(Tổ Quốc) - Số ca mắc COVID-19 của Đức đang tăng cao hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đất nước này lại đang nới lỏng các hạn chế và hy vọng vào một cuộc sống bình thường hóa.
Chính phủ Đức gần đây đã quyết định giảm phần lớn các biện pháp hạn chế đại dịch COVID-19 trên toàn quốc, bắt đầu từ ngày 20 tháng 3. Quyết định này được đưa ra dù số ca nhiễm tại nước này vẫn tiếp tục tăng cao, với tỷ lệ cứ 100.000 người thì có 1.500 người nhiễm bệnh trong bảy ngày trên khắp nước Đức.
Biến thể omicron chủ yếu gây ra các triệu chứng nhẹ, đặc biệt là ở những người đã được tiêm chủng. Hiện tại 75,7% dân số Đức đã được tiêm ít nhất hai mũi vắc-xin. Con số này chưa đủ để nước Đức đánh bại đại dịch, nhưng cũng không quá cần thiết để duy trì các biện pháp hạn chế như hiện tại.
Dù Bộ trưởng Y tế Đức Lauterbach không hoàn toàn đồng tình với cách làm trên, nhưng chính phủ liên bang Đức đang muốn cải tổ Đạo luật Bảo vệ phòng chống lây nhiễm trong tuần này, và đồng ý giảm đáng kể các biện pháp hạn chế mà 16 bang của Đức có thể áp đặt trong tương lai.
Các quy tắc trước đó sẽ hết hạn vào ngày 19 tháng 3 và cần có những quy định mới. Nếu đạo luật này được thay đổi theo kế hoạch dự kiến của chính phủ Đức thì chỉ có một số yêu cầu sẽ được duy trì, ví dụ như: đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Việc xét nghiệm COVID sẽ tiếp tục là biện pháp cần thiết. Khi xuất hiện các điểm nóng lây nhiễm, các bang có thể quyết định thắt chặt các biện pháp hạn chế, nhưng chỉ khi nơi đó gia tăng đáng kể các ca lây nhiễm. Việc nới lỏng các hạn chế sẽ giúp tất cả mọi người, dù là đã được tiêm chủng hay chưa được tiêm chủng, đều được phép đến các cơ sở giải trí như nhà hàng, quán bar, nhà hát hoặc rạp chiếu phim.
Nhiều bang cảm thấy bất ngờ trước ý định nới lỏng hạn chế của chính phủ liên bang. Nhiều tổ chức chuyên khoa và hiệp hội y tế cũng bày tỏ lo ngại. Thủ hiến bang Lower Saxony (SPD)-Stephan Weil cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình công cộng NDR rằng: việc đảm bảo bao phủ vắc-xin là cần thiết để thực sự giảm thiểu số ca nhiễm trong thời gian dài. Nhưng tỷ lệ tiêm chủng đã trì trệ từ lâu, chỉ ở mức khoảng 75% số người được tiêm chủng đầy đủ, và có rất ít trường hợp tiêm chủng mới.
Ngoài Đạo luật Bảo vệ phòng chống lây nhiễm, khả năng yêu cầu tiêm chủng bắt buộc trong một số lĩnh vực nhất định của xã hội đang ngày càng được chú trọng. Bắt đầu từ tuần này, những người làm việc trong ngành y tế đều phải tiêm chủng phòng ngừa COVID 19. Tuy nhiên, ông Lauterbach vẫn đang thúc đẩy việc áp đặt nghĩa vụ tiêm chủng chung: "Tôi luôn phản đối với lập luận rằng 'Omicron không nguy hiểm đến mức đó. Chúng tôi không cần nghĩa vụ tiêm chủng. Đó là một sai lầm".
Quốc hội Đức đã thảo luận về Đạo luật Bảo vệ phòng chống lây nhiễm mới vào thứ Tư và bỏ phiếu về quyết định này vào thứ Sáu nếu mọi thứ diễn ra theo kế hoạch, nhưng vẫn còn phụ thuộc vào quyết định có áp dụng tiêm chủng bắt buộc hay không.