(Tổ Quốc) - Chuyến công du Hàn Quốc của em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un được cho là đã khiến quan hệ Washington và Seoul trở nên căng thẳng.
Bloomberg nhận định, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang triển khai một “vũ khí mới” đặc biệt tại Thế vận hội mùa Đông 2018, để đối phó với những lệnh trừng phạt và đe dọa của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump: em gái Kim Yo Jong.
Bà Kim Yo Jong đã bắt tay với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cổ vũ nhiệt tình cho đội tuyển bao gồm cả tuyển thủ của cả hai miền Triều Tiên, và thể hiện sự hài hước trong những cuộc gặp gỡ bên lề. Bà cũng chính là người đưa ra lá thư mời Tổng thống Hàn Quốc đến gặp anh trai mình tại Bình Nhưỡng, và thể hiện mong muốn ông Moon đóng “vai trò chủ đạo” trong sứ mệnh thống nhất bán đảo Triều Tiên sau gần bảy thập kỷ.
“Tôi chưa từng mong đợi mình có thể đến đây trong một thời gian ngắn như vậy, và tôi nghĩ mọi chuyện sẽ rất kỳ lạ và khác biệt, nhưng hóa ra sự thật không phải như vậy,” bà Kim Yo Jong phát biểu trong một bữa tiệc tối hôm Chủ nhật (11/2) trước khi quay trở về Triều Tiên. “Có rất nhiều thứ tương tự và giống nhau. Tôi kỳ vọng chúng ta có thể nhanh chóng trở thành một và gặp lại những người tốt này tại Bình Nhưỡng”.
Những lời lẽ nồng ấm của em gái ông Kim Jong-un được cho là đã “khoét” sâu hơn nữa sự chia rẽ giữa Mỹ và Hàn Quốc – xung quanh vấn đề đâu là biện pháp tốt nhất để loại bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Việc Triều Tiên đồng ý tham dự Olympics đã ảnh hưởng không nhỏ tới chiến dịch gây sức ép lên Bình Nhưỡng của Tổng thống Trump. Với lời kêu gọi gặp gỡ người đồng cấp Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang tìm cách củng cố những lợi ích mình có thể đạt được, trong khi vẫn duy trì kho vũ khí hạt nhân phòng ngừa sự tấn công từ Mỹ.
Bà Kim Yo Jong tại Hàn Quốc (ảnh: Bloomberg) |
“Kế hoạch ngoại giao cực kỳ thông minh”
Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ và Hàn Quốc có còn đứng cùng chiến tuyến trong việc gây sức ép đối với Triều Tiên hay không, đặc biệt là khi các lệnh trừng phạt giới hạn xuất khẩu và nhập khẩu nhiên liệu đang dần tác động rõ rệt lên Bình Nhưỡng. Trong khi các cố vấn của ông Trump đe dọa sử dụng hành động quân sự nhằm ngăn cản nhà lãnh đạo Kim tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, Tổng thống Hàn Quốc lại tìm cách loại bỏ một cuộc chiến tranh có thể khiến Hàn Quốc và cả khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.
Đề nghị gặp gỡ của ông Kim là “một kế hoạch ngoại giao cực kỳ thông minh”, Andrei Lankov, giáo sư lịch sử tại Đại học Kookmin, Seoul đánh giá. Ông Moon sẽ “chọc tức” người đồng cấp Mỹ nếu chấp nhận lời đề nghị; trong khi việc từ chối sẽ khiến Mỹ và Hàn Quốc trở thành một “cặp đôi” hiếu chiến. “Lời đề xuất, cũng như sự hiện diện của Triều Tiên tại Olympics gửi đi một tín hiệu rằng Triều Tiên đã sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán,” ông Lankov nói. “Và tín hiệu này giúp phản đối chiến dịch quân sự tại Washington và các nơi khác”.
