau cuộc họp nội các của Thủ tướng Angela Merkel.
"Chúng tôi tin rằng cuộc chiến Yemen phải kết thúc càng sớm càng tốt." "Không chỉ sẽ không có bất kỳ giấy phép nào được cấp cho đến cuối tháng này, mà các sản phẩm có giấy phép đã được cấp cũng sẽ không được giao," ông nói thêm.
Thương vụ máy bay Typhoon của châu Âu cho Saudi cũng đang bị đặt dấu hỏi. (Nguồn: AP)
Không có số liệu thống kê thương vong cụ thể cho cuộc chiến ở Yemen. Năm 2017, một quan chức Liên Hợp Quốc cho biết 10.000 dân thường đã thiệt mạng, mặc dù các nhóm xã hội cho biết số người chết có thể gấp năm lần, do xung đột, chết đói và bệnh tật. Hiện hàng triệu người cũng đang trên bờ vực nạn đói.
Một liên minh do Saudi dẫn đầu đã can thiệp vào cuộc chiến Yemen vào tháng 3/2015 để hỗ trợ Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi, bị lật đổ bởi nhóm phiến quân Houthi năm trước.
Đã có nhiều lời chỉ trích đối với liên minh trên do các cuộc không kích đã giết chết hàng ngàn thường dân tại các bệnh viện, trường học và chợ, đồng thời kêu gọi các chính phủ phương Tây ngừng xuất khẩu vũ khí sang Saudi Arabia và các đồng minh trong liên minh này.
Vào tháng 10, Đức đã áp dụng lệnh dừng đơn phương đối với xuất khẩu vũ khí sang Saudi sau khi Jamal Khashoggi, một phóng viên của Washington Post đã bị giết hại trong lãnh sự quán Saudi Istanbul.
Tuy nhiên, chính phủ liên minh Đức đang chịu sức ép từ Anh và Pháp trong việc dỡ bỏ lệnh cấm. Họ nói rằng điều đó ngăn cản họ bán các thiết bị được phát triển chung với Đức cho Saudi Arabia.
Đức chỉ chiếm dưới 2% tổng nhập khẩu vũ khí của Saudi. Nhưng vai trò của Berlin trong việc sản xuất các bộ phận vũ khí trong các dự án khí tài chung với các quốc gia khác có nghĩa là Berlin vẫn có thể tác động mạnh tới các dự án vũ khí sinh lợi ở châu Âu.
Động thái này đã đặt một dấu hỏi lên các đơn đặt hàng quân sự trị giá hàng tỷ USD, bao gồm một thỏa thuận trị giá 13,13 tỷ USD bán 48 máy bay phản lực Typhoon của châu Âu cho Riyadh.