(Tổ Quốc) - Do số ca nhiễm Covid-19 đã "bùng nổ" từ 926 ca vào cuối tháng 3 lên tới 16.169 ca vào cuối tháng 4, hệ thống y tế của Singapore cũng phải thay đổi khẩn trương để đáp ứng nhu cầu điều trị gia tăng.
Mãi đến cuối tháng 3, số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Singapore vẫn luôn duy trì ở mức thấp, cao nhất cũng chỉ có 73 ca/ngày. Điều này khiến đảo quốc sư tử được cả thế giới công nhận là kiểm soát dịch thành công. Tuy nhiên, chính phủ vẫn liên tiếp cảnh báo con số nhiễm mới có thể tăng lên rất nhanh. Điều đó trở thành hiện thực từ đầu tháng 4 khi xuất hiện một loạt ổ dịch trong các ký túc xá chật hẹp, tập trung đông đúc người lao động nhập cư.
"Như mọi người có thể thấy, chiến lược của Singapore khá hiệu quả cho đến cuối tháng 3. Nhưng đặc biệt từ khi bùng phát dịch trong nhóm lao động nước ngoài, chúng tôi đã phải 'rượt đuổi' theo làn sóng lây nhiễm" - Phó giáo sư Hsu Li Yang từ trường y tế Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.
Nói về sự chuẩn bị của đất nước trước đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai, phó giáo sư Hsu thừa nhận: "Chúng tôi đã không sẵn sàng mặc dù có cảnh báo trước đó về các đối tượng dễ bị lây nhiễm. Dù vậy, chúng tôi đã nhanh chóng đưa ra biện pháp mới để có thể kiểm soát trở lại tình hình".
Trong khi Singapore có thêm 520 ca nhiễm mới/ngày trong tuần thứ ba của tháng 4, thì tuần cuối tháng đã tăng vọt lên đến 950 ca/ngày. Sau đó, tuần đầu tiên của tháng 5 chứng kiến mức giảm nhẹ, bình quân chưa tới 700 ca/ngày. Các số liệu này cho thấy tình hình Covid-19 ở quốc gia Đông Nam Á này đã thuyên giảm, tuy vẫn rất khó lường và cần duy trì các biện pháp phòng dịch chặt chẽ.
Đến nay, Singapore đã giải quyết khá thành công 3 bài toán khó về cơ sở điều trị, nguồn nhân lực và đảm bảo hệ thống y tế không "vỡ trận" do một dịch bệnh khác.
1. Làm sao cố gắng tăng số giường điều trị lên mức tối đa
Số ca nhiễm lên tới hàng vạn người buộc Singapore phải chuẩn bị sẵn sàng để nhận vào lượng lớn bệnh nhân.
Vào cuối năm 2019, cả bệnh viện công lập và tư nhân của Singapore có tổng cộng 11.321 giường điều trị cấp tính. Đến ngày 25/4 vừa qua, Bộ Y tế nước này cho biết, 4 trong số 8 bệnh viện công đã được lấp đầy 75% bệnh nhân. Cùng ngày hôm đó, chỉ có 10% trong số 12.000 người nhiễm Covid-19 được nhập viện. Còn lại hơn 10.000 người khác được cách ly ở nơi chỉ định của chính phủ. Điều đó cho thấy Singapore không hề dư dả cơ sở vật chất để chữa trị bệnh nhân Covid-19 nếu làn sóng lây nhiễm tiếp tục đẩy lên cao.
Để tránh vỡ trận, Singapore cách ly phần lớn ca nhiễm Covid-19, tập trung điều trị ca bệnh nặng.
Hiện tại, quốc gia này xử lý bằng cách chuyển 80% người mắc Covid-19 - những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ - đến cơ sở cách ly tập trung. Cho đến ngày 28/4, Singapore đã cung cấp hơn 18.000 giường chăm sóc "dã chiến", và khoảng 23.000 giường khác sẽ được sắp xếp trong thời gian tới.
"Chúng tôi đang xây dựng các cơ sở y tế trong vòng 2 tháng qua để ứng phó với số ca nhiễm Covid-19 tăng cao" - người phát ngôn từ Bộ Y tế Singapore cho biết với hãng tin CNA. "Để đảm bảo có giường trống, những bệnh nhân không cần điều trị cấp tính sẽ được chuyển tới cơ sở tư nhân hoặc trạm xá. Ở đó, họ sẽ được chăm sóc tiếp tục cho đến khi phục hồi hoàn toàn".
Trung tâm triển lãm Singapore EXPO đã cải tổ thành điểm cách ly, chăm sóc tập trung ca nhiễm Covid-19 nhẹ.
Bên cạnh các bệnh viện tư và khu cách ly tập trung giúp gánh vác một phần sức nặng, các bệnh viện công của Singapore cũng nỗ lực để bổ sung giường điều trị. Ví dụ đến trưa 3/5, Bệnh viện Đa khoa Ng Teng Fong đã chăm sóc cho tới 1.247 người mắc Covid-19, bao gồm 1.146 bệnh nhân là người lao động nhập cư.
Giám đốc Foo Hee Jug cho biết, bệnh viện đã và đang tái cơ cấu các khu vực điều trị trong suốt nhiều tuần nay. Cụ thể, họ xếp thêm 18 băng ca và 96 xe lăn cho trường hợp khẩn cấp ở một phòng riêng biệt. Đồng thời, bệnh viện cộng đồng Jurong gần đó cũng bố trí chỗ nghỉ ngơi cho những ai đang chờ đợi xét nghiệm virus corona. Tất cả phòng điều trị Covid-19 đều chú trọng đảm bảo thông thoáng, ngăn chặn virus lây lan (trừ phòng cách ly âm được bố trí đặc biệt).
