• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Duyên cớ loạt 'ông lớn' sốt sắng thỏa thuận an ninh Trung Quốc – Solomon

Thế giới 20/04/2022 18:26

(Tổ Quốc) - Australia, New Zealand và Mỹ quan ngại về an ninh ở Thái Bình Dương sau khi Trung Quốc ký hiệp ước với quần đảo Solomon.

Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare đã lên tiếng bảo vệ hiệp ước an ninh mà chính phủ của ông đã ký với Trung Quốc. Phát biểu với quốc hội nước này, ông Sogavare nói rằng thỏa thuận với Bắc Kinh là cần thiết để giải quyết "tình hình an ninh nội bộ" của quần đảo Solomon.

Đảo quốc Thái Bình Dương này từ lâu đã phải vật lộn với tình trạng bất ổn chính trị, gần đây nhất là vào tháng 11 năm 2021 khi những người biểu tình nhắm mục tiêu vào khu phố Tàu ở thủ đô Honiara và cố gắng xông vào nơi ở của Sogavare.

Một đội ngũ cảnh sát Australia đã giúp khôi phục sự ổn định theo yêu cầu của chính phủ nước này. Australia cũng đã dẫn đầu một phái bộ đa phương năm 2003 hỗ trợ bình ổn nước này sau khi bạo lực và đảo chính bùng lên từ cuối những năm 1990.

Canberra cũng đã lên tiếng cảnh báo về hiệp ước của Solomon với Trung Quốc sau khi bản dự thảo hiệp ước bị rò rỉ trực tuyến vào tháng 3 và đã cố gắng khuyến nghị ông Sogavare suy nghĩ lại về hiệp ước này. Cả Mỹ và New Zealand cũng đồng thời bày tỏ quan ngại rằng hiệp ước này có thể dẫn đến việc Trung Quốc thiết lập tiền đồn quân sự ở Thái Bình Dương.

Mark Harrison, giảng viên cao cấp về nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Tasmania, nhận định với Al Jazeera rằng: "Đây là một động thái gây thêm khó khăn đối với Australia trong việc đánh giá lại tương lai của mình ở một khu vực bị Trung Quốc ảnh hưởng mạnh mẽ. Australia đã hoàn toàn đánh giá sai về tác động của sự trỗi dậy Trung Quốc vào đầu những năm 2010 và việc nhìn nhận lại cũng diễn ra chậm chạp".

Tình hình an ninh ở Quần đảo Solomon?

Quần đảo Solomon, với dân số dưới 700.000 người, nắm giữ hàng trăm hòn đảo nằm về phía đông của Papua New Guinea trên biển Thái Bình Dương.

Thủ đô Honiara nằm trên đảo Guadalcanal, nơi diễn ra trận chiến ác liệt - và cực kỳ quan trọng - giữa quân đội Hoa Kỳ và Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai.

Duyên cớ loạt 'ông lớn' sốt sắng thỏa thuận an ninh Trung Quốc – Solomon - Ảnh 1.

Việc Trung Quốc và quần đảo Solomon tiến tới thỏa thuận an ninh đã khiến hàng loạt quốc gia quan ngại. Ảnh: AP.

Từng là thuộc địa của Anh, nơi này đã phải vật lộn với tình trạng bất ổn kể từ cuối những năm 1990 khi căng thẳng sắc tộc bùng phát thành bạo lực và một cuộc đảo chính đưa ông Sogavare lên nắm quyền lần đầu tiên vào năm 2000.

Khi nước này rơi vào tình trạng gần như sụp đổ về kinh tế và chính trị, Australia và New Zealand đã triển khai quân đội, sự ổn định được khôi phục và một hiệp định hòa bình được ký kết.

Tuy nhiên, sự ổn định này không kéo dài và phải nhờ tới sự hỗ trợ của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương.

Và đến năm 2019, ông Sogavare lại được bầu làm thủ tướng và nhiều tháng sau đó đã có động thái cắt đứt quan hệ ngoại giao lâu đời giữa quần đảo Solomon với Đài Loan để ủng hộ Bắc Kinh.

Động thái này không được toàn thể người dân ở Quần đảo Solomon đồng tình và Daniel Suidani, thủ hiến tỉnh Malaita, đã bác bỏ việc chuyển đổi quan hệ này, nói rằng ông sẽ thúc đẩy độc lập cho Malaita, tỉnh lớn nhất của đất nước.

Các cuộc bạo động vào tháng 11/2021 cũng phản ánh hậu quả tiếp tục từ quyết định chuyển đổi quan hệ ngoại giao này.

Có gì trong hiệp ước Solomon – Trung Quốc?

Văn bản của hiệp ước này không được tiết lộ. Tuy nhiên, bản dự thảo bị rò rỉ cho biết thỏa thuận này cho phép các tàu chiến Trung Quốc dừng lại ở Solomons và cảnh sát Trung Quốc được triển khai theo yêu cầu của quần đảo để duy trì "trật tự xã hội". Không bên nào được phép tiết lộ các nhiệm vụ một cách công khai nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của bên kia.

