• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đức- Thổ Nhĩ Kỳ “ăn miếng trả miếng”, ẩn tình sức mạnh Pháp?

Thế giới 11/09/2017 21:00

(Tổ Quốc) - Anh rời đi để lại khoảng trống cho Pháp về sự hội nhập của Ankara trong EU - điều đặc biệt quan trọng khi sóng gió Đức - Thổ đang leo thang.

Cuộc khẩu chiến giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ rất có lợi về mặt chính trị đối với Berlin. Trong khi đó, người Pháp đang tiếp nhận vai trò truyền thống của Anh như nhà bảo trợ cho Ankara ở châu Âu, Esra Ozyurek - Phó giáo sư tại Trường Kinh tế London nói với Radio Sputnik.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh rạn nứt giữa Liên minh châu Âu EU và Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh mối quan hệ giữa Ankara và Berlin đang căng thẳng.

Tiếp nối vai trò bảo trợ

Thổ Nhĩ Kỳ là "đối tác quan trọng trong nhiều cuộc khủng hoảng mà chúng ta cùng đối mặt", ông Macron nói với tờ báo Kathimerini của Hy Lạp, đề cập đến cuộc khủng hoảng di cư và mối đe dọa khủng bố.

Ông Macron nói rằng thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hạn chế di dân bất hợp pháp sang EU bằng cách tăng cường kiểm soát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và hỗ trợ các trại tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, "đang cho thấy kết quả" và "đặc biệt cần thiết để giảm áp lực lên Hy Lạp."

Tuyên bố ủng hộ Ankara của Tổng thống Pháp được đưa ra trong bối cảnh tình hình đang xấu đi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức. Berlin đã kêu gọi EU phải có một lập trường cứng rắn hơn với Thổ Nhĩ Kỳ về những hành động vi phạm nhân quyền từ sau cuộc đảo chính thất bại tháng 7/2016.

Tiến sĩ Esra Ozyurek, Phó Giáo sư và Trưởng khoa Nghiên cứu Thổ nhĩ kỳ Đương đại thuộc Trường Kinh tế London, nói với Radio Sputnik rằng sự ủng hộ của Pháp đối với việc hội nhập Thổ Nhĩ Kỳ vào EU nên được nhìn nhận trong bối cảnh nước Anh rời khỏi khối này.

Việc Đức- Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng và tiến trình Ankara gia nhập EU kéo dài khiến mối quan hệ khu vực đang ngày càng phức tạp. (Nguồn: AFP)

"Người Anh đã từng là người ủng hộ mạnh mẽ nhất của việc Thổ Nhĩ Kỳ hội nhập vào EU. Và khi thiếu vắng nước Anh, Pháp hiện nay đang tiếp nhận vai trò này."

Sóng gió Đức- Thổ trước thềm bầu cử

Với việc Đức đang chuẩn bị hướng tới cuộc bầu cử liên bang vào cuối tháng này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ám chỉ rằng các chính trị gia người Đức từ liên minh cầm quyền Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cũng như phe đối lập Đảng Xanh là "kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ" và đã kêu gọi cộng đồng người Thổ tại Đức không bỏ phiếu cho họ .

Tuy nhiên, những diễn biến trên không ảnh hưởng đến bà Merkel – người đang dẫn trước đối thủ chính là ông Martin Schulz trong các cuộc thăm dò ý kiến. Thậm chí, những tranh cãi với Thổ Nhĩ Kỳ đã củng cố danh tiếng của bà trong số cử tri, Ozyurek giải thích.

“Rõ ràng lập trường cứng rắn đối với Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang có lợi cho bà ấy. Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò của họ trong số các nhà lãnh đạo châu Âu. Và việc có lập trường mạnh mẽ về quan hệ với Thổ, trong thời gian bầu cử, chắc chắn làm tăng vị thế của bà như một nhà lãnh đạo".

"Merkel cũng đưa ra lập trường cứng rắn này vì dường như cuộc chiến tại Syria sắp chấm dứt và nhiều người tị nạn trước đó muốn rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ (để tới EU) đã rời đi" – điều làm giảm áp lực lên EU và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tiếp nhận người tị nạn và hướng đến một thỏa thuận chính trị về cách hỗ trợ họ.

Bí ẩn kẻ thua cuộc?

Theo chuyên gia trên, những người thua cuộc lớn nhất trong căng thẳng quan hệ giữa Ankara và Berlin là những công dân Thổ Nhĩ Kỳ sống ở Đức, khoảng 1,5 triệu người.

"Nếu người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức đi theo diễn biến căng thẳng, họ sẽ là những người sẽ bị gạt ra ngoài lề xã hội, có thể sẽ mất quyền công dân cả hai nước, mất khả năng duy trì thể chế của họ cũng như nguồn hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ."

Ozyurek cho biết, một số tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đánh giá quá cao ảnh hưởng của Ankara đối với cộng đồng Do Thái sinh sống ở Châu Âu, bao gồm việc ông hướng dẫn người Thổ ở Đức về cách bỏ phiếu.

"Người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức theo truyền thống bỏ phiếu cho đảng Dân chủ xã hội, bởi vì họ thường có nền tảng là (tầng lớp) công nhân. Họ sẽ bỏ phiếu cho các đảng mà họ cho là có lợi, họ sẽ không theo những gì ông Erdogan nói với họ nên làm".

Theo ông Ozyurek, giống như nhiều nhà lãnh đạo khác trên khắp thế giới, Tổng thống Erdogan đang trở nên "ngày càng đi theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa biệt lập", nhưng ông cũng có xu hướng nhanh chóng thay đổi các lập trường chính trị của mình.

"Trên cương vị của mình, trong suốt 12 năm qua, ông Erdogan đã thay đổi lập trường của mình một cách nhanh chóng. Ông đã từng là một nước ủng hộ Liên minh Châu Âu, bây giờ ông trở nên lạnh giá hơn đối với EU. Ông đã là người lãnh đạo thúc đẩy tiến trình hòa bình với người Kurd, nay ông chống lại người Kurd. Ở nhiều vấn đề, ví dụ như trong mối quan hệ của ông với Nga, ông đã thay đổi rất nhanh lập trường".

Do đó, chuyên gia Ozyurek cho rằng, "nếu ông ấy thấy rằng hiện tại phát triển quan hệ với EU sẽ là một điều có lợi cho mình, tôi nghĩ ông ấy sẽ một lần nữa quay lập trường sang hướng đó."

(Theo Sputnik)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