2. Bài toán về nguồn lực y bác sĩ
Bên cạnh chuẩn bị về cơ sở vật chất và trang thiết bị, Singapore còn gấp rút huy động nhân viên y tế sẵn sàng cho "cơn sóng thần" người nhiễm Covid-19. Người phát ngôn Bộ Y tế cho biết: "Chúng tôi đang tập huấn cho các nhân viên y tế để kiêm nhiệm thêm nhiều vai trò, ví dụ như làm việc tại phòng chăm sóc tích cực (ICU)".
Thêm vào đó, Bộ Y tế đã thành lập lực lượng "SG Heathcare" vào đầu tháng 5 này. Tổ chức này bao gồm 3.000 nhân viên y tế tự nguyện tham gia chống dịch Covid-19, bao gồm cả y bác sĩ đã nghỉ hưu hoặc làm trong khu vực tư nhân. Họ sẽ được đào tạo nhanh để giúp sức đẩy lùi đại dịch, bao gồm cách thức lấy mẫu bệnh phẩm từ mũi, họng của bệnh nhân để xét nghiệm.
Tuy nhiên, việc tập huấn cũng gặp nhiều khó khăn. Ví dụ cô Doreen Heng, phó nhóm y tá tại Bệnh viện Alexandra, cho biết không thể huấn luyện quy trình làm việc tại phòng ICU cho nhóm đông người, vì cần phải chỉ dạy cặn kẽ kết hợp với quan sát thực tế. Ngoài ra, yếu tố tâm lý của các nhân viên y tế cần phải được tính toán cẩn thận.
"Điều quan trọng là tránh bị áp lực, bạn cần phải tập trung liên tục. Không chỉ quan tâm đến mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân, bạn còn phải chú ý tuân thủ quy trình công việc đã đề ra" - y tá Heng chia sẻ.
Cùng lúc đó, từ đầu tháng 4, các bác sĩ và chuyên gia y khoa của Bệnh viện Ng Teng Fong đã trực tiếp đến các ký túc xá của người lao động nhập cư, cố gắng xét nghiệm và hỗ trợ y tế cho cộng đồng này.
3. Hiểm họa song hành không thể xem thường: Đợt cao điểm sốt xuất huyết
Băng rôn cảnh báo dịch sốt xuất huyết ở Singapore
Giữa lúc Covid-19 chiếm trọn các mặt báo ở Singapore và quốc tế, thì một thách thức khác đã lặng lẽ xâm nhập vào các bệnh viện. Đó là đợt cao điểm bệnh sốt xuất huyết Dengue (do virus Dengue gây ra), bắt đầu từ tháng 5 và sẽ kéo dài đến tháng 9.
Vào cuối tháng, Cục Môi trường Quốc gia (NEA) đã cảnh báo người dân Singapore cần chủ động phòng tránh sốt xuất huyết. Chỉ trong thời điểm giữa tháng 4, Singapore đã ghi nhận 5.800 ca bệnh, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ quan NEA ước tính rằng năm nay, tổng số người mắc bệnh này có thể vượt qua mức 16.000 ca của năm ngoái.
Tuy vậy, Bộ Y tế Singapore tự tin có thể chặn đứng cả 2 mối hiểm họa dịch Covid-19 và cao điểm sốt xuất huyết. "Hầu hết ca sốt xuất huyết Dengue có thể được điều trị ở cơ sở địa phương. Nếu cần nhập viện, hiện giờ hệ thống y tế của chúng ta vẫn đủ khả năng tiếp nhận" - người phát ngôn khẳng định.
Singapore chỉ có 18 ca tử vong trong tổng số 18.778 ca nhiễm (đến chiều 4/5), tỷ lệ tử vong thấp bậc nhất thế giới.
Phó giáo sư Hsu Li Yang chia sẻ: "Hệ thống y tế đã bị kéo căng do Covid-19, đó là thực tế rõ ràng. Ngoài ra chúng ta còn đang chứng kiến số ca sốt xuất huyết cao gấp đôi năm ngoái". Tuy nhiên, ông Hsu chỉ ra yếu tố lạc quan là hầu hết người nhiễm Covid-19 (trong nhóm lao động nhập cư) là nam giới trẻ tuổi và khỏe mạnh. Họ có triệu chứng nhẹ nên chỉ cần cách ly, không cần nhập viện. Ngoài ra, số ca nhiễm mới đang có chiều hướng giảm xuống nhờ các biện pháp phong tỏa.
Bác sĩ Asok Kurup, chuyên khoa truyền nhiễm tại Bệnh viện Elizabeth, cũng tin rằng đảo quốc sư tử có thể khống chế được dịch bệnh. "Tỷ lệ tử vong của chúng tôi vào mức thấp nhất trên thế giới. Đó là nhờ kết hợp nhanh các việc làm cần thiết như xét nghiệm trên diện rộng, theo dõi dấu vết truyền nhiễm và cách ly kịp thời. Cơ sở vật chất và đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn ổn định được chuẩn bị qua nhiều năm liên tục, cũng giúp ích đáng kể cho tình trạng hiện tại".
Đến nay, Singapore chỉ ghi nhận 18 ca tử vong liên quan đến Covid-19.
"Mặc dù nhiều bệnh nhân (không nhiễm Covid-19) sẽ thấy rằng việc điều trị của mình bị trì hoãn so với trước đó, nhưng hệ thống y tế của chúng tôi sẽ không bị sụp đổ hay quá tải trong thời gian tới" - phó giáo sư Hsu bày tỏ.
(Theo CNA)