(Tổ Quốc) - Nga đưa hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân Buk-M3 tới Viễn Đông nhằm phòng ngừa căng thẳng Triều Tiên.
Bộ Quốc phòng Nga đã trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa thế hệ mới Buk-M3 "Kill-All"cho một đơn vị phòng không thuộc Eastern Military District – đơn vị đầu tiên tại Siberia và Viễn Đông nhận được vũ khí tiên tiến này, nhật báo Izvestiya của Nga cho hay.
Việc huấn luyện cho các nhân viên quân sự bắt đầu từ tháng này và sẽ kéo dài trong 2 tháng, một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết. Sau đó, đơn vị trên sẽ hoàn toàn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu với sự trợ giúp của hệ thống vũ khí tối tân này.
Sức mạnh đáng sợ của Buk-M3
Hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung Buk-M3, một phiên bản cải tiến của hệ thống Buk-M2, với các thiết bị kỹ chiến thuật hiện đại và loại tên lửa mới “chết người” – được coi là một hệ thống tên lửa hoàn toàn mới.
Hệ thống tên lửa Buk-M3 đáng gờm của Nga. (Nguồn:Sputnik) |
Loại tên lửa mới được phóng bởi máy phóng tối tân 9R31M, nhỏ gọn hơn so với thiết bị được sử dụng bởi các thế hệ tiền nhiệm, cho phép Buk-M3 mang theo sáu thay vì bốn tên lửa. Đồng thời, tên lửa mới này vượt trội hơn các mô hình trước đó về các đặc tính kỹ thuật: có thể phá hủy bất kỳ mục tiêu nào hiện diện trên không và có thể được sử dụng chống lại các mục tiêu trên biển và trên mặt đất, bao gồm các máy bay chiến thuật và chiến lược, máy bay trực thăng, tên lửa đạn đạo tầm trung, tên lửa hành trình, tên lửa phòng không, tên lửa chống phóng xạ, các tên lửa có vũ khí dẫn đường và sử dụng hệ thống khí động lực, theo trang web của Quỹ Văn hóa Chiến lược.
Hệ thống này cũng có sức phòng thủ mạnh mẽ trước các hành động đánh chặn bằng công nghệ điện tử, ví dụ như các biện pháp gây nhiễu.
Chuyên gia quân sự Nga kiêm Tổng biên tập Tạp chí Arsenal Otechestva Viktor Murakhovsky, đã chỉ ra rằng hệ thống tiên tiến này có nhiều đặc tính hiện đại chưa từng xuất hiện trong các hệ thống tương tự trước đây. Những điểm cải tiến này đã cải thiện hiệu suất và khả năng chiến đấu cho Buk-M3.
Việc gia tăng tải trọng lên 6 tên lửa cho thấy một điểm cải tiến đáng kể so với các hệ thống Buk cũ. Bên cạnh đó, hệ thống Buk-M3 cũng chứa đạn tên lửa trong các ống phóng kiêm container bảo quản, thay vì mang theo bên ngoài – điều này đã giảm đáng kể thời gian khởi động tên lửa và đảm bảo sự an toàn của nguồn đạn.
Hệ thống Buk-M3 cũng được trang bị máy tính công nghệ số mới, hệ thống trao đổi dữ liệu tốc độ cao và một thiết bị định vị hình ảnh chính xác. Buk-M3 cũng cho phép phát hiện các mục tiêu trên không bay ở độ cao cực thấp (từ 5m và cao hơn).
Xác suất phá hủy mục tiêu của Buk-3M đã đạt đến mức 99.9% và phạm vi phá hủy tối đa (tầm bắn) đã tăng 25km và đang ở mức 70 km. Hệ thống tên lửa Buk-M3 có thể theo dõi và tấn công 36 mục tiêu cùng một lúc. Tên lửa có thể được phóng từ 12 container (xe mang phóng có thể lắp 12 đạn tên lửa nếu không tích hợp radar) trong vòng 20 giây sau khi lệnh phóng được thiết lập.
Murakhovsky nói rằng hệ thống này là tự động hoàn toàn: phát hiện ra một mục tiêu, phân loại mục tiêu và đưa ra quyết định đánh chặn nó.
Nhật báo Izvestiya cũng nhắc lại rằng hệ thống này đã được giới thiệu lần đầu tại diễn đàn quân sự-kĩ thuật quốc tế-2016. Sau đó, phái đoàn Ai Cập đã đăng những bức ảnh của hệ thống này lên trang Facebook không chính thức của Lực lượng Vũ trang Ai Cập.
Sự hiện diện của hệ thống sau đó đã được xác nhận bởi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu - nói rằng hệ thống này sẽ được triển khai và sẽ đi vào hoạt động vào năm 2016.
Cảnh giác sức mạnh Triều Tiên
Theo các chuyên gia được nhật báo Izvestiya tiếp cận, đây là một biện pháp phòng ngừa trong trường hợp tình hình trên bán đảo Triều Tiên xấu đi.
Vasily Kashin, một chuyên gia cao cấp của Viện Viễn Đông ở Moscow nói với nhật báo trên rằng việc tái trang bị hệ thống vũ khí hiện đại này sẽ là một rào chắn bảo đảm bổ sung trong trường hợp tình hình trên bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng . Đơn vị được trang bị Buk-M3 có thể được tái triển khai tới Viễn Đông để bảo vệ các trung tâm hành chính và công nghiệp trước bất kỳ cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc không kích nào.
Chuyên gia quân sự này cũng nói thêm rằng Buk hoàn toàn là một hệ thống phòng thủ và việc triển khai sẽ không dấy lên sự lo ngại từ các nước láng giềng của Nga và sẽ không làm thay đổi sự cân bằng quyền lực trong khu vực.
Động thái trên được đưa ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong tuần này cũng nói rằng chương trình vũ tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên là "mối đe dọa cấp thiết và nguy hiểm nhất đối với hoà bình và an ninh".
Daily Mail cũng cho biết, Nga đã sẵn sàng tăng cường lực lượng quân sự ở vùng Viễn Đông – nơi tiếp giáp cả trên biển và đất liền với Triều Tiên.
(Theo Sputnik, Daily Mail)