(Tổ Quốc) - Hãng tin AFP dẫn nhận định từ nhiều game thủ và chuyên gia cho biết, bước tiến mới của thể thao điện tử tại Đại hội thể thao châu Á năm nay sẽ giúp thay đổi góc nhìn của công chúng đối với môn thể thao này và là một bước quan trọng hướng tới sự công nhận tại Olympic.
E-sports sẽ ra mắt với tư cách là môn thể thao tranh huy chương chính thức tại Đại hội thể thao châu Á (Asian Games) ở Hàng Châu sau khi trở thành môn thể thao trình diễn tại Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 ở Indonesia vào năm 2018. E-sports (thể thao điện tử) tại ASIAD 2023 sẽ có 7 nội dung tranh huy chương chính thức, bao gồm EA Sports FC, PUBG Mobile, Arena of Valor, Dota 2, League of Legends, Dream Three Kingdoms 2 và Street Fighter V.
Giấc mơ Olympic?
Các sự kiện thể thao điện tử tại ASIAD năm nay dự kiến diễn ra trước đông đảo công chúng tại Trung tâm Thể thao điện tử Hàng Châu, Trung Quốc. Sự kiện này thu hút rất nhiều sự chú ý của thế hệ trẻ.
Giáo sư Kang của Đại học Shingu, một trong những thế hệ game thủ chuyên nghiệp đầu tiên của Hàn Quốc với bí danh "H.O.T Forever", cho biết việc đưa thể thao điện tử vào ASIAD năm nay là một cột mốc quan trọng đối với nỗ lực giúp e-sports được được công nhận là một môn thể thao "thực sự".
Ông Kang nói với AFP: "Khi tôi còn là một game thủ vào cuối những năm 1990, phản ứng ban đầu của mọi người là 'Tại sao trò chơi điện tử lại được xuất hiện trên TV?'. Nhưng với sự nỗ lực của các game thủ và các bên liên quan, tôi nghĩ chúng ta đã đạt được khoảng 90% mục tiêu trở thành một môn thể thao thực sự".
Ông Lokesh Suji, Phó chủ tịch Liên đoàn thể thao điện tử châu Á, cũng gọi Asian Games là một bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu cuối cùng là Olympics.
Ông Suji, hiện cũng là giám đốc của Liên đoàn E-sports Ấn Độ, chia sẻ: "Giấc mơ cuối cùng sẽ thành hiện thực khi E-sports được đưa vào Thế vận hội như một môn thể thao có huy chương chính thức".
Dù không kịp cho Thế vận hội Paris năm tới nhưng Ủy ban Olympic quốc tế cũng đang mong muốn thu hút khán giả trẻ hơn. Sự kiện tại Paris cũng lần đầu tiên có môn nhảy breakdance.
Bước tiến lớn của Esports
Trong khi giấc mơ Olympic có thể vẫn còn trong tương lai xa, thì các game thủ cũng vui mừng rằng sự góp mặt của thể thao điện tử tại Đại hội thể thao châu Á chắc chắn sẽ giúp thu hút thêm nhiều người hâm mộ, người chơi và sự công nhận hơn.
Đối với game thủ Mayank Prajapati – người được Ấn Độ đặt niềm tin sẽ giành được huy chương trong trò chơi Street Fighter, Đại hội thể thao châu Á khai mạc vào thứ Bảy (23/9) sẽ đánh dấu chặng đường mà anh và thể thao điện tử nước này đã đạt được.
Anh nhớ lại việc cha mình từng quở trách, thậm chí đánh đòn vì tội lẻn đi chơi trò chơi điện tử. Game thủ 33 tuổi chia sẻ "Tôi chơi trò chơi điện tử lần đầu tiên vào cuối những năm 1990 tại một máy trò chơi điện tử ở chợ với 2 rupee mà tôi có. Đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với Street Fighter và tôi đã yêu thích trò chơi này. Tôi thích chơi đến nỗi đã nói dối bố mẹ là đi học thêm nhưng lại dành hàng giờ để chơi Street Fighter".
Prajapati, một nhà thiết kế đồ họa 3D, nhớ lại việc cha anh từng phát hiện anh ra ngoài chơi trò chơi điện tử vào ban đêm, xung quanh là nửa tá trẻ em đang reo hò cổ vũ.
Prajapati, hiện đã là cha của một cậu bé hai tuổi, cười lớn: "Tôi bị la mắng rất nhiều…".
Câu chuyện của Prajapati là một điều quen thuộc với các game thủ từ nhiều quốc gia khác nhau.
Sanindhiya Malik, 21 tuổi, thành viên đội tuyển League of Legends của Ấn Độ, từng phải giả vờ là học trên máy tính trong khi thực tế là đang thi đấu trực tuyến. Malik nói: "Đôi khi trong một giải đấu, tôi phải giấu bố mẹ để họ không biết. Nhưng sau khi tôi được đại diện cho Ấn Độ, bố mẹ tôi đã nhận thấy sự công nhận mà môn thể thao này có thể mang lại cho tôi. Ngay cả người thân và bạn bè trước đó đã thắc mắc về thời gian thi đấu của tôi cũng đã chúc mừng tôi - và tôi cảm thấy thật tuyệt."
Kim Gwan-woo, người đại diện cho Hàn Quốc trong nội dung thi Street Fighter V, cũng chia sẻ với hãng tin AFP tại Seoul: "Bố mẹ tôi từng cực kỳ ghét tôi chơi trò chơi điện tử." Kim bày tỏ, họ thậm chí vẫn "nghi ngờ" về việc anh được tham dự Đại hội thể thao châu Á nhưng "Tôi nghĩ họ sẽ rất vui nếu tôi giành được huy chương".
Hàn Quốc cùng với chủ nhà Trung Quốc được dự đoán sẽ là hai đội rất mạnh trong môn thể thao điện tử tại Đại hội thể thao năm nay.