"Chúng tôi dự định củng cố và tăng cường năng lực của cảnh sát để đối phó với bất kỳ sự bất ổn nào trong tương lai bằng cách trang bị thích hợp cho cảnh sát để chịu hoàn toàn trách nhiệm an ninh của đất nước, với hy vọng chúng tôi sẽ không bao giờ phải viện đến bất kỳ thỏa thuận an ninh song phương nào", ông Sogavare giải thích trước quốc hội hôm thứ Tư, nói rằng hiệp ước này tuân thủ luật pháp quốc tế và trong nước.

Ông Sogavare trước đó đã nói rằng Solomons "không có ý định yêu cầu Trung Quốc xây dựng một căn cứ quân sự" và hôm thứ Tư nhấn mạnh thỏa thuận này "được định hướng theo lợi ích quốc gia của chúng tôi".

Lãnh đạo đảng đối lập Matthew Wale tỏ ra nghi ngờ.

Tờ Solomon Star dẫn lời ông Wale cho biết hôm thứ Tư rằng: "Tất cả những nguyên nhân dẫn đến sự bất ổn, mất an ninh và thậm chí là các mối đe dọa đối với sự thống nhất quốc gia ở Quần đảo Solomon là hoàn toàn xuất phát từ vấn đề nội bộ. Điều này có nghĩa là thỏa thuận, trong việc tạo cơ hội cho Trung Quốc sử dụng quân sự, không liên quan gì đến an ninh quốc gia của Quần đảo Solomon. Tôi nghi ngờ rằng tầm nhìn cho thỏa thuận này được tính toán về khía cạnh địa chính trị. Về phía Thủ tướng Sogavare, ông ấy có lợi ích, về phía Trung Quốc, đây là một cơ hội quá tốt không thể bỏ lỡ".

Hàng loạt ông lớn quan ngại

Australia, quốc gia đã có thỏa thuận an ninh với Honiara từ năm 2017, là quốc gia lên tiếng chỉ trích thỏa thuận này nhiều nhất. Nhưng các quốc gia khác ở Thái Bình Dương, bao gồm Mỹ và New Zealand, cũng lên tiếng quan ngại.

Thủ tướng Australia Scott Morrison, người đang trong chiến dịch tranh cử, hôm thứ Tư cho biết việc ký kết hiệp ước trên cho thấy "áp lực dữ dội" từ Trung Quốc đối với các quốc đảo Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne, trong một tuyên bố chung với Zed Seselja, Bộ trưởng Quốc tế, Phát triển và Thái Bình Dương, cho biết trong khi Australia tôn trọng "quyền đưa ra các quyết định có chủ quyền" của Honiara thì họ "vô cùng thất vọng" với hiệp ước giữa nước này và Trung Quốc.

"Chúng tôi lo ngại về sự thiếu minh bạch khi thực hiện thỏa thuận này và nó có khả năng làm suy yếu sự ổn định trong khu vực của chúng tôi", tuyên bố trên cho biết. Canberra cũng đang muốn làm "rõ ràng hơn" về các điều khoản của thỏa thuận và hậu quả của nó đối với khu vực.

Đảng Lao động đối lập tại Australia đã mô tả đây là "thất bại tồi tệ nhất trong chính sách đối ngoại của Australia ở Thái Bình Dương kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc". Quan chức ngoại giao hàng đầu Penny Wong của đảng này lưu ý rằng Australia đã phớt lờ những cảnh báo từ tháng 8 năm ngoái về khả năng diễn ra thỏa thuận này.

Trong một tuyên bố hôm thứ Tư, các quan chức từ Australia, Mỹ, New Zealand và Nhật Bản bày tỏ "chia sẻ quan ngại về khuôn khổ an ninh mới và những rủi ro nghiêm trọng của thỏa thuận này đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở".

Tiếng nói từ Trung Quốc?

Trung Quốc đã là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Quần đảo Solomon, mua khoảng 65% hàng hóa của Honiara vào năm 2019. Trong khi đó, Australia chỉ mua chưa tới 1% hàng hóa xuất khẩu của Solomons.

Trung Quốc cũng là nguồn cung cấp gần 1/4 hàng hóa nhập khẩu vào Solomon, tiếp theo là Australia với 13%.

Khi công bố thỏa thuận an ninh, Bắc Kinh coi đây là "trao đổi và hợp tác bình thường giữa hai quốc gia có chủ quyền và độc lập".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cho biết các cường quốc phương Tây đang "cố tình phóng đại căng thẳng" về hiệp ước.

Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu, Trung Quốc hôm thứ Tư cho biết: "Quần đảo Solomon nên nhận ra rằng họ đang được Washington quan tâm đặc biệt vì Mỹ muốn sử dụng họ như một quân bài để kiềm chế Trung Quốc".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