Khả năng trục trặc trong liên minh Mỹ - Hàn Quốc ngay lập tức trở nên rõ ràng hơn sau khi thông tin về đề nghị gặp mặt được công bố. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ban đầu đưa ra những phát biểu trái ngược về việc ông Moon có chấp nhận lời đề nghị hay không. Một phát ngôn viên của Nhà Xanh cho biết, cuộc gặp cần phải đáp ứng được những điều kiện tiên quyết mới có thể trở thành hiện thực.
Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng tiết lộ, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã không nhắc tới lời mời khi cùng ông Moon xem một sự kiện trượt băng tốc độ hôm 10/2. Phát biểu trước báo giới sau đó, ông Pence nhấn mạnh rằng, không có “khoảng trống” trong quan hệ Mỹ - Hàn Quốc, và Nhật Bản đang đẩy mạnh việc cô lập Triều Tiên cho đến khi ông Kim từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này.
Tuy nhiên những nhà quan sát Triều Tiên cho rằng, ông Moon sẽ không tuân theo “kịch bản”. Tổng thống Hàn Quốc từng bày tỏ mong muốn về một cách tiếp cận mềm mỏng hơn trước Bình Nhưỡng và không ít lần tìm kiếm một cơ hội gặp gỡ với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ban đầu chính ông Moon từng phản đối việc Mỹ triển khai lá chắn tên lửa tại Hàn Quốc. Năm ngoái, ông cũng thề sẽ ngăn chặn chiến tranh bằng mọi giá sau khi Tổng thống Trump đe dọa sử dụng quân sự với Triều Tiên.
Những lo lắng của ông Moon
“Tôi lo rằng, ông Moon không muốn bỏ lõ cơ hội cho một ‘chính sách bình minh’ mới và thỏa thuận hòa bình,” Malcom Davis, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách chiến lược Australia nói về nhà lãnh đạo Hàn Quốc. “Đến Bình Nhưỡng vô điều kiện thực sự là một tiến triển tồi tệ và tôi nghĩ nó sẽ chọc giận chính quyền ông Trump”.
Tổng thống Moon cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ phản đối từ chính quê nhà. Tỷ lệ ủng hộ của ông, mặc dù vẫn cao ở mức 63%, nhưng đã sụt giảm sau khi ông thúc đẩy việc thành lập đội tuyển khúc côn cầu liên Triều. Các nhóm bảo thủ Hàn Quốc cũng đã phản đối sự tham gia của Triều Tiên tại Olympics PyeongChang 2018.
Bà Kim Yo Jong và anh trai (ảnh: Newsweek) |
“Giấc mơ hoang dã không bao giờ thành hiện thực”
Joseph DeTrani, người từng tham gia vào quá trình thiết lập thỏa thuận hạt nhân Triều Tiên 2005 nhận định, ông Moon nên tham dự hội nghị thượng đỉnh nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un đồng ý thảo luận về các vấn đề hạt nhân – tên lửa; đồng thời quay trở lại đàm phán sáu bên về giải trừ hạt nhân. Điều này phù hợp với những gì mà chính quyền Trump từng đưa ra trước đó.
Mặc dù vậy, Bình Nhưỡng vẫn không cho thấy mình đã sẵn lòng thảo luận về giải trừ hạt nhân. Tháng trước, các nhà đàm phán Triều Tiên đã phản đối khi phía Hàn Quốc nêu lên vấn đề này trong các cuộc nói chuyện về Olympics. Còn tuần trước, một bài bình luận trên hãng thông tấn Triều Tiên KCNA gọi giải trừ hạt nhân là “một giấc mơ hoang dại không bao giờ trở thành sự thật”.
Tổng thống Moon sẽ không có nhiều lợi thế trong thương lượng với Triều Tiên nếu thiếu sự “chống lưng” từ Mỹ - Christopher Green, một cố vấn cấp cao về bán đảo Triều Tiên tại tổ chức Khủng hoảng quốc tế tại Amsterdam, cảnh báo.
“Mục tiêu của ông Moon là làm đủ trong quan hệ liên Triều, để Mỹ và Hàn Quốc có thể nói chuyện cùng nhau,” ông Green phân tích. “Các trò chơi chiến lược thật sự mới chỉ bắt đầu”.